- Những vụ trộm tranh trị giá hàng triệu USD
- Trung Quốc: Triệt băng đảng đào hầm trộm cổ vật
- Hành trình phá vụ án trộm cổ vật ở Bảo tàng Liêu Ninh
Trang thông tin này thu thập thông tin về các di tích văn hóa bị đánh cắp và bị mất kể từ khi thành lập nước Trung Hoa, những thông tin này do các Cơ quan công an và bộ môn Quản lý di sản văn hóa cung cấp để công bố với công chúng và thế giới bên ngoài biết tình hình di sản văn hóa của Trung Quốc. Trước mắt Cơ quan công an và bộ môn Quản lý di sản văn hóa đã thu thập được 2000 dữ liệu về các di tích văn hóa bị đánh cắp và bị mất ở 19 tỉnh, bước đầu đã công bố hơn 200 tin tức về tình hình này.
Trong số hơn 200 thông tin di tích văn hóa bị đánh cắp và bị mất vừa được công bố có 15 bức bích họa trong ngôi mộ Vi Quý Phi ở Đường Chiêu Lăng bị đánh cắp năm 1994 được liệt kê một cách ấn tượng.
Đường Chiêu Lăng và mộ Vi Quý Phi
Ở núi Cửu Tung, huyện Lễ Tuyền, tỉnh Thiểm Tây có Chiêu Lăng là lăng mộ của vị Hoàng đế phong kiến được gọi là “Thiên hạ danh lăng”. Chiêu Lăng là lăng mộ của Hoàng đế Lý Thế Dân Đường Thái Tông. Xung quanh lăng của vị Hoàng đế là một quần thể lăng mộ đồ sộ của các Phi tần và Hoàng thân quốc thích, tổng cộng Chiêu Lăng có đến 188 ngôi mộ và được biết là lăng mộ Hoàng gia lớn nhất thế giới. Năm 1961, Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố Chiêu Lăng là đơn vị bảo vệ di tích văn hóa trọng điểm quốc gia và được xây dựng thành Bảo tàng Chiêu Lăng.
Bảo tàng Chiêu Lăng. |
Ở đây có bộ sưu tập lớn các di tích văn hóa quốc gia quý giá và là một bộ phận lịch sử và văn hóa huy hoàng của Trung Hoa. Khu lăng mộ này từ lâu đã nổi tiếng khắp trong ngoài nước, đồng thời nó cũng trở thành mục tiêu của bọn tội phạm. Ngày 23 tháng 11 năm 1994, Bảo tàng Chiêu Lăng bất ngờ phát hiện 15 bức bích họa được khai quật từ ngôi mộ của Vi Quý Phi trong Chiêu Lăng đã không cánh mà bay. Những di tích văn hóa lớn bị mất trộm đã làm chấn động cả nước.
Ngôi mộ của Vi Quý Phi nằm ở phía bắc núi Cô Lĩnh thuộc thôn Lăng Quang, thị trấn Yên Hạ, huyện Lễ Tuyền chỉ cách Chiêu Lăng về phía tây bắc một khe núi, mộ Vi Quý Phi là ngôi mộ gần Chiêu Lăng nhất và cũng là ngôi mộ có quy mô cao nhất. Vi Quý Phi tên là Vi Khuê, người huyện Đỗ Lăng (nay là khu Trường An, Thiểm Tây), bà sinh ra trong gia đình quý tộc.
Theo ghi chép trong các văn bia được khai quật thì bà được chọn vào Vương phủ và được phong Quý phi. Mặc dù văn bia nói rằng Vi Thị có thân phận tốt được chọn vào Vương phủ nhưng trên thực tế bà đã có một lần kết hôn. Người chồng đầu tiên của bà là Lý Hiếu Mân, con trai Lý Tử Hùng, một tướng quân nhà Tùy. Năm 613 sau Công nguyên, Lý Tử Hùng nổi loạn mưu phản nhưng bị thất bại và cả hai bố con bị giết hại, không biết vì sao trong sử sách ghi bà là “chưa lập gia đình”.
Trước khi Lý Thế Dân lên ngôi Hoàng đế, Vi Quý Phi đã sinh một cô con gái, đó là năm Vũ Đức thứ 7 (năm 624). Lúc này Vi Quý Phi 27 tuổi và Lý Thế Dân 25 tuổi. Hai năm sau, Lý Thế Dân lên ngôi trở thành Hoàng đế. Sau này Vi Quý Phi còn sinh cho Lý Thế Dân một đứa con trai tài năng là Kỷ Vương Lý Thận, đây là con trai thứ mười của Lý Thế Dân.
Năm Lẫm Đức thứ 2 (665), Vi Quý Phi và Yến Quý Phi đi cùng Cao Tông lên núi Thái Sơn tế trời đất không may bị bệnh bà qua đời hưởng thọ 69 tuổi.
