Chị Ngô Trúc Hà rơi nước mắt kể về chuyện chạy thoát thân - Video: DUY THANH
Sáng 11-11, hai chị em Ngô Trúc Hà, Ngô Trúc Quyên ở khu phố Long An (thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân) đứng thẫn thờ bên 2 ngôi nhà đổ nát chỉ còn lại nền nhà sau khi cơn lũ dữ rút đi.
Chỉ kịp chạy thoát thân
Rớt nước mắt, nghẹn lời khi tiếp xúc với chúng tôi, chị Ngô Trúc Hà thổn thức: "Năm 2017, lũ lớn đã cuốn bay ngôi nhà của chúng tôi rồi.
Nhờ các mạnh thường quân khắp nơi giúp đỡ, hỗ trợ bốn mươi mấy triệu đồng chúng tôi mới dựng tạm cái nhà tôn này để ở, giờ lũ dữ lại cướp sạch nữa rồi".
Chị Hà nói sáng 10-11, cả gia đình chị lo tránh bão số 12, không dám kê dọn đồ đạc để tránh lũ dự báo sẽ về sau đó.
"Ngay khi ngớt gió, giữa trưa là cả nhà vội vàng dọn dẹp nhưng đầu giờ chiều thì nước sông Kỳ Lộ lên nhanh quá. Nước tuôn ầm ầm vào nhà. Đồ đạc trôi tứ tung.
Công an giúp dân dọn nhà sau lũ - Ảnh: DUY THANH
Chúng tôi cố vớt vát nhưng nước lũ đã lên tới hông, tới ngực nên đành phải bỏ cả lại, cả nhà dắt nhau chạy lên nhà dân phía đường sắt để tránh lũ. Nhìn ngôi nhà mình bị lũ cuốn trôi trước mắt mà đau đớn vô cùng" - chị Hà nói.
Sát vách nhà chị Hà là nhà người chị ruột tên Ngô Trúc Quyên. Chị Quyên cũng nói hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ chỉ kịp dắt díu nhau chạy thoát thân vì lũ về quá nhanh, nước xoáy muốn bật cả ngôi nhà vào lúc ấy.
"Nhà người ta lũ ngập lên và rút đi thì còn cái để dọn dẹp, còn nhà của chị em tôi chẳng còn gì để dọn cả" - chị Quyên khóc.
Chị Hà kể 2 gia đình đã ở đây nhiều năm. Năm 2017, lũ lớn sông Kỳ Lộ đã làm sập hoàn toàn nhà của họ. "Chúng tôi có xin Nhà nước (chính quyền huyện Đồng Xuân) cho đất tái định cư nơi khác để ổn định cuộc sống, nhưng chưa được giải quyết.
Bởi vậy dù biết ở ngay "họng" nước lũ, nguy hiểm, tới mùa mưa nghe thông báo có lũ là hồi hộp đứng ngồi không yên. 3 năm nay không có lũ lớn, nào ngờ đợt này lại hai bàn tay trắng nữa rồi" - chị Hà nói.
Chị cho biết có lẽ phải dọn dẹp đống đổ nát, rồi sắp tới lên ngân hàng vay tiền để về dựng lại nhà tạm mà ở chứ chưa biết làm thế nào.
Chị Ngô Trúc Hà cố dọn dẹp đống đổ nát sau khi ngôi nhà bị lũ cuốn trôi mất - Ảnh: DUY THANH
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đặng Ngọc Anh - bí thư Huyện ủy Đồng Xuân - cho biết sau đợt lũ dữ làm trôi nhà của chị Quyên, chị Hà thì chính quyền địa phương đã có phương án tái định cư, nhưng 2 gia đình này chưa đồng ý.
"Huyện Đồng Xuân chưa có quy hoạch vùng tái định cư cho dân vùng nguy cơ thiên tai, nên 2 trường hợp này chúng tôi đề xuất bán đất tái định cư không qua đấu giá.
Bà con thì chỉ muốn được cấp đất không thu tiền nên họ không đồng ý phương án này, vẫn dựng lại nhà tạm để ở và buôn bán. Để đảm bảo an toàn tính mạng của dân, giúp họ ổn định cuộc sống, khắc phục hậu quả lũ lụt đợt này, chúng tôi bàn biện pháp để 2 hộ trên tái định cư, không ở nơi này nữa" - ông Anh nói.
