Có thể thấy rõ ràng, đây là thời của đa kênh – omni-channel. Bán hàng đa kênh đang trở thành xu thế phát triển của thị trường bán lẻ trong vài năm gần đây. Những doanh nghiệp nào đi theo xu hướng này sớm và triệt để đang hái rất nhiều trái ngọt như Thế Giới Di Động hay PNJ.
Theo báo cáo thường niên của We Are Social và Hootsuite, mạng xã hội là kênh marketing chủ lực được hầu hết các doanh nghiệp lựa chọn. Tỷ lệ các doanh nghiệp bán hàng qua mạng xã hội đạt hiệu quả 26%, bán qua website là 28% và qua các ứng dụng là 59%.
Còn theo khảo sát của HBR, 73% trong số 46 nghìn người tiêu dùng đánh giá cao trải nghiệm mua sắm đa kênh của các cửa hàng online. Trên thực tế, mô hình bán hàng đa kênh đã xuất hiện trong nhiều năm, nhưng mãi đến thời gian gần đây nó mới được tiếp cận rộng rãi. Trong năm 2019, có 97% cửa hàng online áp dụng bán mô hình bán lẻ đa kênh, trong đó có hơn 54% chủ shop sử hữu 5 kênh bán hàng. Điều đó cho thấy, bán hàng đa kênh sẽ trở thành xu hướng trong năm 2020 và vài năm sau đó.
Kèm theo sự bùng nổ của bán hàng đa kênh là các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng nở rộ. Sự nở rộ này là kết quả của các chiến dịch khuyến khích người dân Việt Nam sử dụng thanh toán không tiền mặt vốn được Nhà nước chủ trương khuyến khích.
"Sở dĩ, tỷ lệ dùng tiền mặt khi thanh toán hàng ở Việt Nam vẫn cao bởi các nguyên do sau: do hạ tầng cơ sở logistic còn yếu kém khiến 1 món hàng sau khi mua online tới tay người dùng phải mất từ 3 đến 5 ngày khiến người dùng không sẵn sàng trả trước. Để khuyến khích người dùng trả tiền ngay, những sàn TMĐT như Tiki, Shoppe và Lazada đã phải tạo ra những dịch vụ như giao hàng ngay trong 30 phút hoặc trong 1 ngày.
Ngoài ra, nhiều người dùng Việt Nam cũng không tin tưởng vào các hình thức thanh toán online hoặc không dùng tiền mặt cũng như uy tín của các hàng hóa bán trên các nền tảng online. Thế nên, họ muốn phải cầm hàng trên tay, kiểm tra đúng và đủ thì mới trả tiền", bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc toàn quốc Trung tâm thanh toán và quản lý tiền tệ thuộc HSBC Việt Nam, nêu nguyên nhân cụ thể.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc toàn quốc Trung tâm thanh toán và quản lý tiền tệ thuộc HSBC Việt Nam
Về phần các doanh nghiệp, trong quá trình làm việc cùng, HSBC thấy các khách hàng của mình có một vài vấn đề như sau khi sử dụng nhiều hình thức thanh toán: mỗi một đối tác thanh toán có một quy trình và cách làm việc khác nhau nên họ phải đối chiếu – rà soát theo trình tự và thời gian tương ứng, thêm nữa tiền về tài khoản doanh nghiệp phải trung bình sau 3 ngày – điều này tạo ra một độ rủi ro nhất định bởi rõ ràng khách hàng đã dùng dịch vụ rồi xong doanh nghiệp vẫn chưa nhận được tiền.
Ngoài ra, còn có chi phí tiềm ẩn như nhiều nhà cung cấp tương ứng với nhiều chi phí liên kết và thẩm định cũng như xử lý tiền mặt. Hay thiếu đi sự giám sát quá trình giao dịch, đối với phương thức thanh toán khi nhận hàng, việc theo dõi các giao dịch trong quá trình thực hiện bị hạn chế.
