Ngày 11-11, tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm về khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới đang xuất hiện tại Việt Nam.
Tọa đàm do báo Pháp Luât Việt Nam tổ chức và có sự với sự tham gia của đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ KH-CN, Bộ Tài chính…
Tại đây, ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) nêu thực tế, quy định pháp luật hiện nay chưa có chế tài xử lý thuốc lá thế hệ mới.
Điều này dẫn đến việc các cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý đây là loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, việc xử lý chưa sát với hành vi vi phạm.
Đại biểu đến từ nhiều cơ quan cho biết rất lúng túng, băn khoăn về cơ chế pháp lý liên quan đến thuốc lá điện tử. Ảnh: VT
Theo ông Minh, các nhà làm chính sách cần điều chỉnh quy định của pháp luật phù hợp để theo kịp với sự xuất hiện của mặt hàng này, từ đó có những mức hình phạt cụ thể và xác đáng cho các hành vi vi phạm pháp luật liên quan.
“Bản thân anh em làm trực tiếp khi đưa vào trong văn bản, trong quyết định xử phạt nói chung là rất băn khoăn để dùng câu chữ cho chuẩn chỉ…”- Ông Minh nói về việc xử phạt thuốc lá thế hệ mới.
Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Vụ phó Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng, sự xuất hiện của mặt hàng thuốc lá thế hệ mới có liên quan trực tiếp tới hệ thống pháp luật hiện hành (Phòng chống tác hại của thuốc lá), đặt ra yêu cầu phải có biện pháp quản lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như trật tự quản lý nhà nước.
Mặc dù hiện nay, chúng ta đã có Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và Nghị định số 77/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá, nhưng các quy định này lại chủ yếu được áp dụng cho thuốc lá điếu truyền thống.
Theo bà Liên, đối với các loại thuốc lá thế hệ mới, do có nhiều sự khác biệt về đặc tính sản phẩm cũng như cơ chế hoạt động so với thuốc lá truyền thống nên các cơ quan chức năng đang bị lúng túng trong quản lý. Do đó, cần nghiên cứu kỹ để đưa ra cơ chế quản lý phù hợp.
Từ đó, bà Nguyễn Quỳnh Liên đề nghị, Bộ Công Thương cùng Bộ Y tế cần nghiên cứu, xác định rõ xem thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng có tác hại không, loại sản phẩm này có phải là thuốc lá không?
"Nếu là thuốc lá thì sẽ quản lý theo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, còn không thì sẽ xây dựng cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý riêng cho thuốc lá thế hệ mới"- Bà Liên đề xuất.
Bà Trần Tuyết Trang, Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính). Ảnh VT
Bà Trần Tuyết Trang, Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cũng cho biết, thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng là sản phẩm mới chưa được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật cũng như chính sách quản lý của các bộ, ngành. Do đó cần thiết thực hiện nghiên cứu xây dựng ban hành khung chính sách quản lý các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng tại Việt Nam.
Tại tọa đàm, các đại biểu cũng cho rằng không nên ngay lập tức luật hóa tại thời điểm này mà bỏ qua giai đoạn thí điểm cho phép nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam.
Bởi lẽ, thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử là kết quả của việc áp dụng công nghệ trên toàn cầu, hiện vẫn còn rất mới mẻ đối với ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam và các cơ quan quản lý.
Việc thí điểm sẽ giúp Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền có đầy đủ thông tin và cơ sở chính xác để đánh giá tác động kinh tế và xã hội của việc hợp pháp hóa dòng sản phẩm này cũng như đánh giá mức độ rủi ro của sản phẩm.
Từ đó, các cơ quan quản lý sẽ giúp xây dựng một khung pháp lý phù hợp với chiến lược quốc gia về giảm thiểu tác hại thuốc lá và đảm bảo dung hòa quyền lợi của các chủ thể liên quan, bao gồm Nhà nước, người tiêu dùng, nhà sản xuất thuốc lá và nông dân trồng thuốc lá.
Tính đến hết tháng 9 năm 2020, lực lượng QLTT Hà Nội đã xử phạt 6 vụ liên quan đến thuốc lá thế hệ mới, thu giữ hàng nghìn các sản phẩm. Ngoài ra, Cục Hải quan TP.HCM đã thu giữ 4 kiện hàng hóa nghi là thuốc lá thế hệ mới, với tổng giá trị hàng hóa thu giữ được khoảng 1 tỉ đồng. |