Báo South China Morning Post (SCMP) hôm 9-11 đưa tin, trước thềm Lễ hội Ánh sáng (Diwali) - lễ hội tôn giáo lớn nhất tại Ấn Độ, nước này xuất hiện một chiếc dịch kêu gọi người dân từ bỏ loại đèn diya điện giá rẻ Trung Quốc sản xuất, chuyển sang đèn dầu diya làm từ phân bò, thân thiện môi trường. Chiến dịch này nhận được sự ủng hộ từ hơn 15 bang tại nước này.
Các thiếu nữ Ấn Độ thắp đèn diya trong Lễ hội Diwali. Ảnh AFP
Đơn vị đứng đằng sau chiến dịch này là tổ chức Rashtriya Kamdhenu Aayog (RKA), được thành lập từ năm 2019 để bảo vệ loài bò - loài vật linh thiêng, được những người theo đạo Hindu tôn thờ như một vị thần tại Ấn Độ.
Tổ chức RKA kỳ vọng có thể sản xuất 330 triệu đèn dầu diya từ phân bò với mức giá vào khoảng 4-20 rupee (0,05-0,25 USD) cho mỗi chiếc. Trong khi đó, một chiếc đèn diya điện do Trung Quốc sản xuất đang được bán ra với mức giá khoảng 0,13 USD tại thị trường Ấn Độ.
Diya là loại đèn vô cùng phổ biến trong Lễ hội Diwali - một sự kiện truyền thống của những người Ấn Độ theo đạo Hindu, là biểu tượng cho sự chiến thắng của cái tốt trước cái xấu. Tại đất nước 1,3 tỉ dân này, cứ 10 người sẽ có tám người theo đạo Hindu.
Diya là loại đèn vô cùng phổ biến trong Lễ hội Diwali. Ảnh EPA
Những năm gần đây, đèn diya điện giá rẻ do Trung Quốc sản xuất đã tràn ngập thị trường Ấn Độ. Theo số liệu mà tờ SCMP thu thập được, mỗi năm Ấn Độ nhập khẩu số đèn trị giá 10 tỉ rupee (134 triệu USD) từ Trung Quốc và một vài quốc gia khác.
Gần đây, căng thẳng tại khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc buộc New Delhi phải suy nghĩ lại về việc giao thương với Bắc Kinh. Kể từ khi căng thẳng xảy ra, Ấn Độ đã cấm hơn 200 ứng dụng di động Trung Quốc và chấm dứt nhiều hợp đồng với các công ty của nước láng giềng.