15 bức tranh bị đánh cắp
Giới khảo cổ Trung Quốc đã khai quật khoảng hơn chục ngôi mộ trong Chiêu Lăng và lấy được một số lượng lớn các bức bích họa trong các lăng mộ, trong đó các bức bích họa trong lăng mộ của Vi Quý Phi là có tình trạng tốt nhất. Mùa thu năm 1990, Bảo tàng Chiêu Lăng đã kết thúc công việc khai quật và hơn 170 di tích văn hóa cùng với 27 bức bích họa đã được bảo quản trong các nhà kho khác nhau của bảo tàng. Những bức bích họa trong các ngôi mộ rất đẹp và sống động, được mọi người hâm mộ.
Lăng mộ Đường Cao Tông Lý Thế Dân. |
Người hâm mộ những bức tranh này còn có Lý Thiếu Doanh. Lý Thiếu Doanh là người thôn Bắc Nhị, huyện Lễ Tuyền. Từ năm 1988 đến 1994 hắn đã bị cảnh sát giam giữ vì tội cướp giật, lừa đảo và buôn lậu các di tích văn hóa. Vợ hắn là Cao Thanh Nhã, nhân viên của Bảo tàng Chiêu Lăng, phụ trách các phòng triển lãm phía đông của bảo tàng.
“Cận thủy lâu đài tiên đắc nguyệt” (Lâu đài gần nước sẽ được thưởng ngoạn trăng trước) Lý Thiếu Doanh đã từng đánh cắp các di tích văn hóa và thu được món tiền lớn khiến chân tay hắn ngứa ngáy. Hắn biết những bức tranh được để trong nhà kho nhỏ phía đông của bảo tàng mà vợ hắn lại cầm chìa khóa nên chỉ cần lấy được chìa khóa của vợ hắn là toàn bộ công việc đã xong. Lý Thiếu Doanh lập tức đến tìm Uyển Đông Lâm, người từ lâu đã tham gia buôn lậu các di tích văn hóa. Quá trình đàm phán diễn ra rất đơn giản và nhanh chóng, phía bên kia trả lời: “Chỉ cần là hàng thật, có bao nhiêu mua bấy nhiêu”.
Một đêm đầu tháng 8 năm 1992, không khí vẫn còn oi bức, các nhân viên bảo tàng đều về ký túc xá để nghỉ ngơi. Một số người như Cao Vệ Binh, Quách Đại Kiệt, Cao Hiểu Lâm và Lý Thiếu Phong đang đứng ở bên đường cách cổng bảo tàng không xa đợi Lý Thiếu Doanh mang chìa khóa của nhà kho đến. Trước đó bọn họ đã thăm dò nhà kho bốn hoặc năm lần. Thời gian chầm chậm trôi đi nhưng vẫn không thấy bóng dáng của Lý Thiếu Doanh đâu. Bọn chúng bắt đầu phàn nàn. Có tên vẻ lo lắng: “Có thể hắn chưa làm việc được với vợ hắn” nhưng mấy tên thì cứ quyết định chờ, khi bọn chúng đang quá sốt ruột thì cuối cùng Lý Thiếu Doanh xuất hiện.
Bọn chúng vào trong bảo tàng có thể nói là không hề có trở ngại gì và sau khi mở được cánh cửa nhà kho, bọn chúng nhẹ nhàng khiêng các bức bích họa mang ra bên ngoài xếp lên một chiếc xe khách đang đợi bọn chúng ở ven đường. Đêm hôm đó bọn chúng đã lấy được 4 bức và chở đi Tây An ngay.
Sau vụ này Lý Thiếu Doanh thấy rằng cứ mỗi lần làm ăn lại phải lấy chìa khóa của vợ thì rất rắc rối và có thể bị lộ. Vài hôm sau hắn lại lừa vợ lấy được chìa khóa rồi đi làm thêm một cái cho mình. Cho đến tháng 8 năm 1994, Lý Thiếu Doanh và đồng bọn đã 4 lần vào nhà kho và mỗi lần đều lấy đi mấy bức bích họa dễ dàng.
Đây là những gì anh ta đã làm
Tháng 12 năm 1994, để đón đoàn cán bộ về kiểm tra bảo tàng, ban lãnh đạo Bảo tàng Chiêu Lăng đã quyết định làm một cuộc tổng vệ sinh để bảo tàng có một bộ mặt mới. Cao Thanh Nhã và một số người khác được phân công dọn dẹp và làm vệ sinh nhà kho. Sau khi mở cửa nhà kho, Cao Thanh Nhã đứng lặng người: Chỗ để những bức bích họa lấy từ mộ Vi Quý Phi về 4 năm trước trống không, chả nhẽ những bức tranh này lại không cánh mà bay? Linh tính đã mách bảo với cô rằng “Đây là việc mà chồng cô đã làm”. Ngay lập tức, cô thấy trời đất quay cuồng, chân tay bủn rủn... Cô cũng không biết mình đã trải qua buổi chiều hôm đó như thế nào, nhưng buổi chiều hôm đó đã hoàn toàn thay đổi vận mệnh của cô!
