Khổ sở vì săn 'siêu sale 11-11'
Chánh Trung
(TBKTSG Online) - Thức trắng đêm để canh mua hàng giảm giá từ 0 giờ trong các đợt “siêu sale” trên các sàn thương mại điện tử, thế nhưng nhiều người dùng mệt mỏi, kiệt sức thậm chí chuốc lấy bực mình mà vẫn không thể mua được các món hàng mình muốn.
Kiệt sức, mệt mỏi săn “siêu sale”
Hiện nay nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng rất lớn, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã thúc đẩy hoạt động mua hàng qua mạng. Khá nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá dưới dạng coupon, voucher, discount… liên tục được các sàn thương mại điện tử (TMĐT) tung ra nhằm thu hút người tiêu dùng.
Sự kiện Ngày Độc thân vốn được tổ chức vào ngày 11-11 hằng năm trên các sàn TMĐT của Trung Quốc như Taobao và JD.com. Vài năm gần đây tại Việt Nam cũng hưởng ứng ngày hội mua sắm trực tuyến này. Trong đó sự kiện “siêu sale” nhân Ngày độc thân 11-11 đang diễn ra đã khiến người tiêu dùng “sôi sục”. Tuy nhiên, theo ghi nhận của TBKTSG Online, bên cạnh việc nhiều người dùng được lợi thì cũng không ít người dùng mệt mỏi, kiệt sức thậm chí tức giận khi “săn sale”.
Sự kiện ngày 11-11 năm nay Lazada tung 11 triệu deals toàn sàn giảm đến 50% với tổng giá trị mã giảm lên đến 22 tỉ đồng kéo dài từ Lễ hội mua sắm 11-11 đến Lễ hội mua sắm 12-12. Còn Tiki thì có chương trình “Tiki thả thính - Vạn deal đều dính” diễn ra từ ngày 1-11 đến hết ngày 12-11 với hơn 35 ngành hàng hay chương trình siêu coupon mua hàng lên đến 1 triệu đồng. Shopee thì có chương trình 1,5 triệu mã miễn phí vận chuyển cho đơn từ 0 đồng, 9 mã miễn phí vận chuyển có sẵn trong ví, chương trình đồng giá 1.000 đồng/sản phẩm, cùng 11 triệu voucher giảm giá tới 50%... Những sự kiện này đã khiến người dùng chen chúc nhau lên mạng để canh mua hàng sale. |
Chị P.T.T.Hằng, một nhân viên văn phòng ở quận 3 (TPHCM) cho biết: “Tôi canh hàng sale trên các chợ như Lazada, Shopee, Tiki từ tận 0 giờ ngày 11-11 để mua các sản phẩm mỹ phẩm, thời trang giảm giá.
Tôi đã thức cả đêm để chọn hàng chục sản phẩm vào giỏ hàng và để sáng hôm sau thanh toán. Tuy nhiên đến sáng hôm sau khi vào trang để thanh toán hóa đơn thì một số món hàng bị báo lỗi không thể thanh toán được. Tôi đành phải bắt đầu đi tìm lại một số món đang sale”.
Còn chị T.T.Tuyền ở quận Gò Vấp (TPHCM) cho biết: “Từ sáng ngày 11-11, tôi cùng nhóm bạn hẹn nhau cùng vào một số trang bán hàng online để săn sale vì thấy quảng cáo giảm rất nhiều, giá rất hời. Tuy nhiên tôi ngồi suốt cả buổi sáng chỉ mua được một vài món".
Chị Tuyền cho biết, một vài món đồ chọn vào giỏ hàng rồi nhưng đến khi thanh toán thì báo lỗi không thanh toán được hoặc phải chờ rất lâu mới hoàn tất được việc trả tiền. Một số món hàng để giá sale tuy nhiên sau khi đưa vào giỏ hàng và kiểm tra lại thì lại nhận được thông báo là đã hết hàng. "Nhiều người bạn của tôi cũng phải mất rất nhiều thời gian mới có thể mua được các món ưng ý”, chị kể.
Nhiều người dùng khác tại TPHCM cũng phản ánh với phóng viên về tình trạng gặp khó khi săn sale trong ngày 11-11. Trong đó người dùng phản ánh tình trạng không thể truy cập vào các app trên điện thoại của các sàn TMĐT, số khác thì không thể thực hiện được thanh toán.
Nhiều người dùng còn gặp phải tình trạng như mua 1 sản phẩm nhưng khi thanh toán thì lại tính tiền 2 sản phẩm. Một số người dùng phản ánh tình trạng cửa hàng vẫn đăng thông tin về món hàng được giảm giá (sale off) tuy nhiên khi khách chọn mua thì liên tục thông báo hết hàng.
Nhiều người dùng, hội nhóm trên Facebook cũng phản ánh tình trạng dở khóc dở cười khi săn sale. Một người dùng tên Minh Võ phản ánh mua 1 chiếc ấm đun siêu tốc giá 200.000 đồng nhưng tiền ship lên đến 4 triệu đồng. Một người khác chọn mua và đưa vào giỏ hàng gồm giày, vớ, nón tuy nhiên đến khi thanh toán thì đôi vớ “biến mất”?.
Ghi nhận cho thấy trong ngày “siêu sale” này giới công chức, văn phòng và các bạn trẻ học sinh sinh viên là những người “rầm rộ” đi săn sale nhiều nhất. Nhiều hội nhóm trên Facebook cũng liên tục cập nhật các thông tin, bí kiếp săn sale cho các thành viên. Tuy nhiên chỉ sau khoảng hơn nửa ngày “quay cuồng” rất nhiều người dùng cho biết đã kiệt sức, mệt mỏi khi săn sale.
