Chăm sóc sức khỏe cho trẻ từ giai đoạn mang thai và sơ sinh có vai trò quan trọng trong phát triển chiều cao và thể lực về sau này của trẻ - Ảnh: LAN ANH
Mặc dù Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế trong 14 năm qua, trung bình mỗi bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ sinh 2 con, nhưng theo Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình, đang có đến 21 tỉnh thành, đều là địa phương khá giả, có mức sinh dưới mức sinh thay thế. Thậm chí TP.HCM có năm mức sinh xuống 1,24 con/bà mẹ.
Theo ông Mai Trung Sơn - phó vụ trưởng Vụ Quy mô dân số, Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình, 63 tỉnh thành nên là "63 bức tranh khác nhau về dân số", cụ thể là vận động người dân tỉnh thành giàu sinh đủ 2 con, các tỉnh thành sinh nhiều thì vận động để về mức sinh thay thế. Bên cạnh đó, giới chức ngành dân số đang lo ngại những xu hướng mới như kết hôn muộn thậm chí không kết hôn, làm mẹ đơn thân…
Giàu đẻ ít...
Theo ông Sơn, đã có những xu hướng mới xuất hiện ở Việt Nam, trong đó có tình trạng người giàu, có điều kiện chăm sóc trẻ thì ngại đẻ và ngược lại. Hiện có 21 tỉnh thành, gồm TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ có mức sinh dưới mức sinh thay thế (trung bình mỗi bà mẹ sinh dưới 2 con, thậm chí như TP.HCM có năm xuống 1,24 con/bà mẹ).
Trong khi đó có đến 33 tỉnh thành có mức sinh cao, có nơi xấp xỉ 3 con/bà mẹ. Nhóm tỉnh thành sinh nhiều tập trung ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Bắc miền Trung và gần đây quay lại ở Đồng bằng sông Hồng. Trong số này, Hà Tĩnh và Nghệ An đang "đội sổ", đẻ nhiều nhất nước.
"Gần đây chúng tôi có đến một số tỉnh Tây Bắc trong nhóm mức sinh cao nhất nước, có những gia đình 7-8 con mà thể hình các cháu đều thấp còi, thể lực yếu, khó đáp ứng về yêu cầu nhân lực của thị trường lao động về chiều cao, về dạy nghề..." - ông Sơn băn khoăn.
Bên cạnh đó, đã có những xu hướng cho thấy tuổi kết hôn lần đầu trung bình ở Việt Nam có xu hướng tăng hơn, tuổi có quan hệ tình dục lần đầu lại trẻ hơn, nguy cơ có thai ngoài ý muốn (100 phụ nữ có 42 người từng phá thai, một tỉ lệ rất cao) và kéo theo nguy cơ vô sinh thứ phát. Ngoài ra, nhiều phụ nữ không lập gia đình và quyết định làm mẹ đơn thân, đây là xu hướng đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở Việt Nam và tương tự tình hình trên thế giới.
TP.HCM khuyến sinh
Tháng 4 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 588 phê duyệt chương trình điều chỉnh mức sinh, phù hợp độ tuổi sinh sản, trong đó đã có những hướng dẫn được cho là rất mới, rất đột phá: vận động nam nữ thanh niên kết hôn và sinh con trước tuổi 30, có chính sách hỗ trợ về giá nhà hoặc cho các gia đình trẻ ở các tỉnh thành có mức sinh thấp vay tiền mua nhà ở xã hội...
Sau hơn 6 tháng phê duyệt chương trình này, ông Sơn cho biết đến nay "có một số tỉnh thành đã có kế hoạch thực hiện riêng, như TP.HCM, địa phương đẻ ít nhất nước, đang rất tích cực trong chính sách vận động khuyến sinh". Tuy nhiên nhìn chung ở cả 21 tỉnh thành có mức sinh thấp thì chính sách khuyến sinh cụ thể - như gia đình trẻ được vay bao nhiêu tiền hay được giảm bao nhiêu khi mua nhà ở xã hội - chưa nhiều, chưa rõ ràng.
Đã có ý kiến cho rằng mức sinh chung ở Việt Nam vẫn đang ở mức thay thế, nhân lực có thể dịch chuyển từ vùng có mức sinh cao đến vùng mức sinh thấp, không lo thiếu nhân lực. Thế nhưng ông Sơn cho biết không áp dụng chung chính sách cho 63 tỉnh thành, do còn những yêu cầu về chăm sóc, nuôi dạy trẻ mà các vùng nghèo, gia đình khó khăn chưa đạt tương tự vùng đồng bằng và khu vực phát triển hơn.
Do đó vẫn vận động tỉnh nghèo giảm sinh về mức sinh thay thế, tỉnh đã đạt mức sinh thay thế thì duy trì, còn các tỉnh khá giả đang đẻ ít thì vận động để mỗi gia đình sinh đủ 2 con.
Không để mức sinh xuống thấp
Theo ông Nguyễn Doãn Tú - tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình, kinh nghiệm các quốc gia lân cận như Hàn Quốc, Nhật, Singapore… cho thấy nếu mức sinh xuống quá thấp thì rất khó vận động để khuyến sinh trở lại.
"Như Hàn Quốc đã có thống kê cho thấy mức sinh đã giảm xuống dưới 1 con/bà mẹ, đây là mức sinh quá thấp, làm ảnh hưởng đến nhiều chỉ số: già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lực lượng lao động..." - một chuyên gia cho biết.
30 năm chiều cao trung bình tăng 3cm
Theo báo cáo của Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình, trong 30 năm gần đây công tác dân số đã đạt được một số thành tựu, giúp ổn định quy mô dân số, tránh sinh 20-30 triệu người, chiều cao trung bình của nam nữ thanh niên đã tăng khoảng 3cm, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân và thấp còi đều giảm nhanh.
Tuy nhiên chỉ số phát triển con người (chỉ số HDI) chưa tăng nhiều, nhóm dân số là nam nữ thanh niên làm việc trong khu chế xuất, khu công nghiệp chưa được chú ý chăm sóc về sức khỏe sinh sản, khẩu hiệu "Sinh đủ 2 con, gia đình hạnh phúc" chậm đổi mới...
Những năm trước đây công tác dân số tập trung nhằm ổn định quy mô dân số, dân số nước ta hiện khoảng 96 triệu người và dự báo đạt 104 triệu vào năm 2030. Tuy nhiên giai đoạn tới tập trung vào chất lượng dân số, giảm chênh lệch giới tính khi sinh, vận động mỗi gia đình sinh đủ 2 con…
TTO - Không chỉ nam giới, mà ngày càng có nhiều nữ giới ngấp nghé 30, trên 30 tuổi quá ưu tiên cho việc phát triển bản thân, không đặt nặng chuyện hôn nhân.