Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, Nhật Bản đã từng bước mở cửa cấp lại visa cho lao động người nước ngoài nhập cảnh vào Nhật, trong đó có thực tập sinh (TTS) Việt Nam. Qua đó bước đầu khai thông lại thị trường lao động trọng điểm Nhật sau hơn tám tháng bị tạm ngưng tiếp nhận lao động do dịch COVID-19.
Các nhà tuyển dụng Nhật về Việt Nam tuyển dụng trực tiếp.
Ảnh: PHONG ĐIỀN
Phỏng vấn online bận rộn
Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cho biết nhu cầu tuyển dụng TTS tại Nhật đang tăng cao ở nhiều ngành nghề. Lý do, làn sóng dịch chuyển các nhà máy của Nhật từ Trung Quốc về nước sản xuất gia tăng. Cùng đó, các công ty Nhật không còn dịch chuyển sang các nước gia công nhiều như trước đây nên nhu cầu nhân lực nước sở tại cũng tăng mạnh.
Ông Nguyễn Thế Đại, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động và Dịch vụ thương mại Biển Đông (Estrala), cho biết: Trong tháng 11 này, công ty tuyển công nhân nam lĩnh vực gia công cơ khí, tiện với mức lương cơ bản khoảng 32 triệu đồng/tháng. Cùng đó, công ty này cũng tuyển hàng chục TTS làm sushi - sashimi tại siêu thị với mức lương 33 triệu đồng/tháng.
“Nhu cầu nhân lực ngành chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng của người Nhật vẫn khá cao. Hiện các công ty Nhật vẫn đều đặn lên kế hoạch phỏng vấn tuyển dụng lao động qua online” - ông Đại thông tin.
Một cuộc phỏng vấn trực tuyến tuyển nữ TTS làmsushi - sashimi tại siêu thị ở Nhật Bản. Ảnh: PHONG ĐIỀN
Bà Dương Thị Thu Cúc, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty TNHH Dịch vụ quốc tế Sài Gòn (Saigon Inserco), cũng thông tin, sau khi các chuyến bay thương mại hai nước mở cửa trở lại, từ tháng 10 đến nay công ty đã làm thủ tục xuất cảnh hàng chục TTS sang Nhật làm việc. Đây là tín hiệu vui đối với lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
“Sau thời gian gián đoạn, các nhà tuyển dụng Nhật Bản cũng mong ngóng TTS sớm nhập cảnh để phục hồi sản xuất, đẩy mạnh giao thương” - bà Cúc chia sẻ.
Tuy vậy, theo bà Cúc, do dịch bệnh nên thủ tục yêu cầu từ phía Nhật khá chặt chẽ trước khi xuất cảnh. Đồng thời, khi nhập cảnh TTS cũng trải qua quy trình cách ly 14 ngày, sau đó về nghiệp đoàn đào tạo kỹ năng làm việc và nội quy lao động trước khi đến các công ty làm việc.
“Hiện các chuyến bay thương mại hai chiều Việt - Nhật bay đến/đi từ Hà Nội, TP.HCM và Tokyo, Osaka khá thuận lợi cho TTS đến Nhật làm việc” - bà Cúc thông tin thêm.
Cảnh giác với tuyển dụng ảo
Tổng giám đốc Công ty TNHH Esuhai - ông Lê Long Sơn đánh giá hiện nhu cầu tuyển dụng của các công ty Nhật không chỉ gia tăng mà còn mở rộng nhiều lĩnh vực. Dự báo từ nay đến cuối năm nhu cầu tuyển dụng sẽ tiếp tục tăng cao khi các chuyến bay thương mại tăng chuyến và dòng lao động hết hạn hợp đồng về nước sẽ mở ra cho lao động mới sang làm việc.
“Hiện các doanh nghiệp Nhật chủ yếu phỏng vấn qua online, tuy nhiên họ mong muốn được phỏng vấn trực tiếp, vì muốn quan sát rất kỹ ứng viên. Điều quan trọng hơn là họ muốn trực tiếp đến thăm nhà ứng viên để biết gia cảnh của các em” - ông Sơn chia sẻ.
CEO của Công ty TNHH Esuhai đánh giá hiện nhu cầu tuyển dụng một số ngành tăng mạnh như lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, chế biến thủy sản. Ngược lại, một số lĩnh vực sản xuất hàng hóa xa xỉ như ô tô cao cấp giảm do nhu cầu chưa thiết yếu. “Kể từ khi Nhật mở cửa cấp visa, phía Công ty Esuhai đã được phía Nhật cấp hơn 400 visa cho TTS và hơn 1.000 hồ sơ khác đang xin cấp” - ông Sơn dẫn chứng.
Tuy vậy, một số công ty xuất khẩu lao động cảnh báo trước nhu cầu tuyển dụng tăng cao đã xảy ra tình trạng tuyển dụng ảo từ các công ty không có chức năng xuất khẩu lao động nhằm trục lợi. Cụ thể, các doanh nghiệp “lôm côm” mời chào tuyển dụng, thực chất là để bán lao động cho các công ty khác.
Chẳng hạn có đơn vị phỏng vấn gần 20 người rồi thông báo trúng tuyển tất cả. Trong khi các công ty xuất khẩu lao động đàng hoàng không bao giờ có chuyện cùng lúc phỏng vấn lại trúng tất cả. Nếu 20 người trúng tuyển thì số ứng viên tham dự phỏng vấn phải nhiều hơn ít nhất ba lần.
10.000 lao động hết hạn hợp đồng Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) Tống Hải Nam cho biết: Hiện có khoảng 10.000 lao động Việt Nam đã hết hạn hợp đồng từ các thị trường. Số lao động này hiện đã được gia hạn visa và được các công ty nước sở tại bố trí việc làm chờ dịch lắng xuống sẽ cho về nước. Riêng thị trường Nhật đã có những chuyển biến tích cực khi các chuyến bay thương mại đã nối trở lại. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác về nhu cầu tuyển dụng từ phía Nhật chuyển biến đến mức độ nào thì cần có thêm thời gian để đánh giá toàn diện các ngành nghề. |