Vắc xin của Pfizer và BioNTech là một trong số 10 ứng cử viên vắc xin tiềm năng đang trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối trên thế giới - Ảnh: AP
Pfizer (trụ sở tại Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) là những nhà sản xuất dược phẩm đầu tiên công bố dữ liệu thành công từ thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn của vắc xin COVID-19. Các công ty cho biết họ không phát hiện các mối lo ngại nghiêm trọng về tính an toàn của vắc xin, và dự kiến sẽ nộp đơn xin sử dụng khẩn cấp lên cơ quan chức năng Mỹ vào cuối tháng 11.
Hiệu quả miễn dịch có thể đến 1 năm
"Hôm nay là một ngày vĩ đại cho khoa học và nhân loại' - ông Albert Bourla, chủ tịch và giám đốc điều hành Pfizer, tuyên bố ngày 9-11. Cho đến trước thông báo của Pfizer, chưa có loại vắc xin nào được chứng minh là có hiệu quả cao trong thời gian ngắn như vậy.
Vắc xin của Pfizer và BioNTech bao gồm 2 liều, tiêm cách nhau 3 tuần. Các thử nghiệm ở Mỹ, Đức, Brazil, Argentina, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy khả năng bảo vệ của vắc xin đạt tới 90% một tuần sau liều thứ 2.
Thông báo của Pfizer tạo thêm hi vọng rằng các loại vắc xin COVID-19 khác đang được phát triển cũng có thể chứng minh hiệu quả.
Theo đó, 44.000 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm nhận vắc xin thật hoặc giả dược. Sau một thời gian, các nhà nghiên cứu nhận thấy có 94 trường hợp trong số các tình nguyện viên trên mắc COVID-19.
Pfizer không cung cấp thêm thông tin chi tiết về 94 ca bệnh đó, và cảnh báo tỉ lệ bảo vệ ban đầu của vắc xin có thể thay đổi vào thời điểm nghiên cứu kết thúc, theo Reuters.
Đài CNN cho biết chỉ khoảng 10% trong 94 ca bệnh trên (khoảng 9 người) thuộc nhóm nhận vắc xin thật bị lây virus corona, trong khi 90% còn lại (khoảng 85 người) nằm trong nhóm nhận giả dược, bị lây virus. Điều này cho thấy vắc xin đạt đến khoảng 90% hiệu quả.
Mục tiêu cuối cùng của thử nghiệm là ghi nhận 164 ca nhiễm trong số các tình nguyện viên.
Vắc xin COVID-19 của hãng dược Pfizer và BioNTech - Ảnh: REUTERS
FDA cũng yêu cầu các ứng cử viên vắc xin của Mỹ phải được thử nghiệm trên ít nhất 30.000 người. Ngoài đủ số lượng về người lớn tuổi, các thử nghiệm cũng phải bao gồm các nhóm khác có nguy cơ cao, bao gồm cả người thiểu số và người có vấn đề sức khỏe mãn tính.
Đồng thời phải theo dõi phản ứng phụ ở 50% người tham gia thử nghiệm trong ít nhất 2 tháng - khoảng thời gian mà các vấn đề có thể sẽ xuất hiện. Pfizer cho biết họ sẽ hoàn thành cột mốc này vào tuần thứ 3 của tháng 11 nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ mối lo ngại an toàn nghiêm trọng nào.
Giám đốc điều hành BioNTech Ugur Sahin lạc quan rằng hiệu quả miễn dịch của vắc xin có thể kéo dài đến 1 năm, dù chưa thật sự chắc chắn về điều này.
Những vấn đề tiềm ẩn
Pfizer và BioNTech hiện có các hợp đồng cung cấp vắc xin cho Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh, Canada và Nhật Bản. Hai công ty cho biết họ có thể cung cấp 50 triệu liều vào cuối năm nay và khoảng 1,3 tỉ liều trước cuối năm 2021.
Vì đại dịch vẫn đang hoành hành, các nhà sản xuất dược hi vọng chính phủ các nước trên thế giới sẽ cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc xin của họ trong khi tiếp tục thử nghiệm bổ sung. Điều này cho phép vắc xin xuất hiện trên thị trường nhanh hơn bình thường nhưng gây lo ngại về việc các nhà khoa học đã hiểu rõ bao nhiêu về các mũi tiêm.
Vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp vì đây chỉ là dữ liệu tạm thời do nghiên cứu chưa kết thúc. Tiến sĩ Bill Gruber - phó chủ tịch cấp cao về phát triển lâm sàng của Pfizer - cho biết nghiên cứu của họ chưa ghi nhận ca ốm nặng nào.
Những người tham gia chỉ được khám bệnh khi họ phát triển các triệu chứng. Do đó, chúng ta hiện không biết liệu vắc xin sẽ ngăn người tiêm chủng không bị nhiễm virus hay chỉ ngăn không để họ phát triển các triệu chứng. Hoặc nó có hoạt động tốt ở những người cao tuổi có nguy cơ cao hay không.
Câu hỏi lớn nhất là hiệu quả miễn dịch sẽ kéo dài bao lâu. Đài BBC nhận định có lẽ phải mất vài tháng hoặc có khả năm là vài năm để biết được câu trả lời.
Bên cạnh đó, còn có những thách thức lớn trong khâu sản xuất và hậu cần để có thể chủng ngừa cho một số lượng lớn người cần tiêm chủng vì vắc xin cần phải được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ cực lạnh là dưới âm 80 độ C.
TTO - Từ đáy 1.856 USD/ounce đêm hôm qua, lúc 9h30 sáng nay, 10-11, giá vàng thế giới đã phục hồi trở lại lên mức 1.873,7 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC sáng nay bốc hơi 650.000 đồng/lượng.