Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN (AMM) ngày 10-11 - Ảnh: BNG
Sự kiện này là dịp để ASEAN nhấn mạnh sự đoàn kết và tính trung tâm của ASEAN, lấy đó làm nền tảng cho việc tìm giải pháp trong bối cảnh mới với hai mục tiêu chủ đạo: phục hồi và phát triển kinh tế song song nỗ lực ứng phó đại dịch COVID-19, đồng thời duy trì một môi trường hợp tác an ninh, ổn định.
Đòi hỏi chủ quyền thiếu căn cứ ở Biển Đông
Tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN (AMM) sáng 10-11 nhằm chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN 37, các nước ASEAN đề cao vai trò của luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Trao đổi về tình hình quốc tế khu vực, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đánh giá 2020 là một năm đầy thách thức, khó khăn và bất ổn với dịch bệnh COVID-19 bùng phát và lây lan trên diện rộng, cạnh tranh giữa các cường quốc chiến lược ngày càng gia tăng cùng các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho biết khi đề cập tới Biển Đông, "các ngoại trưởng cơ bản nhất trí Biển Đông tiếp tục là vấn đề nổi lên trong tình hình quốc tế và khu vực; nhiều hành động đơn phương, trong đó có quân sự hóa, đòi hỏi chủ quyền thiếu căn cứ, hành xử áp đặt vẫn tiếp diễn gây lo ngại đến hòa bình, ổn định trên Biển Đông nói riêng, khu vực nói chung".
Trong bối cảnh này, các nước tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về hòa bình, ổn định trên Biển Đông, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, vai trò quan trọng của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 như khuôn khổ cho mọi hoạt động trên biển.
Các ngoại trưởng tiếp tục kêu gọi thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC), trông đợi ASEAN và Trung Quốc sớm xây dựng thành công Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Định hướng tương lai
Tại buổi họp báo trước thềm sự kiện chiều 9-11 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, trưởng đoàn quan chức cao cấp (SOM) ASEAN - Việt Nam, nhấn mạnh đây là dịp ASEAN đánh giá các hoạt động nội khối và đối ngoại cũng như định hướng trong tương lai.
Làn sóng mới của đại dịch COVID-19 tiếp tục tác động đến đời sống kinh tế, các nỗ lực mở cửa trở lại và hồi phục của các quốc gia còn gặp nhiều thách thức, bên cạnh đó là diễn biến phức tạp của môi trường chiến lược khu vực và toàn cầu, các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống đe dọa an ninh và ổn định ở khu vực, theo ông Dũng.
"Hội nghị vì thế là dịp để lãnh đạo ASEAN khẳng định cam kết và quyết tâm chính trị mạnh mẽ nhằm duy trì hợp tác, ứng phó hiệu quả COVID-19, củng cố vai trò trung tâm và vị thế của ASEAN trong một thế giới đang chuyển động nhanh chóng, phức tạp và khó đoán định", ông Dũng nói.
Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19 đã nhận được mức đóng góp 10 triệu USD từ các nước ASEAN và đối tác; kho dự phòng vật tư y tế ASEAN, quy trình chuẩn ứng phó với các tình huống y tế cộng đồng khẩn cấp, trung tâm ASEAN ứng phó với các dịch bệnh mới nổi cũng sẽ được công bố nhân dịp này.
20 & 80
Dự kiến có 20 cuộc họp quan trọng và nhiều hội nghị cấp cao liên quan được tổ chức với hơn 80 văn kiện sẽ được trình lãnh đạo thông qua - số lượng văn kiện lớn nhất từ trước đến nay.
Chuỗi hội nghị này bao gồm các hội nghị quan trọng với đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Liên Hiệp Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Úc cũng như Hội nghị cấp cao kỷ niệm ASEAN - New Zealand.
TTO - Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 (ASEAN 37) và các cấp cao liên quan - sự kiện quan trọng nhất trong năm chủ tịch ASEAN của Việt Nam - sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 15-11 theo hình thức trực tuyến.
Xem thêm: mth.97181958011110202-nam-iahk-73-naesa-oac-pac/nv.ertiout