Những bức bích họa trong mộ Vi Quý Phi. |
Sau kiểm tra thì thấy tất cả 15 bức bích họa lấy từ trong mộ của Vi Quý Phi đã bị mất. Các bức bích họa lấy chân dung của phụ nữ và nam giới làm chủ đề, các nhân vật được miêu tả rất sống động được coi là những báu vật cổ hiếm có và có giá trị nghệ thuật cực kỳ cao. Một vụ án lớn như vậy đã gây được sự chú ý của các nhà lãnh đạo ở tất cả các cấp. Cảnh sát lập tức thành lập ban chuyên án để điều tra vụ án và 80 cảnh sát được điều đi khắp nơi để trinh sát phá án.
Rất nhanh ban chuyên án nhận được tin báo rằng Lưu Hải Ngọc, một lái xe tư nhân ở thôn Thạch Cốc, huyện Lễ Tuyền đã từng chở một chuyến hàng đi Quảng Châu cho Lý Thiếu Doanh. Khi được thẩm vấn Lưu Ngọc Hải nói: “Lý Thiếu Doanh thuê tôi kéo một chiếc xe Mazda đến Quảng Châu để sửa chữa, khi xếp xong hàng ở Bắc Thuần thì không đi Quảng Châu mà đến một công ty dệt may Tây An”. Theo Lưu Ngọc Hải, ở công ty dệt may, Lý Thiếu Doanh và người đàn ông tên là Uyển Đông Lâm xếp lên xe 20 hộp “hàng hóa”. Sau khi đến Quảng Châu, trong bữa ăn Lưu Ngọc Hải đã nghe một người tự xưng là doanh nhân Hồng Kông nói: “Lô hàng này ít nhất có trị giá 600.000 nhân dân tệ!”.
Lý Thiếu Doanh lập tức được đưa vào tầm ngắm của cảnh sát, đồng thời cảnh sát triệu tập và thẩm vấn Cao Thanh Nhã vừa là vợ Lý Thiếu Doanh vừa là người giữ chìa khóa kho, cô ta nói: “Một đêm tháng 8 năm 1992, cô đang ngủ thì Lý Thiếu Doanh đột nhiên hỏi cô chìa khóa của nhà kho nhưng cô không đưa, sao đó bị Lý dọa nạt, ép buộc cô đã chịu thua hắn. Lý đi khoảng hơn một tiếng đồng hồ rồi trở về trả lại chìa khóa cho cô”.
Đây là một bước đột phá lớn và cảnh sát ngay lập tức bắt giữ hai tên thủ phạm Lý Thiếu Doanh và Uyển Đông Lâm.
Còn một chặng đường dài để chiến đấu chống lại bọn tội phạm di tích văn hóa
Ngày 14 tháng 12 năm 1994, cảnh sát đã đến huyện Chấn An để bắt giữ Lý Thiếu Doanh và tên đồng phạm là Cao Hiểu Lâm đang trốn chạy ở đây. Ngày 27 tháng 12 năm 1994, Uyển Đông Lâm bị bắt ở Quế Lâm.
Vụ án lớn về những bức tranh trong mộ Vi Quý Phi đã được phá. Cảnh sát cho biết: Từ tháng 8 năm 1992 đến tháng 8 năm 1994, Lý Thiếu Doanh, Cao Vệ Binh, Cao Hiểu Lâm, Quách Đại Kiệt và Lý Thiếu Phong đã 4 lần vào kho đánh cắp 15 bức bích họa được khai quật từ lăng mộ của Vi Quý Phi trong Bảo tàng Chiêu Lăng mang đi Quảng Châu bán lấy tiền chia nhau. Sau khi phá được vụ án chỉ có 2 bức bích họa được thu hồi về gây thiệt hại không thể khắc phục được cho đất nước.
Ngày 3 tháng 9 năm 1998, Tòa án nhân dân tỉnh Thiểm Tây đã xét xử vụ án trộm cắp di sản văn hóa nhà nước với 13 bị cáo có liên quan. Tòa án đã kết án tử hình Lý Thiếu Doanh và Cao Vệ Binh, các bị cáo khác bị kết án từ tù chung thân cho đến 3 năm tù giam.
Nguyễn Đình Thiêm (Theo “Xinhuanet.com”)Xem thêm: /730916-ihP-yuQ-iV-om-gnort-hnart-cub-gnuhn-mort-yal-ad-iA/gneit-ion-na-uV/nv.moc.dnac.gtna