Tổng thống Trump thăm nghĩa trang quốc gia Arlington ở bang Virginia để kỷ niệm ngày cựu chiến binh hôm 11-11. Đây là lần đầu tiên ông xuất hiện trước công chúng kể từ sau khi ông Biden tuyên bố đắc cử tổng thống - Ảnh: Reuters
Báo Wall Street Journal dẫn lời một quan chức Nhà Trắng cho biết trong các cuộc trao đổi với ông Trump gần đây, một số cố vấn của ông Trump đã nói rằng họ không thấy được con đường dẫn đến thắng lợi, thậm chí ngay cả những nỗ lực pháp lý của ông Trump thành công.
Mặc dù vậy, một số cố vấn tiếp tục nói với Tổng thống Trump rằng ông vẫn còn cơ hội.
Gian lận và bằng chứng
Các quan chức ở mỗi bang đều khẳng định quá trình kiểm phiếu của họ công bằng và không có vấn đề lớn nào. Trong khi đó, một quan chức mô tả ông Trump vốn hiểu rằng cuộc chiến pháp lý có thể không mang đến chiến thắng, nhưng ông vẫn kiểu: "Hãy để tôi tiến hành cuộc chiến này".
Phía ông Trump được cho là đang triển khai các chiến lược khác nhau dựa trên luật và quá trình kiểm phiếu của mỗi tiểu bang. Đáng chú ý nhất, họ đã đệ đơn kiện tại Pennsylvania, Michigan và Arizona (tổng cộng 47 phiếu đại cử tri) yêu cầu thẩm phán ngăn các quan chức tiểu bang xác nhận kết quả.
Nếu ông Biden không chính thức thắng tại 3 bang này, cục diện sẽ thay đổi. Ông Biden đang dẫn trước ông Trump với cách biệt khoảng 50.000 phiếu phổ thông (0,75%) ở Pennsylvania, khoảng 146.000 phiếu (2,6%) ở Michigan và khoảng 13.000 phiếu (0,4%) ở Arizona, theo Wall Street Journal.
Bà Tim Murtaugh - người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Trump - cho biết trọng tâm trong nỗ lực pháp lý của phía ông Trump là "đảm bảo tất cả phiếu bầu hợp lệ được kiểm đếm và loại bỏ tất cả phiếu bầu không hợp lệ, không chỉ vì cuộc bầu cử này mà còn vì tính toàn vẹn của tất cả cuộc bầu cử trong tương lai".
Người phát ngôn Ủy ban quốc gia Đảng Cộng hòa Mandi Merritt nói rằng có "hàng trăm báo cáo về các vụ việc bất thường trong bầu cử trên khắp nước Mỹ vốn đáng xem xét".
Chiến dịch tranh cử của ông Trump đến nay chưa đưa ra các bằng chứng cho thấy tình trạng gian lận trên diện rộng. Họ chưa đưa ra bằng chứng gian lận bầu cử tại Arizona và Pennsylvania.
Nhưng tại Michigan, phía ông Trump cho biết đang nắm trong tay rất nhiều bản khai có tuyên thệ. Trong đó có các nhân chứng phía Đảng Cộng hòa cho biết họ bị quấy rối, ép buộc ra khỏi các cơ sở kiểm phiếu vắng mặt và chứng kiến tình trạng gian lận.
Khi được hỏi về kế hoạch của phía ông Trump nhằm trì hoãn xác nhận kết quả ở một số bang, luật sư Dana Remus của chiến dịch tranh cử của ông Biden bình luận rằng để thành công, phía ông Trump phải có bằng chứng chứng minh vấn đề, nhưng: "Đơn giản là họ không có bằng chứng".
Những kịch bản điên rồ
Theo trang Vox, kịch bản nguy hiểm sẽ là các quan chức thuộc Đảng Cộng hòa, các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa và các thẩm phán Đảng Cộng hòa ở cấp tiểu bang phối hợp với nhau để ngăn xác nhận kết quả bầu cử những bang quan trọng mà ông Biden thắng và đưa các đại cử tri bầu cho ông Trump vào thay thế các đại cử tri bầu cho ông Biden, không tuân theo luật.
