Quán Nghinh ở ngay bên cánh đồng đầu làng Hương Ngải. Từ xa xưa đây là nơi tiễn các sĩ tử lên đường và tiếp đón những người đỗ đạt vinh quy bái tổ. Quán còn ấm hơi thở của những Trạng nguyên năm nào. Bảy cây đa cổ được trồng theo vị trí của ánh sáng chòm sao Bắc Đẩu. Quán Nghinh chính là trung tâm của chòm sao đó.
Những lời dậy của Khổng Tử vẫn còn khắc trên bia đá: "Dùng đức điều hành chính sự ví như ngôi sao Bắc Đẩu tọa lạc đúng vị trí của mình thì các ngôi sao khác ắt phải chầu lại". Hai câu đối lưu giữ trên hoành phi rằng: "Chúc sĩ tử ứng thí tranh ngôi/ Nghênh tân khoa hồi hương bái tổ". Ít người biết làng Hương Ngải thuộc miền đất gắn bó với câu chuyện cổ tích "Lưu Bình - Dương Lễ". Dấu vết còn lại chính là Quán Nghinh ở đầu làng. Đây là hình ảnh được mô tả trong tác phẩm thơ nôm và tích chèo cổ gắn với câu chuyện.
Cổng làng Hương Ngải. |
Dân làng Hương Ngải ai cũng nhớ đến tích cổ xưa. Dương Lễ và Lưu Bình là đôi bạn tri kỷ bên nhau. Tuy vậy mỗi người một nết. Dương Lễ nhà nghèo nên ra sức và chăm chỉ học tập. Chàng đã đỗ đạt quay về quán Nghinh và được dân làng đón tiếp long trọng.
Trong khi đó Lưu Bình cậy nhà giàu ăn chơi không chịu miệt mài đèn sách. Hai lần thi không đỗ số phận Lưu Bình hẩm hiu một đi mà không có về. Của cải ngày một tiêu tán nên đường học hành của Lưu Bình càng gập ghềnh trắc trở. Chàng trở nên nghèo túng đã phải lưu lạc xứ người.
Vì thương quý bạn, Dương Lễ đã thầm lặng cho vợ ba của mình là Châu Long tìm đến Lưu Bình vờ nhận lời gá nghĩa phu thê. Nhưng họ có thỏa thuận muốn nên duyên chồng vợ thì Lưu Bình phải chịu khó học hành và đỗ đạt hiển vinh. Từ đó nàng ba Châu Long chăm sóc người bạn của chồng. Nàng tìm mọi cách để khích lệ tạo mọi điều kiện cho Lưu Bình tập trung học tập. Hai người ngỡ như gần gũi mà vẫn cách xa vời vợi. Vì tình yêu và lời hứa như tạc dạ tâm can nên Lưu Bình gắng sức ngày đêm dùi mài kinh sử.
Năm sau chàng lên kinh thi và đỗ Trạng nguyên. Nhưng buồn thay khi Lưu Bình võng lọng trở về thì không thấy Châu Long đâu nữa. Nhà không vườn trống. Lưu Bình xao xuyến khôn nguôi. Chàng ngày đêm trông ngóng nàng về ngôi nhà nghèo năm xưa. Bóng chim tăm cá biền biệt phương nao. Lúc ấy chàng mới quay về làng vinh quy bái tổ.
Sau đó Lưu Bình tìm đến gia đình Dương Lễ để báo tin. Chàng còn định gặp Dương Lễ để mắng một trận cho hả giận. Bởi lẽ có lần chàng đã tìm đến bạn xin nương nhờ nhưng đã bị bạc đãi. Nhưng ai dè Dương Lễ đã cho nàng ba Châu Long ra đón tiếp long trọng. Nàng mỉm cười cùng đôi mắt sáng niềm vui vì bạn của chồng đã thành tựu hiển vinh. Lưu Bình không tin ở mắt mình.
Sau sự ngỡ ngàng và hoang mang chàng đã hiểu ra lòng tốt của người bạn. Lúc này Dương Lễ mới bước ra ôm chầm lấy Lưu Bình. Hai người vui khôn cầm nước mắt. Lưu Bình đã cúi đầu tạ ơn người vợ hiền thảo của bạn tri kỷ bấy lâu nay. Quán Nghinh đầu làng là nơi đưa và đón hai người trở về đem lại danh tiếng cho làng. Một tình bạn thân thương và thơm thảo tình nghĩa như dân làng Ngái ngàn năm ngát hương.
Danh thơm vẫn còn đó
Đình làng Hương Ngải vẫn lưu giữ sắc phong của vua Tự Đức với danh hiệu "Mỹ tục khả phong". Hai câu đối của Đình nguyên Hoàng Giáp Nguyễn Đăng Huân vẫn sắc nét: "Quốc Oai rực chấn Trung hưng tích/ Thạch Thất lưu hương thượng đẳng từ". Về sự học hành tấn tới làm vẻ vang cho làng Hương Ngải chính là các vị đại khoa, trạng nguyên.
