Trân trọng giới thiệu tới độc giả ý kiến của ông Vũ Tú Thành - Phó giám đốc điều hành khu vực - Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN về một số vấn đề liên quan đến bầu cử Mỹ cũng như quan hệ Việt – Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden.
01. TẠI SAO ÔNG TRUMP THUA TRONG CUỘC BẦU CỬ 2020?
Thanh An: Thưa ông, kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2020 có khiến ông bất ngờ không? Và cảm xúc của ông lúc này là gì?
Ông Vũ Tú Thành: Ồ, vào lúc này tôi thấy thanh thản vì không còn gì phải chờ đợi nữa. Riêng với tôi kết quả của cuộc bầu cử lần này không hề bất ngờ.
Bởi vì tôi đã chờ cuộc bầu cử này từ rất lâu. Chính xác là từ năm 2016.
Những lý do khiến ông Trump chiến thắng năm đó cũng chính là lý do đưa ông ta đến thất bại năm nay. Điểm cốt lõi để ông Trump lên nắm quyền 4 năm về trước chỉ bởi vì ông ấy là một hiện tượng. Và mặc dù hiện tượng thì không thể kéo dài được nhưng dẫu có thế nào chăng nữa, Tổng thống Trump đã phang một nhát sâu hoắm vào lịch sử, vào thế giới này và vào trái tim cả tỉ người. Đời người có mấy ai làm được như vậy.
Thanh An: Tại sao ông Trump thắng cử năm 2016 thưa ông?
Ông Vũ Tú Thành: Câu trả lời có thể tìm thấy ở hiện tượng William Hung, chàng trai 21 với gương mặt ngờ nghệch luôn nở nụ cười thân thiện, nổi danh từ chương trình American Idol. Hung được mệnh danh là "Ricky Martin của Hong Kong" và là nghệ sĩ gốc Hoa đầu tiên có album nhạc đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc Billboard.
Đa số người dân Mỹ nhìn chung không hài lòng với thực tại (status quo) và luôn chỉ ra hàng loạt những yếu kém, bất cập của chính sách hiện hành, bất kể là ai đang là chủ nhân Nhà Trắng hay đảng nào đang nắm quyền. Họ luôn luôn đòi thay đổi, cải cách. Việc ông Obama là người da màu đầu tiên được bầu làm Tổng thống thể hiện xu hướng đó, một cuộc cách mạng thực sự lật đổ nhiều định kiến lâu đời.
Sau 8 năm ông Obama cầm quyền, những chính sách của ông và đảng Dân chủ lại trôi vào quán tính của một status quo khiến số lượng đủ lớn cử tri Mỹ thấy nhàm chán, thậm chí là bất bình mạnh mẽ. Người Mỹ đã thể hiện sự phản kháng của mình bằng việc bỏ phiếu cho một antithesis (phiên bản/biểu tượng đối lập) của những gì đại diện cho status quo. Quyền lực cuối cùng của nhân dân đã được thể hiện ra.
William Hung lọt vào chung kết American Idol năm 2004, được giới truyền thông và đông đảo công chúng quan tâm với lý do như vậy. Anh ta là sự tương phản của tất cả những giá trị American Idol đại diện hay hướng tới như tài năng, tri thức, vẻ đẹp bề ngoài, phong cách lịch lãm, khả năng giao tiếp lôi cuốn...
William Hung. Ảnh: Getty/Fox
Hung tưởng công chúng Mỹ hâm mộ "tài năng" của mình thật nên đã theo đuổi sự nghiệp ca hát, dù giám khảo đánh trượt anh ở vòng chung kết. Tuy nhiên, sự nổi loạn của công chúng Mỹ không kéo dài. Hung đã phải chấm dứt sự nghiệp showbiz của mình năm 2011, sau khi kiếm được kha khá tiền.
Ông Donald Trump không chỉ là một antithesis của Tổng thống Barack Obama mà còn là antithesis của status quo trong nội bộ đảng Cộng hòa. Chính ông Trump cũng khẳng định như vậy tại các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng này năm 2016. Kết quả, nhiều cử tri Mỹ đã bỏ phiếu cho ông năm 2016 như cách mà khán giả Mỹ bình chọn cho William Hung 12 năm trước đó. Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng ở đây, ta nhìn thấy nhiều điểm tương đồng.
