Hơn 1.000 người biểu tình đã tập trung tại thủ đô Yerevan của Armenia để yêu cầu Thủ tướng Nikol Pashinyan từ chức sau khi ông này ký thỏa thuận ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh, buộc tội nhà lãnh đạo Armenia là kẻ phản bội vì quyết định đình chiến với Azerbaijan, đài RT đưa tin.
Vào đầu giờ sáng 10-11, ông Pashinyan thông báo rằng đất nước đã đồng ý chấm dứt các hành động thù địch với Azerbaijan, sau một cuộc xung đột đẫm máu khởi đầu vào cuối tháng 9.
Người biểu tình đã tụ tập ở trung tâm thủ đô Yerevan, đòi Thủ tướng Nikol Pashinyan từ chức. Ảnh: AP
Vào chiều 11-11, những người biểu tình đã tụ tập ở trung tâm thủ đô Yerevan, hô vang "Nikol là kẻ phản bội". Họ cũng xông vào đập phá dinh thự của ông Pashinyan, giật bảng tên của Thủ tướng Armenia khỏi cửa văn phòng.
Người biểu tình sau đó còn tràn vào bên trong tòa nhà quốc hội Armenia, đập phá đồ đạc và ẩu đả với các nghị sĩ. Chủ tịch quốc hội Ararat Mirzoyan bị mắc kẹt trong đám đông bạo lực và bị những người biểu tình đánh đến bất tỉnh.
Những người biều tình này là những người Armenia không đồng ý với quyết định chấm dứt xung đột của chính phủ và được một nhóm các chính trị gia thuộc nhiều đảng phái đối lập dẫn đầu. Nhiều nhân chứng kể rằng họ thấy cảnh sát bắt giữ từng người lãnh đạo cuộc biểu tình, nhưng những người tham gia vẫn không hề nao núng.
Đầu tuần này, các lãnh đạo Armenia, Azerbaijan và Nga đã ký một tuyên bố chung đồng ý đình chiến ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Thỏa thuận này có hiệu lực từ ngày 10-11, chấm dứt sáu tuần giao tranh ác liệt khiến hàng nghìn người thiệt mạng tại vùng xung đột Nagorno-Karabakh.
Thỏa thuận nêu rõ quân đội Azerbaijan và Armenia phải ở lại vị trí hiện tại của họ và lực lượng gìn giữ hòa bình Nga sẽ chịu trách nhiệm giám sát thực thi thỏa thuận này. Ngoài ra, Yerevan và Baku cũng sẽ trao đổi tù binh và thi thể quân nhân.
Theo ông Pashinyan, Yerevan không có lựa chọn nào khác, vì tài nguyên của đất nước đang nhanh chóng cạn kiệt.
Vào ngày 27-9, cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia lâu nay tạm lắng bỗng bùng phát trở lại. Cả hai nước đều tin rằng họ có yêu sách chính đáng đối với lãnh thổ Nagorno-Karabakh. Khu vực này được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan nhưng chủ yếu là người dân tộc Armenia sinh sống. Trong khi đó, Baku luôn coi khu vực này là do Yerevan chiếm đóng bất hợp pháp.
Armenia và Azerbaijan từng ba lần đồng ý ngừng bắn tại Nagorno-Karabakh vì lý do nhân đạo, nhưng chưa từng ký thỏa thuận chấm dứt xung đột và các lệnh ngừng bắn đều nhanh chóng bị phá vỡ ngay sau khi có hiệu lực.