Anh Nguyễn Văn Đương bên bộ sưu tập sách của mình - Ảnh: NHẬT THỊNH
Bắt đầu sưu tầm từ năm 2010, đến nay bộ sưu tập sách giáo khoa của anh Đương đã có khoảng vài ngàn cuốn, riêng sách môn văn - tiếng Việt có khoảng 500 cuốn bên cạnh các loại sách giáo khoa khác như lịch sử, địa lý, toán...
“Điều mong muốn nhất là những trang sách mà mình chia sẻ có thể tới được đông đảo bạn đọc, nhất là thế hệ trẻ bây giờ, để các em hiểu ông cha mình từng học những gì và sống như thế nào. Đó là sợi dây liên kết giữa các thế hệ, là một phần văn hóa Việt.
Anh Nguyễn Văn Đương
Đam mê với sách tiếng Việt
Tâm huyết bỏ ra nhiều năm giúp anh Đương có một bộ sưu tầm khá đa dạng trải dài qua từng thời kỳ giáo dục, từ khi chữ quốc ngữ bắt đầu được sử dụng rộng rãi: cuốn Ấu học khải mông do Trương Minh Ký biên soạn năm 1893, Giáo khoa thư - bộ sách giáo khoa dùng chung trên cả nước từ những năm 1920, những cuốn sách giáo khoa ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam giai đoạn 1950-1975, những bộ sách thời kỳ cải cách 1980-1989 và cải cách giai đoạn 1990-2003 lẫn những bộ sách thời kỳ bình dân học vụ, sách giáo khoa dành riêng cho học sinh miền núi, dân tộc vùng cao...
"Ban đầu cũng chỉ muốn tìm lại những cuốn sách thời mình đi học thôi, nhưng thấy đề tài này khá hay nên cứ gặp là mình sưu tầm. Từ sách giáo khoa, vở viết, những dụng cụ học tập ngày xưa rồi đến cả báo, tạp chí, sách truyện dành cho thiếu nhi nữa..." - anh Đương nói.
Tuy vậy, việc sưu tầm cũng không dễ dàng bởi có những cuốn sách rất hiếm. Nhiều khi phải mất mấy năm mới thuyết phục được người khác bán cho. Để tập hợp được một bộ sách giáo khoa lâu đời và tương đối đầy đủ như Giáo khoa thư, anh cũng phải gom góp và tìm kiếm qua rất nhiều năm.
Ngôi nhà nhỏ khoảng 50m2 của anh Đương trưng bày đầy những cuốn sách đã ố màu. Sưu tầm đã không đơn giản, việc bảo quản càng khó khăn khi sách để lâu khiến giấy bị giòn, mục, khó tránh khỏi mối mọt và hư hại.
Giá trị từ những trang sách xưa
Nói về sách giáo khoa lớp 1 thời xưa, anh Đương nhận xét hình thức và ngôn ngữ trong sách đều rất mộc mạc và gần gũi với học sinh. Đa số các cuốn sách đều mỏng, chữ không quá nhiều, lại được in khá to. Các hình vẽ minh họa rất thân thuộc với cuộc sống thường ngày. Nhìn vào, học sinh dù chưa thạo mặt chữ vẫn có thể đoán được từ đó có ý nghĩa gì, rất dễ dàng cho việc nắm bắt bài học.
Chương trình, nội dung các bài học cũng tương đối nhẹ nhàng. Các cuốn sách giáo khoa ra đời vào thời kỳ chữ quốc ngữ bắt đầu phát triển rộng rãi (cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 - thường gọi là Giáo khoa thư) thì nội dung vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của Nho học xen lẫn Pháp văn. Ở những thời kỳ sau, nội dung sách phần lớn đều xây dựng giống nhau: dạy trẻ cách làm người, những kiến thức đơn giản về cuộc sống và xã hội.
Một số sách giáo khoa lớp 1 ngày nay, theo anh Đương, dường như đã dần mất đi tính hồn nhiên khi sử dụng ngôn ngữ "không phù hợp với trẻ nhỏ". Chương trình học khá nặng, lượng chữ cùng kiến thức khá dày đặc và hình minh họa nhiều khi còn xa lạ với trẻ.
