Hai ngày sau đợt lũ lớn bất ngờ đổ xuống, các làng biển ven vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu (vùng nuôi tôm hùm nhiều nhất ở Phú Yên) vẫn hoang tàn, xơ xác.
Nhiều lồng nuôi tôm hùm bị sóng đánh vỡ, dạt vào bờ hoặc vừa được khiêng đưa lên bờ, nằm chỏng chơ. Dưới bãi biển, nhiều người hớt hải, bơ phờ đưa vào bờ những thuyền thúng chai chở đầy tôm hùm chết.
Người dân thị xã Sông Cầu đưa tôm hùm chết vào bờ. Ảnh: NO
Ở xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tôm hùm chết đổ thành đống khắp nơi. Tôm hùm chết hầu hết đều đã lớn nhưng không có người mua. Những người đàn ông buồn bã, bất lực nhìn đống tôm hùm đã bắt đầu bốc mùi chưa biết đổ đi đâu. Nhiều phụ nữ ngã khuỵu bên đống tôm, khóc nghẹn.
Theo nhiều nuôi tôm hùm ở Xuân Phương, sau khi bão số 12 tan, tối 10-11 lũ lên rất nhanh, ầm ầm đổ xuống vùng nuôi tôm.
Khuôn mặt vẫn thất thần, ông Nguyễn Văn Thời kể: Giữa đêm khuya, hai cha con ông vừa dọn dẹp sau bão vừa canh giữ tôm trên bè thì bất ngờ nước lên rất nhanh. Nước chảy rất mạnh làm các lồng nuôi tôm bật lên khỏi mặt nước, quay cuồng.
Cha con ông Thời chưa biết xử lý thế nào thì một số lồng tôm bị cuốn trôi. Giữa đêm tối mịt mù, cha con ông Thời đành bất lực nhìn các lồng tôm hùm bị nước cuốn trôi đi.
Tôm hùm đến kỳ thu hoạch bị chết sạch. Ảnh: NO
Sáng hôm sau, ông Thời như chết điếng khi hầu hết các lồng tôm của ông đều bị lũ cuốn mất hoặc bị vỡ. Hơn một tỉ đồng của gia đình của ông Thời biến mất dưới vùng nước đục ngầu.
“Gần 20.000 con tôm hùm xanh của gia đình tôi đã gần đến ngày xuất bán, giờ không còn gì. Phần lớn vốn nuôi tôm là tiền vay ngân hàng. Giờ gia đình tôi không biết tính sao!”- ông Thời nghẹn ngào.
Bà Trần Thị Được (ngụ phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu) khóc nghẹn vì gia đình trắng tay do tôm hùm nuôi chết sạch. Ảnh: NO
Sáng 12-11, ông Trần Văn Khải nhờ người gom, đưa vào bờ hai thúng chai tôm hùm chết. Dáng vẻ mệt mỏi, ông Khải cho hay lũ đổ xuống khiến tôm hùm bị sốc nước ngọt, chết nổi trắng lồng.
“Nước lũ đục ngầu đổ xuống, chúng tôi chưa kịp di dời lồng đi nơi khác thì tôm bị sốc, chết hết. Vùng nước chỗ tôi nuôi, lồng nào tôm cũng bị chết”- ông Khải nói.
Theo nhiều người ở Xuân Phương, do lũ đổ xuống bất ngờ, quá nhanh nên không thể di chuyển các lồng tôm hùm đi nơi khác. Do đó, phần lớn tôm nuôi đều bị sốc lũ, chết sạch. Tôm hùm chết gom đưa vào bờ, thương lái mua với giá chỉ 200.000 đồng/kg. Nhiều gia đình ở Xuân Phương mất trắng hàng tỉ đồng.
Nhiều gia đình bị thiệt hại cả tỉ đồng. Ảnh: NO
Tương tự, tại các phường Xuân Thành, Xuân Yên, Xuân Đài của thị xã Sông Cầu, tôm hùm cũng chết chất thành đống khắp nơi.
Bà Lê Thị Thanh Thảo (ngụ phường Xuân Thành) vừa khóc vừa kể: “Gia đình tôi nuôi gần 25.000 con tôm hùm xanh. Thời gian qua do dịch COVID-19 nên không bán được. Giờ bị sốc lũ chết không còn một con. Tiền vay ngân hàng, tiền gia đình dành dụm bao nhiêu năm nằm hết trong đó”.
Bà cho biết, nếu không có trận lũ bất ngờ, gia đình bà có thể thu được gần 1,5 tỉ đồng nhưng giờ bán đổ bán tháo vẫn không có người mua.
Theo UBND thị xã Sông Cầu, thống kê đến chiều 12-11 có 169 hộ nuôi tôm hùm ở địa phương này bị thiệt hại 1.521 lồng, trị giá gần 40 tỉ đồng. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là xã Xuân Phương với 762 lồng của 105 hộ. Đó là chưa kể tôm hùm con đang ươm nuôi cũng bị chết sạch.
Tôm hùm chết bán với giá chỉ 200.000 đồng/kg. Ảnh: NO
Trao đổi với PLO vào chiều cùng ngày, ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, nói đó chỉ mới là thống kê ban đầu vì hiện nay tôm hùm vẫn tiếp tục bị chết.
“Lũ xuống bất ngờ nên tôm hùm nuôi bị sốc nước ngọt, chết hàng loạt. Hiện nay nước vẫn còn xuống nên tôm tiếp tục bị chết, con số thiệt hại còn tăng nữa”- ông Huy thông tin.