Đến trưa nay, nhiều khu dân cư của các huyện Đồng Xuân, Tuy An vẫn còn bị lũ chia cắt, hàng ngàn ngôi nhà còn ngập lụt - Ảnh: DUY THANH
3 năm chưa giải quyết xong tái định cư cho những gia đình từng bị lũ cuốn bay nhà quả là thời gian không ngắn. Tin rằng lời hứa của lãnh đạo huyện lần này sẽ sớm thành hiện thực, giúp gia đình chị Hà, chị Quyên không còn phải thấp thỏm rồi khổ đau mỗi mùa mưa lũ nữa.
Vẫn còn hàng ngàn nhà bị ngập
Giữa sáng 11-11, khi lũ rút ra khỏi thị trấn La Hai, cả đô thị này ngổn ngang bùn đất. Trong nhà, người dân huy động hết người thân để lau chùi, dọn dẹp vật dụng, nhà cửa.
Nhiều lực lượng bộ đội, công an, thanh niên, dân quân… tham gia giúp dân dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa. Khắp nơi ở thị trấn La Hai, đường sá đầy bùn non, các xe vệ sinh môi trường phải làm việc hết công suất để cố gắng làm sạch đô thị sau lũ.
Người dân thị trấn La Hai dọn dẹp nhà cửa sau lũ - Ảnh: DUY THANH
Ông Phạm Trung Chánh - phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân - cho biết hiện còn các xã Xuân Sơn Nam, Xuân Sơn Bắc và thôn Long Hòa của xã Xuân Long bị cô lập bởi nước lũ.
"Các địa phương đều chuẩn bị "bốn tại chỗ" nên hiện tại bà con các vùng cô lập vẫn ổn. Nhưng nếu lũ rút chậm 2-3 ngày nữa thì phải tìm cách tiếp tế chứ thực phẩm, nước uống không còn đâu" - ông Chánh nói.
Đợt lũ này, có 1.457 căn nhà ở Đồng Xuân ngập trên 1m, 751 nhà ngập dưới 1m, 2.500 giếng nước bị ngập trong lũ.
Riêng về số người đi sơ tán, ông Chánh cho biết những nơi lũ rút dân đã về nhà, còn những người ở vùng nguy cơ tiếp tục ở lại nơi sơ tán vì lũ còn, bão mạnh có thể là bão 13 cũng đang vào miền Trung…
Hàng loạt trụ điện ở huyện Đồng Xuân bị đổ ngã. Huyện này đã 2 ngày bị cúp điện toàn bộ - Ảnh: DUY THANH
Còn ở huyện Tuy An, đến giữa trưa 11-11, ông Nguyễn Trọng Hùng - trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện - cho hay vẫn còn cả ngàn nhà dân bị ngập hoặc cô lập do lũ rút chậm. "Rất may là đến giờ không có báo cáo nào thiệt hại về người" - ông Hùng nói.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên sáng 11-11, toàn tỉnh này có 11.971 ngôi nhà bị ngập từ 0,5 - 2,0m; 62 nhà, trong đó bị sập, hư hỏng và tốc mái; 1 người mất tích, 2 người bị thương…
Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ 4.300m3/s và có thể tăng thêm
Sáng nay, thủy điện Sông Ba Hạ thông báo xả lũ 4.500m3/s, thủy điện Sông Hinh xả 254m3/s.
Ông Trần Hữu Thế - phó bí thư Tỉnh ủy, phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cho biết đã đi kiểm tra thực tế xả lũ tại thủy điện Sông Ba Hạ và nhận thấy nước thượng nguồn vẫn đang về với lưu lượng quá lớn. "Khả năng thủy điện này còn tăng lượng xả lũ lên trong hôm nay" - ông Thế nói.
Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ sáng nay - Ảnh: AN BANG
UBND tỉnh Phú Yên đã yêu cầu các huyện Phú Hòa, Đông Hòa và Tây Hòa cảnh báo dân vùng hạ lưu sông Ba cảnh giác, sẵn sàng sơ tán đến nơi an toàn vì chiều tối 11-11 có thể xảy ra ngập lụt ở các địa phương này.
TTO - Sau khi đạt đỉnh nửa đêm qua, hiện nước lũ ở các địa phương tại tỉnh Phú Yên đang xuống chậm, hàng ngàn nhà dân vẫn còn ngập và cô lập.
Xem thêm: mth.65111343111110202-o-am-oan-ion-yal-ior-ahn-yab-nouc-ul/nv.ertiout