Ngày 12-11, UBND TP Đà Nẵng ra công điện ứng phó với bão số 13.
Tại công điện này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các quận, huyện sẵn sàng phương án sơ tán người dân sống trong nhà không kiên cố, các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt…
Tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng. Tổ chức kéo tàu thuyền nhỏ lên bờ.
Cây xanh ngã đổ tại Đà Nẵng sau cơn bão số 9. Ảnh: TẤN VIỆT
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng nghiêm cấm tàu thuyền xuất bến, ra khơi, hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn.
Tất cả các tàu kinh doanh xăng dầu phải di dời ra khỏi Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đến neo đậu tại các khu vực phù hợp, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.
Các sở ban ngành rà soát ngay các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị.
Tổ chức đánh giá các khu vực nguy hiểm, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, sự cố, nhất là những khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá.
Các địa phương bố trí lực lượng kiểm soát, cương quyết không để người dân ở lại những khu vực đã xác định có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở.
Sẵn sàng nhân lực, vật tư trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo kịp thời tiếp cận ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Sở Xây dựng chỉ đạo neo giữ, gia cố giàn giáo thi công, lưới bao che, hàng rào tôn ở các công trình xây dựng.
Yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu thi công khẩn trương hạ cần trục tháp, cẩu và các thiết bị thi công trên cao, đảm bảo an toàn.
Sở TN&MT làm việc với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản dừng ngay việc khai thác, đưa người rời khỏi khu vực khai thác để đảm bảo an toàn tính mạng cho công nhân.
Tất cả các công việc trên phải hoàn thành trước 15 giờ ngày 13-11.
Chủ tịch Đà Nẵng cũng giao Giám đốc Sở GD&ĐT theo dõi diễn biến bão, lũ trong những ngày đến quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học và chịu trách nhiệm trước UBND TP.