Doanh nghiệp có vốn 10 triệu đồng muốn hồi sinh dự án triệu đô Saigon One Tower
V.Dũng
(TBKTSG Online) - Saigon One Tower từng bị Chủ tịch UBND TPHCM điểm tên là một trong những dự án làm xấu bộ mặt thành phố vì nằm bất động trên “đất vàng” hơn 10 năm qua. Sau khi VAMC thu giữ tổ chức đấu giá dự án không thành thì đến nay UBND TPHCM nhận được đề xuất đầu tư từ một doanh nghiệp chỉ có vốn thực góp chủ sở hữu 10 triệu đồng.
Dự án Saigon One Tower dang dở trên đất vàng TPHCM hàng chục năm qua. Ảnh minh họa: Lê Quân |
Cụ thể, Công ty cổ phần Di sản quốc tế Hồ Tràm mới đây đã đề xuất với UBND TPHCM về việc đầu tư dự án tòa nhà Cao ốc Sài Gòn M&C (Saigon One Tower) tại mặt đường Tôn Đức Thắng, quận 1. Đáng chú ý, trong khi Saigon One Tower là dự án cao ốc với vốn đầu tư ban đầu lên tới 256 triệu đô la thì quy mô vốn của doanh nghiệp đề xuất đầu tư hiện chỉ ở mức 10 triệu đồng.
Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, Công ty Di sản quốc tế Hồ Tràm được thành lập ngày 22-11-2019 với vốn điều lệ 300 triệu đồng. Công ty có ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà để ở và có trụ sở ở số 33 Đường số 8, Khu phố 4, phường Bình An, quận 2, TPHCM.
Công ty này bao gồm ba cổ đông sáng lập, trong đó ông Nguyễn Quốc Long góp 50% vốn và đảm nhiệm vai trò giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Hai cổ đông cá nhân khác lần lượt là ông Lê Nguyên Thành góp 30% và ông Lê Quang Ngọc góp 20%. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, vốn thực góp của các cổ đông vào doanh nghiệp mới là 10 triệu đồng và tổng tài sản công ty mới đạt 8,94 triệu đồng.
Theo tìm hiểu cổ đông lớn của Di sản quốc tế Hồ Tràm là ông Nguyễn Quốc Long cũng đang đứng tên tại Công ty cổ phần Du lịch Hồ Tràm và Công ty cổ phần Quốc tế Hồ Tràm. Trong đó, Du lịch Hồ Tràm không hoạt động tại địa chỉ đăng ký; còn Quốc tế Hồ Tràm đã ngừng hoạt động.
Công ty cổ phần du lịch Hồ Tràm chính là doanh nghiệp từng đề xuất đầu tư 3 dự án lớn ở Việt Nam với tổng vốn lên tới 100 tỉ đô la hồi năm 2014. Trong đó, công ty công bố ký kết hợp tác cùng Dragon Best International (Hong Kong) để thực hiện các dự án.
Các dự án này bao gồm Khu trung tâm phức hợp thương mại, tài chính, khách sạn, khu nhà ở, trung tâm hội nghị quốc tế tại Ba Son và Tân Cảng (TPHCM), tổng vốn đầu tư 32 tỉ đô la; Khu du lịch sinh thái quốc tế Hồ Tràm và mở rộng thị trấn Phước Bửu tại huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), vốn đầu tư 18 tỉ đô la; Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y, tổng vốn đầu tư 50 tỉ đô la.
Trong khi đó dự án Saigon One Tower là dự án lớn nằm trên khu đất rộng hơn 6.672 m2 tại quận 1, TPHCM với quy mô 41 tầng được khởi công năm 2007. Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower - liên doanh của CTCP M&C, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn – Saigontourist, DongABank, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á và CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận. Dự án được khởi công hơn 10 năm trước, có thời gian hoàn thành dự kiến vào năm 2011.
Tuy nhiên, dự án này đã dừng thi công hơn một thập niên do vấn đề "sức khỏe tài chính" của chủ đầu tư và các vấn đề pháp lý có liên quan. Tháng 8-2017, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) bất ngờ công bố thông tin đã thu giữ tòa nhà này để xử lý và thu hồi nợ do Công ty CP Sài Gòn One Tower thế chấp. Đến tháng 3-2018, tòa nhà nói trên được VAMC bán đấu giá với giá khởi điểm 6.110 tỉ đồng, tuy nhiên không tìm được nhà đầu tư tham gia.
Việc tổ chức đấu giá được dự đoán là rất khó khi dự án này là tài sản liên quan đến vụ án của Công ty Sài Gòn One Tower vay vốn để đầu tư xây dựng cao ốc. Đến nay, công ty vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước để chuyển đổi mục đích sử dụng từ thuê đất sang giao đất đối với phần diện tích xây dựng khối căn hộ. Vì vậy, dự án này chưa được phép chuyển đổi công năng, các căn hộ chưa được phép bán.