Trước thực trạng này của thị trường, HSBC cùng Payoo (thuộc VietUnion) đã cho ra mắt giải pháp thu đa kênh (Omni Channel Collections Solution). Giải pháp thu đa kênh này sẽ trang bị cho doanh nghiệp chỉ một nền tảng duy nhất, hỗ trợ việc thu tiền bán vé từ nhiều phương thức khác nhau, với trung bình 500.000 giao dịch mỗi tháng, tiết kiệm công sức của doanh nghiệp khi làm việc với nhiều nhà cung cấp dịch vụ thanh toán cùng một lúc, đồng thời cung cấp tiêu chuẩn dịch vụ nhất quán, tập trung đầu mối, hỗ trợ việc triển khai, thủ tục và truy vấn.
Theo tiết lộ của bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, thì đây là giải pháp thu đa kênh đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và nước ta là thị trường thứ 7 hoặc 8 mà HSBC bán sản phẩm này. Sở dĩ HSBC và Payoo có thể cam kết trả tiền cho doanh nghiệp chỉ sau 1 ngày thay vì trung bình 3 ngày như ở thị trường bên ngoài, bởi họ đã có một thỏa thuận riêng với 21 ngân hàng Việt Nam, 6 ví điện tử, 31 bên có thanh toán QR Code, các ngân hàng quốc tế tại Việt Nam và cả thanh toán trả sau với hơn 10.000 cửa hàng bán lẻ khắp toàn quốc (VinMart, Coop Mart…)...
Với những ngân hàng hoặc fintech đã tham gia làm đối tác của giải pháp này, thì khi khách hàng thanh toán vé xem phim hoặc mua đồ ăn thức uống vật phẩm của Galaxy, dòng tiền đó sẽ phải lưu chuyển theo ‘luật chơi’ riêng của giải pháp này chứ không phải theo quy trình chung của ngân hàng hoặc fintech nữa. Đó chính là nguyên do mà HSBC – Payoo có thể tự tin khẳng định là họ chỉ cần thời gian T+1 để đổ tiền vào tài khoản doanh nghiệp. Phân khúc khách hàng mà HSBC muốn nhắm tới khi ra mắt giải pháp này tại Việt Nam là các doanh nghiệp vừa, như Galaxy Studio.
Giải pháp thu đa kênh này đã được Payoo truyền thông vào cuối năm 2019, nhưng để triển khai thực tế vào một doanh nghiệp cụ thể không dễ. Do tác động xấu của Covid-19, cho tới bây giờ, HSBC và Payoo mới hoàn tất quá trình hợp tác với khách hàng đầu tiên là Galaxy Studio. Bởi cả hai phải chỉnh sửa lại giải pháp của mình phù hợp hơn với những yêu cầu cụ thể của Galaxy.
Galaxy Cinema hiện sở hữu 18 rạp chiếu phim và 108 phòng chiếu trải dài trên khắp Việt Nam. Galaxy Distribution là nhà phát hành độc quyền của các Hollywood Studio bao gồm Sony, Disney (20th Century Studio) và các nhà sản xuất phim độc lập khác. Hiện nay, Galaxy Cinema đứng thứ 3 về thị phần rạp chiếu phim, Galaxy Distribution đứng thứ 2 thị trường trong mảng phát hành phim tại Việt Nam.
Theo chia sẻ của chị Đinh Thị Thanh Hương - CEO Galaxy Studio, Galaxy có khoảng 10 triệu khách hàng và mỗi tháng có 500.000 giao dịch, 1.500 giao dịch trong đó là qua đường trực tuyến. Tuy nhiên, với lượng người truy cập vào app, website và các cổng truy cập ngày càng tăng – hiện có khoảng 25% đến 30% khách hàng của Galaxy thường xuyên viếng thăm các nền tảng online của doanh nghiệp này một cách tự nhiên; nên Galaxy tin rằng lượng giao dịch quan online sẽ tăng nhanh trong tương lai và số hóa là yêu cầu cấp bách.
Tại Trung Quốc, 80% vé xem phim được mua online qua các hình thức thanh toán như ví điện tử hoặc QR Code.
Theo xu thế phát triển chung của thị trường, HSBC không còn đơn thuần chỉ là ngân hàng nơi người ta đến giao dịch tiền bạc mà còn kinh doanh các giải pháp tài chính. "Ông lớn" trong ngành tài chính thế giới này đang chứng minh một điều: các fintech không phải là đối thủ, mà chính là đối tác đầy tiềm năng của các ngân hàng truyền thống.
Quỳnh Như
Theo Trí Thức Trẻ