Rõ ràng ông D. Trump cũng giống như W. Hung, lúc chiến thắng họ không ngờ là mình thắng. Nhưng sau khi thắng rồi, thì ngược lại.
- Haha, mình thắng rồi! Mình chính là sự vĩ đại!
Và họ hành động trên niềm tin về sự vĩ đại của mình.
Tuy nhiên, con lắc của sự phản kháng sẽ quay trở lại quán tính bình thường sau khi văng ra xa. Cuộc bầu cử năm nay chỉ là kết quả tất yếu sau cú văng năm 2016.
Nhưng khác với William Hung, ông Trump không từ bỏ. Ông vẫn muốn sống trong thực tại mà sự phản kháng của nhân dân đã mang lại cho ông ấy, cho thế giới của ông ấy. Và rất nhiều người ủng hộ ông ấy đến giờ phút này vẫn sống trong thực tại đấy.
Thanh An: Tôi nhớ đến lời than thở của một người phữ nữ Việt Nam tại Mỹ rằng những ngày gần đây chồng của cô ấy đã yêu cầu vợ không được xem tin tức về cuộc bầu cử nữa, không được nhắc đến cuộc bầu cử nữa. Ông ấy ủng hộ Tổng thống Trump.
Ông Vũ Tú Thành: Đúng rồi đấy! Ví dụ đó rất đặc trưng cho tâm lý của những người ủng hộ ông Trump.
Nhìn vào những người ủng hộ bà Clinton năm 2016 sẽ thấy ứng xử của họ với sự thất bại của ứng cử viên mình bầu rất khác so với người ủng hộ ông Trump năm nay. Năm ấy, những người ủng hộ bà Clinton thất vọng về kết quả bầu cử (vấn đề chính trị) nhưng lòng tin của họ vào các thiết chế dân chủ không bị lay chuyển. Chính vì thế họ chấp nhận và mong chờ 4 năm tiếp theo trôi qua thật nhanh để họ có cơ hội làm lại bằng một cuộc bầu cử mới.
Ngày hôm nay, những người Mỹ ủng hộ ông Trump và bản thân ông đang có thái độ ngược lại hoàn toàn. Họ không chấp nhận thực tại. Họ không mong chờ 4 năm tới dưới thời ông Biden qua nhanh mà chỉ muốn kéo dài khoảng thời gian hiện tại của ông Trump.
Những điểm đó rất khác nhau. Cho nên nhiệm vụ của ông Biden khó hơn nhiệm vụ của ông Trump. Ông Biden, nôm na là sẽ phải "phục dịch" tâm lý số đông không bỏ phiếu cho ông ấy để đảm bảo hàn gắn lại nước Mỹ.
Tuy nhiên, trong thông cáo báo chí chính thức gửi đến người dân Mỹ, ông Biden đã ý thức rất rõ vấn đề này: "Chúng ta là nước Mỹ. Không có điều gì là bất khả thi, nếu chúng ta cùng nhau hành động".
02. BẦU CỬ MỸ VÀ CÁCH TIẾP CẬN CỦA VIỆT NAM
Thanh An: Có những điểm đáng chú ý nào trong chính sách của Tổng thống đắc cử Joe Biden mà ông muốn nhắc đến?
Ông Vũ Tú Thành: Từ bài phát biểu vào đêm muộn ngày 7/11, người ta có thể thấy những nét lớn trong chính sách của ông Biden được thể hiện rất rõ.
Về mặt đối nội, ưu tiên đầu tiên là hàn gắn đất nước, ngay tiếp theo là tập trung xử lý dịch Covid-19. Rồi một loạt các chính sách kinh tế sau đó hướng tới các đối tượng dễ tổn thương, không phân biệt đảng phái.