Có thể họ sẽ viện dẫn rằng một số hình thức gian lận nào đó đã tác động tới kết quả bầu cử. Trang Vox cho rằng việc "cơ quan lập pháp tiểu bang thách thức luật bằng cách bổ nhiệm đại cử tri của ông Trump thay vì đại cử tri của ông Biden và sau đó Tòa án tối cao Mỹ (hiện do phe bảo thủ kiểm soát) nhất trí theo" là một kịch bản "gượng gạo", nhưng không phải là không có khả năng.
Trang Politico cho rằng chiến lược đại cử tri đoàn là chiến lược "hoàn toàn điên rồ" và cảnh báo về khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng hiến pháp.
Để lật ngược kết quả bầu cử, tại ít nhất 3 trong 6 bang dao động - gồm Michigan, Wisconsin, Pennsylvania, Nevada, Arizona và Georgia, phía ông Trump phải ngăn họ xác nhận kết quả cho thấy ông Biden chiến thắng và/hoặc ngăn chọn đại cử tri bầu cho ông Biden.
Mặc dù Đảng Dân chủ kiểm soát hầu hết văn phòng chính quyền quan trọng ở 6 bang trên, Đảng Cộng hòa lại kiểm soát cơ quan lập pháp tiểu bang tại 5/6 bang này (trừ bang Nevada).
Hiến pháp Mỹ nêu rằng cơ quan lập pháp tiểu bang sẽ quyết định cách thức chọn các đại cử tri và điều này khiến người ta nghi ngờ về những gì sẽ diễn ra khi kết quả bầu cử vẫn còn chưa rõ ràng.
Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại bang Wisconsin, ông Joe Sanfelippo tuần này đã cho thấy sự ủng hộ với ý tưởng mạnh bạo như trên. "Hoặc bạn bỏ cuộc bầu cử này và tổ chức một cuộc bầu cử hoàn toàn mới, hoặc chúng tôi đưa các đại diện của chúng tôi vào đại cử tri đoàn để bầu cho người mà họ nghĩ là đáng lẽ chiến thắng hợp pháp" - ông Joe Sanfelippo nói.
Tuy nhiên, bà Dana Nessel - tổng chưởng lý bang Michigan và là thành viên Đảng Dân chủ - ngày 11-11 nhấn mạnh "sẵn sàng chiến đấu" chống lại các kịch bản như trên.
Chuyện gì tiếp theo?
Một khi công tác kiểm phiếu hoàn tất, bước kế tiếp là các bang sẽ xác nhận kết quả. Ngày 8-12 là hạn chót được đặt ra theo luật liên bang, nhưng hầu hết các tiểu bang áp dụng hạn chót sớm hơn. Dự kiến Arizona sẽ xác nhận kết quả bầu cử vào ngày 30-11. Bang Michigan và Pennsylvania có hạn chót là 23-11.
Sau đó, các đại cử tri bầu cho người chiến thắng sẽ chính thức được bổ nhiệm. Đại cử tri đoàn (gồm 538 đại cử tri) sẽ bỏ phiếu giúp chính thức chọn tổng thống Mỹ tiếp theo vào ngày 14-12. Quốc hội Mỹ sẽ kiểm phiếu và công bố kết quả ngày 6-1-2021 để xác định người chiến thắng.
TTO - Chánh án Mary Hannah Leavitt của Tòa án Pennsylvania ngày 12-11 đã ra lệnh không tính các phiếu bầu được bổ sung thông tin nhận dạng cử tri sau ngày 9-11. Số phiếu bầu thuộc dạng này có thể lên tới hàng ngàn.
Xem thêm: mth.62881357031110202-neid-cuc-neyuhc-yaox-eht-oc-pmurt-gno/nv.ertiout