Chốt phiên giao dịch ngày 10/11, mỗi ounce vàng giao ngay thế giới tăng 14 USD lên 1.877 USD, hồi phục sau phiên rơi thẳng đứng trước đó. Nhà đầu tư quay về với lo ngại đà phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời dự báo việc các nước tăng kích thích tài khóa, tiền tệ sẽ càng hỗ trợ kim loại quý.
"Giá vàng đã tìm lại được điểm cân bằng, 24 giờ sau khi thông tin vaccine Covid-19 của Pfizer tạo ra cơn địa chấn. Tôi cho rằng giá sẽ tiếp tục leo cao, nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn. Các yếu tố nền tảng cho vàng vẫn rất thân thiện. Gói kích thích vẫn đang được bàn bạc", Tai Wong - Giám đốc Giao dịch hợp đồng phái sinh kim loại quý tại BMO dự báo.
Giá vàng hưởng lợi từ chính sách nới lỏng, do được coi là công cụ phòng trừ rủi ro lạm phát và tiền tệ mất giá. Dù vậy, HSBC cũng cảnh báo "sự giải phóng về tâm lý và thay đổi trong quan điểm rủi ro vẫn có thể gây sức ép lên vàng và các kim loại quý khác trong trung hạn".
Trong khi đó, chứng khoán Mỹ hôm qua diễn biến trái chiều sau phiên trước lên cao nhất mọi thời đại. Nguyên nhân là nhà đầu tư tiếp tục chuyển từ nhóm cổ phiếu hưởng lợi trong đại dịch sang nhóm hưởng lợi từ phục hồi kinh tế.
Chỉ số DJIA tăng 0,9% lên 29.420 điểm. S&P 500 và Nasdaq Composite lại giảm lần lượt 0,1% và 1,4%, do cổ phiếu các đại gia công nghệ đi xuống.
Cổ phiếu Amazon hôm qua mất 3,5%, sau khi giảm 5% phiên trước đó. Zoom Video giảm 9%, tiếp nối phiên giảm 17% đầu tuần. Alphabet và Microsoft mất lần lượt 1,4% và 3,4%.
Ngược lại, các đại gia dầu khi Chevron và Exxon Mobil tăng 4,6% và 2,2%. Boeing đóng cửa tăng 5,2%.
"Việc chuyển dịch trên thị trường có thể tiếp diễn đến cuối năm", Terry Sandven - chiến lược gia cổ phiếu tại U.S. Bank Wealth Management nhận định, "Công nghệ, hàng tiêu dùng không thiết yếu và dịch vụ truyền thông vẫn là sự lựa chọn của chúng tôi trong dài hạn. Nhưng trong ngắn hạn, với các dấu hiệu kinh tế hồi phục, nhóm cổ phiếu chu kỳ sẽ vượt lên".
Hà Thu (theo Reuters, CNBC)