Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng sau Nghị định 81
Trang Nguyễn
(TBKTSG Online) - Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong tháng 10 tiếp tục giảm mạnh và các doanh nghiệp cần huy động vốn nhiều khả năng sẽ quay trở lại sử dụng kênh tín dụng do Nghị định 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực sẽ siết chặt hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng 10 khá ảm đạm do Nghị định 81 có hiệu lực từ 1-9. Số liệu từ Công ty Chứng khoán KB Securities (KBSec) cho thấy tổng giá trị TPDN phát hành trong tháng 10 đạt 8.700 tỉ đồng, giảm 39,4% so với tháng 9 và giảm tới 90% so với tháng cao điểm là tháng 8.
Thị trường TPDN hạ nhiệt rõ rệt trong hai tháng vừa qua khi các quy định mới về siết chặt hoạt động phát hành trái phiếu được quy định tại Nghị định 81. Phần lớn các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành TPDN theo đó đều đã đẩy nhanh phát hành trong tháng 8.
Các doanh nghiệp cần huy động vốn nhiều khả năng sẽ quay trở lại sử dụng kênh tín dụng. Ảnh minh họa: TTXVN |
Trong tháng 10, ngân hàng và bất động sản là hai nhóm ngành phát hành lớn nhất thị trường và chiếm tới hơn 72,7% tổng giá trị phát hành. Trong đó, nhóm ngân hàng phát hành thành công đạt hơn 3.000 tỉ đồng, với đóng góp chính từ hai ngân hàng BIDV và VIB. Nhóm ngành bất động sản ghi nhận giá trị phát hành thành công đạt 3.345 tỉ đồng, chủ yếu từ Công ty cổ phần Vinpearl (chiếm 66%).
Theo KBSec, các doanh nghiệp cần huy động vốn nhiều khả năng sẽ quay trở lại sử dụng kênh tín dụng khi Nghị định 81 siết chặt phát hành trái phiếu riêng lẻ. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng 10 tháng đầu năm hiện chỉ ở mức 6,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm 2020 (8-10%) nên dư địa để các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay trong thời gian tới vẫn còn tương đối nhiều.
Cùng chung nhận định nêu trên, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng hoạt động phát hành ra công chúng khó có thể tăng mạnh do điều kiện phát hành chặt chẽ và quy trình thủ tục mất khá nhiều thời gian. Từ quí 4, các doanh nghiệp cần huy động vốn sẽ quay trở lại với kênh tín dụng và thị trường TPDN thứ cấp sẽ tiếp tục sôi động nhờ môi trường lãi suất tiền gửi thấp.
Ngoài ra, theo phân tích của KBSec, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản sẽ khó có thể chuyển hướng sang phát hành TPDN ra công chúng do vướng điều kiện ở Thông tư 75/2004/TT-BTC hướng dẫn phát hành trái phiếu ra công chúng. Trong đó, điều kiện vướng mắt nhất là yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh phải có lãi trong 5 liền trước năm đăng ký phát hành và đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký phát hành.
Còn theo phân tích của Công ty Chứng khoán MB Securities (MBS), thị trường TPDN có thể sẽ có thay đổi khi NHNN đang lên dự thảo Thông tư quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, có quy định các ngân hàng thương mại chỉ được mua TPDN khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán tại năm trước liền kề. Ngoài ra, NHTM không được mua trái phiếu của doanh nghiệp phát hành có phát sinh nợ xấu tại trong vòng 12 tháng gần nhất. Đặc biệt, NHTM không được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.
“Nếu quy định này được thông qua, cục diện thị trường TPDN có thể tiếp tục thay đổi vì hiện nay người mua TPDN chủ yếu là các ngân hàng”, MBS viết trong một báo cáo mới phát hành.
Xem thêm: lmth.18-hnid-ihgn-uas-gnal-mart-peihgn-hnaod-ueihp-iart-gnourt-iht/925013/nv.semitnogiaseht.www