Được thành lập từ năm 1994, Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát (THP) là doanh nghiệp hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) lớn nhất Việt Nam. THP chủ yếu phát triển, sản xuất và bán các sản phẩm nước giải khát cho 63 tỉnh thành Việt Nam và 16 quốc gia trên thế giới. Các sản phẩm bao gồm trà thảo mộc, trà xanh, trà bí đao, nước uống vận động, nước tăng lực, sữa đậu nành và nước tinh khiết.
Với các sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam, Tân Hiệp Phát cạnh tranh sòng phẳng với các đại gia nước ngoài, tiêu biểu như Suntory Pepsi hay Coca-Cola.
Theo số liệu kinh doanh của nhóm các công ty Tân Hiệp Phát, doanh thu giai đoạn 2014-2017 đạt khoảng gần 7.000 tỷ đồng/năm, sau đó tăng lên 8.300 tỷ đồng vào năm 2018 và tăng tiếp lên 9.200 tỷ đồng năm 2019.
Về lợi nhuận, Tân Hiệp Phát báo lãi khoảng trên dưới 1.000 tỷ đồng giai đoạn 2014-2016, sau đó tăng lên 2.000 tỷ đồng năm 2018 và 3.300 tỷ đồng năm 2019. Doanh thu Tân Hiệp Phát tương đương Coca-Cola và bằng 1/2 so với Suntory Pepsi, nhưng lợi nhuận lại bỏ xa cả 2 đối thủ nhờ tỷ suất sinh lời vượt trội.
Sở dĩ gọi là nhóm các công ty Tân Hiệp Phát, bởi Tân Hiệp Phát không có một công ty đứng đầu để quản lý tất cả các nhà máy, mà mỗi nhà máy lại do một công ty sở hữu và người quản lý các công ty này là người nhà của Chủ tịch Tân Hiệp Phát, ông Trần Quí Thanh. Do phân chia như vậy, các công ty của Tân Hiệp Phát không hợp nhất kết quả về một mối.
Tại nhà máy ở Bình Dương, doanh thu tại đây đạt 5.300 tỷ đồng năm 2017 và tăng lên gần 5.900 tỷ đồng trong hai năm 2018 và 2019. Lợi nhuận hai năm 2017-2018 là gần 1.000 tỷ đồng và tăng mạnh trong năm 2019, lên trên 1.500 tỷ đồng.
Tại nhà máy Number One Chu Lai, doanh thu năm 2019 vừa qua đạt gần 1.400 tỷ đồng, lãi 489 tỷ đồng.
Tại nhà máy Number One Hà Nam, doanh thu năm qua giảm nhẹ so với 2018, xuống 2.000 tỷ đồng và lãi 872 tỷ đồng.
Điểm đáng chú ý của Tân Hiệp Phát là tỷ suất sinh lời cao và lợi nhuận ngay lập tức được rút về cho các thành viên trong gia đình. Đây là cơ sở để gia đình ông Trần Quí Thanh mở rộng đầu tư sang các mảng kinh doanh khác.
Trong năm 2019, gia đình ông Thanh gây xôn xao dư luận khi thành lập một loạt công ty bất động sản với tổng vốn điều lệ đăng ký lên đến gần 19.000 tỷ đồng. Không những vậy, nhiều thông tin cho rằng gia đình ông đã âm thầm mua nhiều khu đất có vị trí đắc địa tại Đà Nẵng, TPHCM, Vũng Tàu.
Năm 2020, con gái ông Thanh là Trần Uyên Phương đã chi khoảng 350 tỷ đồng để mua 22% cổ phần của Yeah1 Group. Cái bắt tay này được kỳ vọng sẽ giúp Tân Hiệp Phát tăng doanh số thông qua hệ thống quảng cáo của Yeah1.
Ngày 9/11 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an có văn bản 4335 gửi UBND tỉnh Đồng Nai về việc đề nghị tạm dừng biến động phục vụ công tác điều tra, xác minh.
Cụ thể, ngày 16/10, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an nhận được đơn của ông Lê Văn Lâm, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh Đồng Nai tố cáo các ông, bà gồm Phạm Hoàng Minh, Hồ Thị Diễm Trang, Nguyễn Hoàng Phú, Lê Công Sương, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và Trần Quí Thanh có hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng thông qua việc chuyển nhượng dự án và "Trốn thuế", xảy ra tại CTCP Bất động sản Minh Thành Đồng Nai và CTCP Đầu tư và Xây dựng Nhơn Thành.
Để phục vụ yêu cầu điều tra, Cơ quan Điều tra, Bộ Công an đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các sở, ngành (Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Cục thuế…) và UBND huyện Long Thành giữ nguyên hiện trạng, thủ tục pháp lý và tạm dừng mọi biến động (giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho tặng, cầm cố, thế chấp cổ phần, quyền sử dụng đất…) cho đến khi có ý kiến của Cơ quan Điều tra, Bộ Công an đối với Bất động sản Minh Thành Đồng Nai và dự án Khu dân cư dịch vụ theo quy hoạch tại xã An Phước, huyện Long Thành.
PV (Tổng hợp)
Theo Trí Thức Trẻ