Thảo luận tại tổ, một số đại biểu cho rằng cần thiết phải ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ nhằm cụ thể hoá Chỉ thị 18 của Bộ Chính trị, kết luận số 45 của Ban Bí thư về rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về TTATGT phù hợp với tình hình mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TTATGT; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của con người, khắc phục những tồn tại, hạn chế về công tác đảm bảo ATGT. Thực tế trên thế giới nhiều nước cũng có Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ. Trên cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn tình hình đảm bảo TTATGT thì cần có Luật để quy định chặt chẽ hơn công tác này, hạn chế tai nạn giao thông.
Đồng thời, các đại biểu cũng cho rằng, mục đích ban hành Luật đã rõ, đó là đảm bảo TTATGT, giảm tai nạn giao thông, quy định trách nhiệm cụ thể công tác bảo đảm ATGT; bày tỏ nhất trí với toàn bộ nội dung của Dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ vì cho rằng trước tình trạng tai nạn giao thông ngày càng gia tăng theo chiều hướng phức tạp nhưng không có cơ quan nào chịu trách nhiệm. Các đại biểu đồng tình trong việc giao Bộ Công an nhận trách nhiệm lớn này và đề nghị giữa hai Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ phải thống nhất, kết nối với nhau.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận tổ. |
Phát biểu về dự án Luật, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, việc tách hai dự án Luật nhằm giải quyết hai vấn đề quan trọng, bức xúc trong xã hội là tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và bảo đảm TTATGT đường bộ.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện nay, tình hình mất ATGT xảy ra nhiều, để lại hậu quả rất lớn. Qua thống kê, số người chết và bị thương trong các vụ tai nạn giao thông nhiều. Tình trạng vi phạm, tội phạm diễn ra trên các tuyến giao thông cũng rất phổ biến. Trong khi đó, công tác đảm bảo TTATGT là 1 bộ phận của bảo đảm trật tự an toàn xã hội do Bộ Công an quản lý. Chính vì vậy, công tác này không thể đứng ngoài, tách rời với việc bảo đảm an toàn xã hội. Bộ Công an đã đề xuất, được Chính phủ và các cơ quan tham mưu đồng thuận, ủng hộ, đề nghị khẩn trương xây dựng Luật để đưa ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, thông qua. Tại các cuộc họp, phiên thảo luận, các thành viên đều rất đồng thuận. Đặc biệt hai bộ chủ quản là Công an và Giao thông vận tải là hai bộ chịu trách nhiệm soạn thảo 2 luật này cũng đồng tình, tán thành.
Về cơ sở hạ tầng đào tạo, sát hạch lái xe, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc quản lý đào tạo, sát hạch lái xe không ảnh hưởng gì đến các cơ sở đào tạo, chủ yếu là việc sát hạch nghiêm túc, chặt chẽ hơn, đúng quy trình, quy chuẩn, đảm bảo được chống làm giả, gian lận. Bộ Công an chỉ quản lý khâu sát hạch, cấp bằng còn tất cả các cơ sở đào tạo, sát hạch vẫn hoạt động bình thường theo quy định.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, trong Luật Bảo đảm TTATGT thì việc quản lý lái xe và cấp bằng lái xe là đối tượng được quan tâm đặc biệt vì qua tổng kết thực hiện pháp luật về ATGT thì 90% các lỗi gây mất an toàn giao thông, tai nạn giao thông là lỗi do lái xe, tức là do con người chứ ko phải hạ tầng...