Khác với Tổng thống Trump, ông Biden nêu danh rất cụ thể nhóm thứ ba, không chỉ Cộng hòa không chỉ Dân chủ: "Tôi tự hào về những điều mà chúng ta làm cùng nhau - với sự đồng thuận rộng rãi nhất và đa dạng nhất trong lịch sử, từ đảng Dân chủ, đảng Cộng hòa, những người Độc Lập, những người cấp tiến, người trung lập, người bảo thủ, người già, người trẻ, người thành thị, người nông thôn, người dị tính, người đồng tính, cộng đồng LGBT, người gốc Latin, người gốc châu Á, người Mỹ bản địa..."
Ông Joe Biden. Ảnh: AP
Cách gọi tên tất cả các nhóm xã hội cho thấy ông muốn đề cập toàn diện thay vì chỉ tập trung vào ưu tiên đối tượng đã bỏ phiếu cho mình. Có nghĩa là trong 4 năm tới, chính sách của ông không bỏ sót bất kỳ thành phần nào trong xã hội.
Tuy nhiên, công chúng cũng cần phải thận trọng vì chính trị gia nào cũng đều thể hiện như thế. Quan trọng là giai đoạn tiếp sau khi ông ấy thực thi lời hứa, cam kết bằng các chính sách cụ thể như thế nào.
Dường như ông Biden đã ý thức được sự nghi ngờ như vậy từ những người thận trọng. Cho nên ông đã thể hiện luôn bằng một số hành động cụ thể qua việc thành lập các nhóm chuyển giao sẽ được công bố trong 24h tới.
Thanh An: Việt Nam cần hiểu sự kiện này như thế nào cho phù hợp thưa ông?
Ông Vũ Tú Thành: Chính phủ Việt Nam về mặt ngoại giao chúng ta thấy rằng mới cách đây chưa đầy 2 tuần ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3/11, đã đón tiếp rất trọng thị ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo của chính quyền Tổng thống Trump.
Đó là cách tiếp cận tốt!
Đối với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần này, Việt Nam đang giữ được thái độ trung lập, thận trọng khi quan sát mặc dù đánh giá rất cao những đóng góp của chính quyền Tổng thống Trump vào mối quan hệ song phương.
Tôi cho rằng chính phủ Việt Nam đang thể hiện phản ứng của mình một cách phù hợp từng nấc từng nấc theo thời gian chứ không hề ồ ạt.
Thanh An: Sự xuất hiện Tổng thống đắc cử mới của Hoa Kỳ có tác động như thế nào đến mối quan hệ song phương giữa hai nước thưa ông?
Ông Vũ Tú Thành: Bất chấp thực tế rằng có đến hơn 70% dân số Việt Nam qua các cuộc thăm dò dư luận trên các báo điện tử và mạng xã hội ủng hộ mạnh mẽ ông Trump, tôi vẫn tin rằng quan hệ song phương Việt - Mỹ dưới thời chính quyền của ông Joe Biden sẽ tiếp tục chiều hướng tích cực như đang có. Chiều hướng tích cực này vốn dĩ được xây dựng dưới thời chính quyền Tổng thống Trump với nền tảng vững chắc trước đó do chính quyền Tổng thống Obama xây dựng. Dọc theo chiều dài lịch sử, Tổng thống Obama đã tiếp quản mối quan hệ tích cực này từ chính quyền của đảng Cộng hòa thời Tổng thống Bush con cũng như rất nhiều chính quyền trước đó nữa kể từ chính quyền của Tổng thống Bush cha.
03. VIỆT NAM CHỌN ĐỨNG VỀ CHÂN LÝ
Thanh An: 4 năm tới Việt Nam cần thích ứng như thế nào trong các mối quan hệ đa phương với nước Mỹ thưa ông?
Ông Vũ Tú Thành: Trong các mối quan hệ quốc tế 4 năm vừa qua, chính quyền của Tổng thống Trump đã tăng cường xiển dương sức mạnh của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Sức mạnh đó giúp cho uy tín của nước Mỹ tăng lên rất nhiều, và thực tế đã tạo ra những phản ứng, những thay đổi rất quan trọng ở khu vực này, nhất là với những đối tác mà chính sách đó hướng đến. Và dường như sức mạnh Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã khắc phục được những khiếm khuyết của các chính quyền trước. Tức là mặc dù nhiều chính quyền trước đây của Mỹ luôn có những tuyên bố rất mạnh mẽ nọ kia, nhưng không được bổ trợ bởi những hành động kiên quyết cụ thể.