Bia trong văn chỉ và võ chỉ trong làng đã ghi rõ người đỗ Thái học sinh (Triều Lý) là Liêu Hiến Chương. Sau đó còn là Liêu Hiến Quang cũng đỗ Thái học sinh vào triều Lý. Nhưng có lẽ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ Đỗ Hịch (triều Lê-1493) mở đầu cho dòng họ Đỗ (8 đời) cùng họ Phí liên tiếp sau đó đều đỗ cao trong trường thi vào các triều đại Lê-Mạc. Cuối cùng đến triều Nguyễn người làng Hương Ngải vẫn được nêu danh như Hoàng giáp tiến sĩ Nguyễn Đăng Huân (khoa thi 1829). Ngạn ngữ "Kẻ Ngái ông Nghè như lá tre" ra đời từ đây.
Quán Nghinh xưa. |
Trải qua bao thăng trầm và biến cố lịch sử truyền thống hiếu học của dân làng Hương Ngải không bao giờ tàn lụi. Đặc biệt đội ngũ giáo viên ở đây có số lượng vào hàng đầu huyện Thạch Thất. Gần 100 trường học trong huyện đều có giáo viên người Hương Ngải giảng dậy. Không ít gia đình có hai đến ba người đi dạy học. Trong số đó có gia đình bà Đỗ Thị Từ Tâm đã 5 đời đứng trên bục giảng.
Hiện nhà bà có 8 người làm giáo viên tại trường trong xã và các làng bên. Hương Ngải còn nổi danh nghề làm thầy thiên hạ là vì thế. Ít làng nào có tới hơn 300 giáo viên như ở đây. Với tỉ lệ dân số chừng gần 9.500 người xã Hương Ngải có tới 2.000 người tốt nghiệp đại học quả là hiếm hoi vào thời nay. Trong đó có hai phó giáo sư và 30 tiến sĩ, thạc sĩ.
Nhưng có lẽ người thày giáo điển hình trong làng mà mọi người dều nhắc tới là nhà văn, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Tử Siêu (1887-1965). Nhà văn Nguyễn Tử Siêu được Nhà nước ta đưa vào Từ điển những nhân vật lịch sử Việt Nam (NXB Khoa học và Xã hội-1992).
Có thể nói ông là người viết tiểu thuyết lịch sử đầu tiên ở nước ta. Với khí phách kiên cường và yêu nước mạnh mẽ, nhà văn Nguyễn Tử Siêu đã thể hiện sâu sắc trong các tiểu thuyết: "Hai Bà đánh giặc", "Vua Bố Cái", "Đinh Tiên Hoàng", "Tiếng sấm đêm đông"… Giặc Pháp đã phải tịch thu sách của Nguyễn Tử Siêu và quản thúc ông tại làng Hương Ngải. Trong thời gian này ông tập trung dạy học và làm nghề bốc thuốc.
Trong hai mươi năm bị quản thúc nhà văn Nguyễn Tử Siêu tập trung viết được hàng chục cuốn sách về Ðông y. Đến cuối đời ông có tới 43 tác phẩm và công trình nghiên cứu (gồm 77 cuốn sách các thể loại).
Không những thế nhà văn Nguyễn Tử Siêu còn tham gia hoạt động cách mạng tại xã và tỉnh Sơn Tây (cũ). Ông được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và là Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Sơn Tây. Sau thời hòa bình nhà văn Nguyễn Tử Siêu đã tham gia làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Đông y Việt Nam khóa I và II (1957-1965) cho đến khi mất. Nguyễn Tử Siêu có ảnh hưởng lớn đến người con trai cả là Thày thuốc ưu tú Nguyễn Thiên Quyến.
Tiếp bước nối nghiệp cha, danh y Nguyễn Thiên Quyến đã hoạt động thực tiễn trong nhiều năm và nghiên cứu sâu rộng nghiệp vụ. Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thiên Quyến đã có 30 đầu sách biên soạn và dịch thuật về đông y. Ông trở thành Chủ tịch Hội Ðông y Hà Nội cho đến khi về hưu.
Những ngôi nhà cổ tích
Hương Ngải không chỉ là quê của những ông Trạng mà còn là làng nghề làm nhà truyền thống (TP Hà Nội công nhận năm 2014). Đó chính là những ngôi nhà cổ bằng gỗ mít hoặc gỗ lim đã được lưu dấu hàng trăm năm. Tuy danh hiệu làng nghề mới được công nhận nhưng dân Hương Ngải đã nổi tiếng tài hoa từ vài trăm năm trước.
Hiện xã có tới cả ngàn người thợ mộc hành nghề ở nhiều vùng quê. Hàng chục công trình kiến trúc gỗ ở Hà thành xưa đều có công sức đóng góp của những đôi bàn tay vàng của người Hương Ngải. Họ đã từng được tuyển vào Huế dựng cung đình vua chúa. Sau này không ít công trình văn hóa ở Hà Nội luôn có thợ mộc của Hương Ngải thể hiện những nét đẹp độc đáo.
Có thể kể như chùa Hòe Nhai, Nhà Thái Học ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Đặc biệt là phố nhà cổ ở Thiên Đường Bảo Sơn nối bật với những đường nét đục chạm và khắc họa tinh tế của thợ Hương Ngải. Thật đáng mặt dân làng Ngái tài hoa trong lịch sử thủ đô ngàn năm văn hiến.
Vương TâmXem thêm: /017816-man-nagn-hnihgN-nauQ/aoh-nav-ueil-uT/nv.moc.dnac.acnv