Sưu tầm để lan tỏa
Không chỉ sưu tầm, nghĩ việc chia sẻ cho mọi người cùng xem là cần thiết, anh Đương và vài người quen biết đã lập trang web thuongmaitruongxua.vn để đăng tải sách cũ. Anh mất một năm cùng đội ngũ xây dựng web và mất rất nhiều thời gian scan từng cuốn sách, biên soạn nội dung đăng lên web cũng như tương tác với độc giả hằng ngày.
Thành lập từ năm 2015, đến nay trang web của anh Đương đã có lượt xem tương đối ổn định, tuy tương tác còn khá yếu do lứa tuổi vào web phần lớn là giới trung niên. Trang web hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận. Nhiều độc giả, có cả những người ở hải ngoại, biết đến web và tìm đọc. Họ chia sẻ nhờ có trang web mà có cơ hội quay lại những kỷ niệm đáng quý, thậm chí còn ngỏ ý tài trợ. Nhiều người tải sách về in ra để lấy tư liệu phục vụ nghiên cứu và học hành.
Bận rộn với công việc ở công ty nước ngoài, anh Đương chia sẻ nhiều lúc cũng muốn tạm dừng hoạt động vì không có thời gian: "Khi mình đóng trang web, nhiều người nhắn tin nhờ mở lại để lúc rảnh họ vào xem. Một tháng tốn hơn 1 triệu đồng tiền thuê máy chủ, cũng không quá tốn kém nên mình quyết định cứ để vậy cho mọi người cùng đọc".
Trước mắt, anh Đương mới chỉ scan được chưa đến 1/10 những loại sách giáo khoa mình có. Thời gian tới, anh mong muốn sẽ thành lập được một đội ngũ để số hóa sách cũng như quản lý và phát triển trang web, giúp nhiều người tiếp cận tư liệu một cách phong phú và dễ dàng. "Tôi muốn truyền tình yêu văn hóa, giáo dục Việt Nam qua hoạt động này" - anh Đương trải lòng.
Bộ sách Giáo khoa thư lớp đồng ấu (lớp 1-2 bây giờ) được coi là bộ SGK cấp 1 tương đối đầy đủ đầu tiên của Việt Nam xuất bản những năm 1933-1941 (trái) và cuốn Ấu học khải mông, Minh tâm bửu giám xuất bản những năm 1890 là những cuốn sách lâu đời nhất trong bộ sưu tập SGK xưa của anh Đương - Ảnh: NHẬT THỊNH
Tại thuongmaitruongxua.vn, các bộ sách giáo khoa xưa được scan, đăng tải và chia theo từng thời kỳ (từ những năm 1890 đến đầu những năm 2000). Người xem có thể bình luận và tải tư liệu miễn phí.
Chị Trần Hải Yến - 35 tuổi, ở Vũng Tàu, độc giả trung thành của thuongmaitruongxua.vn - chia sẻ: "Cảm giác lúc xem lại những trang sách ngày xưa khiến tôi như được quay lại tuổi thơ bình dị với những cánh đồng, mùa lúa, ruộng vườn. Tôi tải về cho các con học và còn in tặng các cô giáo. Nhờ những trang sách mà con tôi tưởng tượng được những ngày đi học của mẹ. Rất cảm ơn anh Đương vì đã sưu tầm, tìm tòi lưu giữ với cả cái tâm của người yêu sách".
TT - Người dân ở thôn Qui Hậu, xã Liên Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) rất quí mến tấm lòng của ông Nguyễn Duy Hưng, 78 tuổi, đối với Bác Hồ: 23 năm qua ông miệt mài đọc sách báo, nghe đài để viết tập tài liệu mang tên: "Dân ta muốn biết rõ thêm về Bác Hồ".
Xem thêm: mth.72582429001110202-court-man-031-aohk-oaig-hcas-mat-uus-ert-iougn/nv.ertiout