Chính quyền Trump làm được điều ấy.
Tuy nhiên điểm mà chính quyền Trump có thể còn thiếu sót, đó chính là sự tôn trọng các định chế đa phương, các nguyên tắc chung... trong sinh hoạt chính trị quốc tế. Nếu chỉ dựa vào sức mạnh thôi, mọi giải pháp chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, khó bền vững được. Thứ mấu chốt giúp duy trì trật tự bền vững, sự công bằng trong quan hệ quốc tế phải là sự tôn trọng luật pháp và các nguyên tắc xây dựng nên hệ thống trật tự thế giới hiện nay. Và các nguyên tắc ấy luôn bao gồm các thiết chế đa phương. Việc phủ nhận sạch trơn những thiết chế đa phương sẽ không giúp ích gì cho hòa bình, an ninh trật tự trên thế giới.
Nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden đã nhìn thấy điều này. Với việc bổ khuyết những thiếu sót từ chính quyền Trump trong quan hệ đa phương, tôi đánh giá chính sách đối ngoại tới đây của chính phủ Mỹ sẽ có những tác động tốt hơn cho phía Việt Nam.
Về mặt quan hệ quốc tế đặc biệt trong lĩnh vực an ninh - chính trị, Việt Nam có thể sẽ thuận lợi hơn khi chính quyền của ông Biden có xu hướng không chỉ nhấn mạnh đến sức mạnh cứng mà dường như còn đề cao hơn vai trò của sức mạnh mềm.
Sức mạnh mềm ở đây là sự tôn trọng các quy tắc và luật pháp quốc tế.
Thanh An: Trong các mối quan hệ đa phương, đặc biệt là với "Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" mà phía Hoa Kỳ đang triển khai, nhiều quan điểm cho rằng các nước nhỏ trong khu vực có thể gặp rủi ro?
Ông Vũ Tú Thành: Luôn luôn có những rủi ro đó trong quan hệ đa phương. Thậm chí có ý kiến còn nói đến chuyện phải chọn phe.
Trên thực tế, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã khẳng định: "ASEAN luôn mong muốn một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, thịnh vượng, hợp tác cùng phát triển và chắc chắn không muốn phải chọn bên nào". Như vậy, không một nước nào có thể buộc Việt Nam chọn phe.
Tuy nhiên, về mặt bản chất của vấn đề, cá nhân tôi nghĩ thế này, Việt Nam đứng về phía chân lý, đấy là phe của chúng ta. Chúng ta luôn đứng về lẽ phải.
Và đấy là nguyên nhân cốt lõi làm nên những chiến thắng của Việt Nam trong lịch sử. Nhìn lại các chiến thắng lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc mà xem, chúng ta chọn đứng về chính nghĩa, chúng ta chọn đứng về lẽ phải. Chúng ta dựa vào luật pháp.
Muốn xác định được đâu là lẽ phải, đâu là chính nghĩa, chúng ta phải có nguyên tắc, phải nhất quán với nguyên tắc đấy chứ không phải lúc thế này lúc thế khác. Nguyên tắc lớn nhất Việt Nam hướng đến là lợi ích dân tộc, tôn trọng luật pháp quốc tế. Qua đó, Việt Nam luôn thể hiện sự tôn trọng các thiết chế dân chủ cả trong nước và quốc tế.
Nói chung, chúng ta duy trì được nguyên tắc đó thì Việt Nam sẽ chiến thắng trong mọi cuộc chiến, vững vàng và ổn định trong mọi tranh chấp. Tôi nghĩ rằng xu hướng cải cách kinh tế, sau đó là cải cách chính trị ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua đang đi theo hướng đó.
04.BAO NHIÊU DOANH NGHIỆP VIỆT NAM ĐÁP ỨNG ĐƯỢC TIÊU CHÍ CỦA DOANH NGHIỆP MỸ?
Thanh An: Dự báo về chính sách kinh tế của Mỹ trong 4 năm tới sẽ có nhiều thay đổi không thưa ông?
