Kinh tế tuần hoàn hóa giải mâu thuẫn giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường
Trung Chánh
(TBKTSG Online) - Phát triển kinh tế tuần hoàn là yêu cầu đặt ra để giải quyết mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Muốn vậy, phải giảm thiểu khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thô và tái chế tối đa chất thải theo phương thức cộng sinh công nghiệp.
Sơ đồ mô hình kinh tế tuyến tính và kinh tế tuần. Ảnh đồ họa: Tạp chí Tài Chính |
Tại cuộc hội thảo “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở các tỉnh, thành phía Nam - vấn đề và giải pháp” do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Thành ủy TP Cần Thơ tổ chức vào hôm nay, 10-11, ông Nguyễn Văn Thành, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, để quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt, trong khi chất thải ngày càng tăng, thì cần phải tránh xa tư duy "phát triển kinh tế tuyến tính", tức sử dụng tài nguyên tăng dần để chuyển sang chu trình khép kín đối với tất cả tài nguyên được sử dụng, tránh tư duy "phát triển trước, khắc phục sau".
Theo ông Thành, kinh tế tuần hoàn là khái niệm đã phát triển qua nhiều thập niên để trở thành một sự thay thế khả thi cho hệ thống tiêu dùng lãng phí hiện tại. “Khi thế giới ngày càng nhận thức được tác động của con người với sự tồn tại của hành tinh chúng ta, hệ thống kinh tế mới không chỉ phải giải quyết bản chất hữu hạn của tài nguyên không tái tạo, mà còn xử lý lượng chất thải lớn đã tạo ra”, ông nhấn mạnh.
Ông Thành cho biết, để bổ sung tài nguyên cho việc hấp thụ của con người và hấp thụ hết ô nhiễm do con người tạo ra, phải cần đến 1,7 hành tinh trái đất. Đến năm 2050, dự báo phải cần đến 3 hành tinh của trái đất để cung cấp tài nguyên và hấp thụ rác thải. “Chúng ta cần chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính mang tính lãng phí như hiện tại sang nền kinh tế tuần hoàn, trong đó, nhấn mạnh sự thịnh vượng, không lãng phí thông qua tăng hiệu quả tài nguyên, tái sử dụng vật liệu tốt hơn và tái chế nhiều hơn”, ông Thành nhấn mạnh.
Trước đó, phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ cho biết, những tác động từ tình trạng gia tăng dân số, biến đổi khí hậu toàn cầu và yêu cầu tăng trưởng kinh tế cao..., nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó, có Việt Nam phải đối diện với những thách thức do tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác ngày càng suy kiệt, thiên tai dịch họa ngày càng gia tăng.
Trước thực trạng đó, theo ông Mạnh, để phát triển nhanh và bền vững, cần phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, “không đánh đổi” tăng trưởng kinh tế với ô nhiễm và suy thoái môi trường. “Cần khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó, chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là hướng đi thích hợp”, ông Mạnh cho biết.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế, trong đó, các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo ông Trường, những yêu cầu đặt ra phải dựa trên các nguyên tắc chính, đó là thiết kế để tái sử dụng; khả năng linh động nhờ sự đa dạng; sử dụng năng lượng từ các nguồn vô tận; tư duy hệ thống và trên nền tảng sinh học.