Người ta biết đến nam giới không phải với khả năng mua sắm
Với sự thu hẹp ngày càng lớn trong khoảng cách về tiền lương giữa nam và nữ giới Trung Quốc nhiều thập kỷ trở lại đây, nhu cầu mua sắm lại càng được phụ nữ tại quốc gia này thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh "She economy" (Nền kinh tế của "cô ấy") trở thành một cụm từ gây xôn xao trên khắp các tạp chí kinh doanh lớn nhỏ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tầng lớp nữ giới trung lưu ngày càng được các nhãn hàng từ mỹ phẩm đến điện tử săn đuổi ráo riết. Phụ nữ trở thành nhóm đối tượng chi tiêu chính đằng sau các sự kiện mua sắm, điển hình như Lễ hội mua sắm trực tuyến 11-11 và đóng góp hơn một nửa tổng doanh thu mỗi năm.
Ngày 11/11 (1111) với 4 số 1 đứng cạnh liền nhau gợi lên hình ảnh cây gậy cô đơn, lẻ bóng. Ngoài ra, theo cách đọc của người Trung Quốc, ngày 11/11 có nghĩa là "độc thân" trong tiếng Trung. Ngày này giờ trở thành sự kiện mua sắm trực tuyến lớn nhất trên thế giới. Những gã khổng lồ thương mại điện tử như Alibaba nhờ đó mà hưởng lợi lớn, với hàng tỷ USD thu về trong ngày này.
Một màn hình hiển thị giá trị hàng hóa đã được bán trong lễ hội mua sắm 11/11 của Tập đoàn Alibaba (Nguồn: Reuters)
Tuy nhiên, quá tập trung vào thị trường nữ giới, các doanh nghiệp dường như bỏ lỡ cơ hội sinh lời từ phái mạnh, nhất là khi sự đi lên về mức sống tại quốc gia đông dân nhất thế giới này khiến nam giới mưu cầu một cuộc sống chất lượng hơn.
Theo nghiên cứu mới nhất của Viện Tài chính Suning về xu hướng tiêu dùng của nam giới dựa trên ba yếu tố là: danh mục sản phẩm mở rộng, sự cải thiện về nhận thức và sự gia tăng thị hiếu trong mua sắm trực tuyến, thị trường hướng đến nhóm đối tượng này sẽ có tiềm năng phát triển lớn trong thời gian tới.
Những xu hướng này đặc biệt đáng chú ý trong nhóm thế hệ Millennial và Gen-Z thích ứng với công nghệ, những người đã đón nhận mọi "ngóc ngách" của "chủ nghĩa tiêu dùng" trên thế giới, chẳng hạn như văn hóa sneakerhead (sưu tầm giầy thể thao) như một cách để thể hiện cá tính. Quan trọng hơn, nhiều người sẵn sàng chi một khoản tiền lớn để phục vụ cho nhu cầu mua sắm cá nhân đó.
Sưu tầm giầy Sneaker
Theo thống kê của công ty môi giới và nghiên cứu iiMedia CLSA, năm 2018, nam giới Trung Quốc chiếm hơn một nửa doanh số bán giày thể thao và 55% chi tiêu cho các sản phẩm xa xỉ cao cấp, vượt qua cả mức "mở hầu bao" trung bình toàn cầu là 40%.
Xiegui, 22 tuổi, với bộ sưu tập giầy (Nguồn: CGTN)
"Tôi cảm thấy mãn nguyện sau khi mua một đôi giày thể thao" - Xiegui, một người sưu tầm giầy sneaker (sneakerhead) 22 tuổi sống ở Bắc Kinh (Trung Quốc) chia sẻ. "Tôi đã bắt đầu mua giày thể thao từ khi còn học trung học cơ sở. Hồi đó, sneaker là biểu tượng của những nam sinh chơi bóng rổ giỏi ở trường".
"Người nghiện giày" tự phong này bắt đầu có thói quen sưu tập sneaker khi du học tại Mỹ. Hai kệ giầy này chứa khoảng 100 đôi sneaker phiên bản giới hạn - bộ sưu tập xa xỉ với tổng giá trị thậm chí đủ để mua một ngôi nhà.