Ông Vũ Tú Thành: Tôi cho rằng, khác với Tổng thống Trump muốn phủ nhận sạch trơn chính sách của người tiền nhiệm, trong đó có chính sách về kinh tế nói chung, chính sách về thương mại quốc tế nói riêng, ông Biden sẽ chín chắn hơn, khôn ngoan hơn để lựa chọn những điểm tích cực trong di sản chính sách kinh tế, đặc biệt là kinh tế đối ngoại của ông Trump. Và chắc chắn sẽ có bổ khuyết những thiếu sót trong chính sách của Tổng thống Trump bằng những giải pháp mới của ông ấy.
Những bổ khuyết có thể sẽ bao gồm cả roll back, tức loại bỏ; hoặc là làm ngược lại những chính sách trước kia của ông Trump. Nhưng tôi nghĩ ông Biden sẽ không phủ nhận sạch trơn.
Trong di sản chính sách kinh tế của ông Trump, việc ông ấy khởi động được quá trình tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc nói riêng và phụ thuộc vào nước ngoài nói chung cho chuỗi cung ứng của Mỹ là một điểm sáng. Đó có thể sẽ là chính sách ông Biden tiếp tục kế thừa. Nhưng cách thức thực hiện thì chắc chắn sẽ có những điều chỉnh để không gây những cú sốc như ông Trump đang làm. Ông Biden sẽ điều chỉnh để quá trình ấy diễn ra theo cách ít đau đớn nhất, và với cái giá phải trả là thấp nhất.
Thanh An: Ít đau đớn nhất, với cái giá phải trả thấp nhất cho doanh nghiệp Mỹ thôi chứ thưa ông? Còn chuỗi sản xuất toàn cầu, rồi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta sẽ cần phải lưu ý những điều gì khi làm ăn với doanh nghiệp Mỹ trong 4 năm tới?
Ông Vũ Tú Thành: Đương nhiên rồi! Chính sách của tất cả các tổng thống Mỹ đều trước hết phải dành lợi ích cho doanh nghiệp Mỹ.
Nhưng chúng nhận thấy rằng ông Biden sẽ hiểu và đánh giá cao hơn sự phụ thuộc lẫn nhau, sự kết hợp hữu cơ giữa doanh nghiệp Hoa Kỳ với doanh nghiệp trên toàn cầu, giữa thị trường lao động Hoa Kỳ với thị trường việc làm của thế giới. Và việc giảm bớt chi phí, bớt đánh đổi của doanh nghiệp Mỹ trong quá trình chuyển dịch chuỗi cung ấy, cũng tác động tương đồng lên các doanh nghiệp khác trên thế giới, các nền kinh tế khác trên thế giới. Bởi vì không thể có chuyện doanh nghiệp Hoa Kỳ đau mà nền kinh tế các nước khác không đau được. Doanh nghiệp Hoa Kỳ mà bị tổn thất hay phải trả giá, hỗn loạn, phá sản... thì ngay lập tức các nền kinh tế trên thế giới, hệ thống doanh nghiệp trên thế giới cũng bị tác động đau đớn.
Cho nên doanh nghiệp Việt Nam muốn làm ăn với doanh nghiệp Mỹ một cách hiệu quả và thành công phải hiểu rất rõ ràng về bản chất của hệ thống doanh nghiệp Mỹ. Mọi doanh nghiệp Mỹ đều luôn luôn phải hành xử chuẩn mực trong môi trường pháp lý của Hoa Kỳ. Công khai - minh bạch - thực dụng - và tưởng thưởng cho những nỗ lực tự thân chứ không dựa vào quan hệ, dựa vào tham nhũng hay bất cứ điều gì khuất tất khác, chính là bản chất của doanh nghiệp Mỹ.
Thế thì, soi lại mình bao nhiêu doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được những tiêu chí đấy?
Sự thành công của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay phụ thuộc vào các yếu tố nào? Nếu không phải là phụ thuộc vào các yếu tố làm nên thành công của doanh nghiệp Mỹ thì chắc chắn rồi, chúng ta phải điều chỉnh, thay đổi mình một cách nhanh chóng nếu muốn thành công trong cuộc chơi với nước Mỹ.
Thanh An: Xin cảm ơn những chia sẻ ông đã dành cho chúng tôi!