Cũng liên quan đến sự kiện “siêu sale” trước đó đã có hàng loạt người dùng phản ánh việc một số đơn hàng trên Shopee sử dụng mã giảm giá 80.000 đồng được đặt vào ngày 8-11 đã bị hủy không lý do trong ngày 9-11. Đại diện Shopee cho biết sự cố này là do số lượt sử dụng mã giảm giá nhiều hơn so với số người dùng Shopee thực nhận các mã giảm giá này, gây lỗi hệ thống và xảy ra tình trạng như vậy.
Shopee đã và đang khắc phục sự cố, và sẽ phục hồi các mã giảm giá cho những người dùng đủ điều kiện theo danh sách của Shopee. Sự kiện này đã khiến nhiều người dùng tức giận và đánh giá (vote) 1 sao cho ứng dụng Shopee trên các kho ứng dụng như Google Play.
Tăng trưởng tốt nhưng dịch vụ cần chuyên nghiệp hơn
Ghi nhận của chúng tôi cho thấy trong ngày “siêu sale” 11-11 lượt truy cập, mua hàng trên các sàn TMĐT tại Việt Nam như Tiki, Lazada, Shopee, Sendo, Now, Grab… đều tăng mạnh. Đại diện Shopee Việt Nam cho biết trong giờ đầu tiên của ngày 11-11, Shopee đã ghi nhận 20 triệu lượt truy cập trên toàn khu vực.
Điện thoại thông minh và xe máy là những mặt hàng phổ biến được mua trực tuyến, với giao dịch có giá trị cao nhất lên đến 100 triệu đồng. Trong ngày lễ độc thân 11-11 năm ngoái, các sàn TMĐT đều thông báo lượng đơn hàng và khách hàng tăng gấp 4-5 lần, lượng truy cập tăng gấp 3 lần. Năm nay các sàn TMĐT dự đoán lượt truy cập và mua hàng sẽ tăng hơn cả năm ngoái dù có ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Một chuyên gia TMĐT tại TPHCM cho biết: “dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến thị trường TMĐT Việt Nam cụ thể là giúp số lượt truy cập, mua hàng trên các sàn TMĐT tăng vọt. Đó là dấu hiệu tốt cho ngành TMĐT khi người dùng quen với việc mua sắm online ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên để ngành TMĐT phát triển bền vững thì cần phải hạn chế các tranh chấp, rủi ro cho người dùng. Phát triển về số lượng phải đi kèm với chất lượng, mua sắm online ngày càng phổ biến tuy nhiên cần tránh các hoạt động gây mệt mỏi, mất niềm tin cho người tiêu dùng".
Cũng theo các chuyên gia TMĐT, người dùng cần thận trọng vì nhiều hoạt động khuyến mãi, giảm giá đồng nghĩa với việc người dùng sẽ có “lời”. Càng về cuối năm thì thị trường mua sắm càng sôi động, các chương trình khuyến mại, giảm giá liên tục được các sàn TMĐT tung ra. Nhưng đó cũng chính là lúc người dùng cần tỉnh táo hơn bao giờ hết để có thể mua sắm thông minh mà không phải vất vả, mệt mỏi hay bị “hớ”.
Nên chọn những trang TMĐT uy tín để có thể mua được những sản phẩm chất lượng tốt, đáng tin cậy. Chỉ mua những sản phẩm phù hợp với nhu cầu và không mua số lượng lớn trong cùng thời điểm. Nhiều người “nghiện sale” nên thấy bất cứ món gì giảm giá là đặt mua ngay mà không cần quan tâm mình có cần sử dụng hay không. |
Khi mua hàng cần kiểm tra thật kỹ thông tin sản phẩm đăng bán, đọc các đánh giá của những người đã mua về sản phẩm và kiểm tra chất lượng sản phẩm khi nhận hàng. Bên cạnh đó cần phải so sánh giá của sản phẩm trước và sau giảm giá, so sánh giá sản phẩm bán ở các trang khác.
Trên mạng có rất nhiều trang bán hàng đưa ra các sản phẩm giảm giá “ảo, sốc”. Tuy nhiên khi kiểm tra, so sánh thì thậm chí các sản phẩm giảm giá này giá còn cao hơn so với giá gốc đang bán ở các trang khác. Vì vậy người dùng cần “tỉnh táo” xem xét kỹ chứ đừng vội đặt mua ngay.
Theo kết quả cuốc khảo sát từ Decision Lab thì các chương trình khuyến mãi là lý do lớn nhất để lựa chọn một nền tảng TMĐT (46%), kế đến là sự đa dạng sản phẩm (41%).
Trong khi đó, cuộc khảo sát của Rakuten Insights cho thấy, 91% người tham gia nói rằng họ sẽ tiếp tục mua sắm online kể cả khi đại dịch qua đi. Trong đó một tỉ lệ lớn đã nhận thấy sự tiện lợi và hài lòng với trải nghiệm mua sắm TMĐT.
Điều này cho thấy TMĐT đã dần nhận được sự chấp nhận của người tiêu dùng, việc mua sắm và thanh toán trực tuyến với "chất xúc tác" là đại dịch Covid-19 đã trở nên phổ biến và các lợi ích của nó đã khiến người tiêu dùng tin tưởng và tiếp tục sử dụng.
Xem thêm: lmth.11-11-elas-ueis-nas-iv-os-ohk/365013/nv.semitnogiaseht.www