Xiegui cũng là người có ảnh hưởng hay KOL trong cộng đồng lớn sneakerhead trực tuyến. Thuật ngữ này ngày càng trở nên phổ biến trong hệ thống mua sắm trực tuyến của Trung Quốc, nơi quan điểm của những KOL như Xiegui có thể tác động mạnh mẽ đến xu hướng mua sắm của hàng trăm nghìn người theo dõi.
"Mối liên hệ giữa tôi và đôi giày thể thao này là không thể thay thế được" – Xiegui nói khi cầm một đôi sneaker phiên bản giới hạn của hãng Air Jordan.
Đi tìm cái đẹp
Người mẫu Masafumi được trang điểm bởi chuyên gia Hiroki trong một cuộc trình diễn thời trang ở Tokyo, Nhật Bản (Nguồn: CGTN)
Zhou Yihan, nhà thiết kế 30 tuổi đang làm việc tại Bắc Kinh (Trung Quốc) chia sẻ: "Ngày nay, nam giới Trung Quốc muốn một cuộc sống tinh tế hơn, họ sợ già lắm". Mong muốn về "cuộc sống tinh tế" đó khiến đàn ông hiện đại tại Trung Quốc mơ ước, theo đuổi một vẻ ngoài bóng bẩy hơn - làn da sáng, lông mi dài và đôi mắt to.
JACB (Just A Cool Brand) là một trong những công ty khởi nghiệp tìm kiếm lợi nhuận từ nhu cầu ngày một tăng của nam giới về một ngoại hình đẹp. Trong khi hầu hết các sản phẩm làm đẹp dành cho nam giới hiện nay tập trung vào việc khắc phục các vấn đề về da như mụn trứng cá, thì JACB lại đi tiên phong trong cuộc cách mạng "trang điểm cho nam giới" với các sản phẩm như kem nền.
Mặc dù trước đây, ý tưởng này ít được các quốc gia Đông Á quan tâm, nhưng nhờ sự nổi lên của các hiện tượng như "K-pop" và "J-pop", các công ty đang phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong việc thuyết phục những khách hàng tiềm năng sử dụng sản phẩm của họ.
Lý Giai Kỳ và tỷ phú Jack Ma trong một buổi livestream bán son (Nguồn: SCMP)
Công ty khởi nghiệp này nhắm đến đối tượng nam giới độ tuổi 20-30, bởi họ dễ dàng chấp nhận các xu hướng mới. Theo trang thương mại điện tử Taobao, năm 2018, doanh số bán kem nền tại JACB tăng 160% ở nhóm đối tượng nam giới trong độ tuổi từ 18 - 35. Theo Allied Market Research, đến năm 2022, thị trường các sản phẩm chăm sóc cho nam giới trên toàn cầu có thể đạt 166 tỷ USD.
Lý Giai Kỳ - người được mệnh danh là "ông hoàng son môi" trên ứng dụng mua sắm nổi tiếng Taobao là một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn tại thị trường mỹ phẩm Trung Quốc. Mỗi ngày, anh thử khoảng 300 mẫu son khác nhau trong hơn 7 tiếng livestream liên tục và đưa ra những tư vấn cực kì chất lượng cho đủ cho các dòng son. Anh chia sẻ: "Đa phần người theo dõi tôi là nữ giới, nhưng kể từ tháng sáu vừa qua, số lượng nam giới xem sản phẩm live streaming của tôi cũng tăng dần. Nhu cầu đối với các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp đang rất cao".
Nhà nghiên cứu cấp cao Fu Yify chia sẻ trong một bài phỏng vấn với China Business Herald: "Sự thức tỉnh của mỗi cá nhân trong nhu cầu mua sắm đã thúc đẩy thị trường phục vụ nam giới lên một tầm cao mới. Họ đã bắt đầu mua các sản phẩm chăm sóc da, những bộ quần áo đắt tiền, đồng hồ và xe hơi hạng sang như một cách để thể hiện mình".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.60235120290110202-couq-gnurt-iat-eh-et-hnik-nen-auc-yad-iort-us/ioig-eht/nv.vtv