Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhi V. (2 tuổi, quê Lục Ngạn, Bắc Giang). Bé V. nặng 16 kg nhưng phải "cõng" khối mỡ khổng lồ nặng 4 kg trên lưng.
Các bác sĩ cho biết đây là một khối u mỡ khổng lồ hiếm gặp, quá trình phẫu thuật rất phức tạp.
Theo chị Giàng Thị H (mẹ bé V), bé phải mang khối u trên lưng từ khi chào đời kèm với teo thận trái, dị dạng bàn chân. Khi bé được 2 tháng tuổi, chị đưa con đi khám ở BV và được chẩn đoán là u dị dạng bạch huyết. Tuy nhiên khối u còn nhỏ bé V. được cho về theo dõi. Sáu tháng gần đây khối u phát triển nhanh nên chị mới đưa con đi khám.
ThS-BS Đặng Hoàng Thơm, Trưởng Khoa Sọ mặt và Tạo hình, BV Nhi Trung ương, cho biết bé V. đến viện được chẩn đoán có khối u mỡ khổng lồ sau lưng, chiếm toàn bộ vai, lưng và một phần vùng mông. Trên phim chụp, khối u lan tỏa toàn bộ hai bên lưng, vai, lan qua giữa cột sống từ trái qua phải. Ngoài ra, thận phải của bé bị teo nhỏ, hai bàn chân bị dị tật.
Khối u 4 kg trên vai bệnh nhi V. trước khi được phẫu thuật. Ảnh: BVCC
“Sau khi hội chẩn, chúng tôi nhận định khối u mỡ khổng lồ kích thước 40x45 cm đã ảnh hưởng đến bệnh nhi rất nhiều, khiến bé phải cúi gập người khi đi lại. Lúc đến khám, cột sống của bệnh nhi đã bắt đầu biến dạng, lồng ngực bên trái phồng lên. Trường hợp này được đưa đến BV khá muộn" - BS Thơm cho hay.
Các bác sĩ quyết định phẫu thuật sớm để giải quyết cắt bỏ hoàn toàn khối u, hạn chế nguy cơ biến dạng cột sống, lồng ngực. Do khối mỡ nằm lan toả toàn bộ vùng lưng, ranh giới không rõ nên vấn đề đặt ra là ngoài cắt bỏ, phải tính toán bảo tồn lượng da che phủ.
Sau ca phẫu thuật kéo dài bốn giờ đồng hồ, các bác sĩ đã loại bỏ được khối u nặng 4 kg. Để tránh nguy cơ nhiễm trùng do tiết dịch và phải theo dõi sự sống của vạt da được khâu lại, bệnh nhi được chăm sóc đặc biệt. Hiện vết thương đang hồi phục khá tốt, vạt da sống, dự kiến 3-4 hôm nữa bệnh nhi được xuất viện.
Khối u "mai rùa" đã bị loại nhưng bệnh nhi vẫn còn còn khối u vùng mông, teo thận trái, dị dạng bàn chân. Theo BS Thơm, BV sẽ tiến hành hội chẩn chuyên khoa để tìm hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhi trong tương lai. Khoảng sáu tháng nữa, khi sức khỏe bệnh nhi ổn định sẽ được các bác sĩ sẽ phẫu thuật loại bỏ khối u mỡ vùng mông.