Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần tăng số lượng đại biểu HĐND TP chuyên trách cho TP.HCM để đảm bảo giám sát hiệu quả. Trong ảnh: các đại biểu HĐND TP.HCM tham gia một kỳ họp - Ảnh: TỰ TRUNG
Sáng 12-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Trước đó trong đợt 1 kỳ họp (ngày 26-10), Quốc hội đã tổ chức thảo luận về nội dung này và có 10 đại biểu đăng ký phát biểu.
Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) một lần nữa nhấn mạnh vai trò, vị trí đầu tàu, quan trọng của TP.HCM đối với sự phát triển, tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Bà Vang cho rằng việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị sẽ tạo ra mô hình tổ chức chính quyền phù hợp với một siêu đô thị đặc biệt như TP.HCM. Tuy nhiên, theo bà Vang đề nghị, khi Nghị quyết này có hiệu lực sẽ đặt ra yêu cầu làm sao TP tăng cường cơ chế giám sát, quyền đại diện của người dân. Do vậy, bà kiến nghị xem lại cơ cấu đại biểu HĐND theo hướng tăng chất lượng, hoạt động chuyên trách.
Đại biểu Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) cũng mong muốn Quốc hội, Hội đồng bầu cử Quốc gia tới đây cân nhắc tăng thêm số lượng đại biểu HĐND chuyên trách cho TP.HCM để tăng tính hiệu lực, hiệu quả các nguồn lực. Đồng thời mang tính đại diện cao hơn, tăng cường tính giám sát, giải quyết tâm tư nguyện vọng của dân.
Ông Chung cũng muốn TP.HCM sắp tới sẽ quan tâm kết nối hạ tầng giao thông đô thị với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để tăng cường phát triển kinh tế toàn diện vùng.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) chia sẻ bà được làm việc trong thời gian TP.HCM thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo nghị quyết của Quốc hội. Bà đánh giá HĐND TP có những thuận lợi và khó khăn.
Tuy nhiên, tổng kết thí điểm có nhiều ưu điểm, thành công. Theo đó, HĐND TP đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo phát huy vai trò, quyền đại diện hiệu quả của người dân. Ví dụ, các tổ đại biểu tiếp xúc cử tri hàng tuần tại địa bàn quận, huyện. Thậm chí có những buổi tiếp xúc theo yêu cầu của cử tri.
Ngoài ra, HĐND TP tăng cường giám sát việc giải quyết ý kiến cử tri với các cấp chính quyền và tổ chức đối thoại với người dân hàng tháng. ‘‘Những kết quả đạt được thời gian thí điểm là thực tiễn sinh động cho thấy rằng đây là thời gian chín muồi để TP đề nghị Chính phủ trình Quốc hội cho TP tổ chức mô hình chính quyền đô thị’’, bà Tâm nói.
Bà Tâm cũng đề nghị Quốc hội cho tăng số đại biểu chuyên trách HĐND TP lên 19 người (hiện là 16) để đảm bảo hoạt động giám sát hiệu quả.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cũng đưa ra 5 giải pháp tăng hiệu quả của quyền đại diện dân chủ nhân dân ở hai cấp quận và phường khi không tổ chức HĐND. Theo đó, quy định trách nhiệm giải trình định kỳ của chính quyền TP, quận và phường. Tổ chức đối thoại định kỳ giữa người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân.
Tăng cường số lượng, thời lượng của các buổi tiếp xúc giữa đại biểu HĐND TP với cử tri. Tăng cường vai trò giám sát của đoàn đại biểu, đại biểu Quốc hội TP. Đồng thời, có hình thức phù hợp trưng cầu dân ý, lấy kiến ý nhân dân khi chuẩn bị có chính sách ảnh hưởng trên phạm vi rộng.
TTO - Hôm nay (12-11), Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận dự thảo nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Cụ thể về mô hình này tại TP.HCM ra sao? Người dân được góp ý kiến cho những vấn đề, công trình lớn như thế nào?