Ngày 12-11, Quốc hội (QH) dành thời gian thảo luận tại tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.
Lo tăng chi ngân sách
Theo tờ trình, dự án luật này sẽ sắp xếp thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ công an xã thành một lực lượng dưới tên gọi chung là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự.
Lực lượng này được bố trí ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn cấp xã.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại cuộc thảo luận tổ. Ảnh: TN
Dù ủng hộ dự luật nhưng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Bùi Đặng Dũng nêu hàng loạt câu hỏi: Có tăng biên chế không? Tổ chức bộ máy có cồng kềnh hơn không? Ngân sách có phải chi thêm không?
Đại biểu (ĐB) QH tỉnh Kiên Giang này cho rằng đánh giá báo cáo tác động của dự luật dài 50 trang nhưng cung cấp thông tin ít, chưa đầy đủ.
Ông tiếp tục nêu hàng loạt băn khoăn: Nếu lực lượng này tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, tổng số tiền cần chi là bao nhiêu? Vì khoảng 80% lực lượng cơ sở chưa có trụ sở làm việc, nếu xây thì hết bao nhiêu tiền, có trang bị công cụ hỗ trợ không, nếu có thì tốn kém ra sao?...
ĐB Dũng sau đó đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá, thống kê tất cả vấn đề trên.
Ông Dũng nói: “Tôi cảm giác giảm ngân sách là viết cho vui và an lòng ĐB chứ không thể giảm được. Không cần chuyên môn về tài chính ngân sách mà chỉ cần ngồi tính cũng thấy phải tăng ngân sách”.
Thảo luận tại Đoàn ĐBQH TP.HCM, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chính ủy Quân khu 7, băn khoăn: Các nhiệm vụ đề ra trong dự án luật, không có nhiệm vụ nào lực lượng này có thể chủ trì, vậy đây có phải lực lượng không?
Cũng theo ông Hoàng, Bộ Công an ước tính toàn quốc có khoảng 1,5 triệu người tham gia bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở. Hiện cả nước có khoảng 650.000 người ở các đội dân phòng, tổ bảo vệ dân phố cũng như lực lượng công an xã bán chuyên trách. Như vậy, khi lực lượng này ra đời sẽ tăng khoảng 800 người so với thực tế hiện nay, chứ không phải là giảm 500.000 người như con số ban soạn thảo dự luật đưa ra.
Góp phần đảm bảo an ninh trật tự cơ sở
Trong khi đó, tại tổ Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho rằng việc ban hành dự án luật là cần thiết. Việc này nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, củng cố lực lượng an ninh cơ sở, kiện toàn tổ chức, bộ máy, đồng thời rà soát, tinh giản biên chế, ngân sách, tăng cường đảm bảo an ninh trật tự cơ sở.
Theo ông Hải, sau khi Bộ Công an triển khai đưa lực lượng chính quy xuống xã, lực lượng công an bán chuyên trách có dấu hiệu “mai một dần”. Tổng số 126.000 công an xã bán chuyên trách trước kia, nay đã giảm xuống chỉ còn 1/4. Ông dẫn chứng ở Hà Nội, sau khi triển khai 2.500 cán bộ chính quy xuống 383 xã thì từ con số hơn 5.500 cán bộ công an xã nay đã giảm hơn 25%.
Ông Hải cho biết phụ cấp cho lực lượng công an xã bán chuyên trách rất thấp, chỉ với hơn 1 triệu đồng, thêm khoản xã, phường cho thêm thì tổng chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng..., trong khi mức sống của người dân khá cao.
Ông cho hay công an xã bán chuyên trách xin nghỉ hàng loạt. “Rất nhiều đồng chí xin nghỉ, chúng tôi vẫn để đơn đó chưa giải quyết và đang cố gắng động viên” - ông Hải nói.
“Tôi đã từng làm trọng án nhiều năm tôi biết. Khi xuống địa bàn, trưởng, phó công an xã đều có mặt, trả lời vanh vách từng trường hợp con nhà ai, quan hệ với ai. Trong khi đó, công an chính quy thì chịu, vì toàn người nơi khác về. Nếu không có lực lượng này, chúng tôi sẽ thất bại trong việc đảm bảo an ninh trật tự cơ sở” - ông Hải nói.
“Không có lực lượng này rất khó khăn” Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho hay không phải có luật này rồi sinh ra lực lượng mới. Tuy nhiên, các lực lượng được điều chỉnh trong các văn bản khác nhau, có cái chưa thành luật nên giờ phải khái quát lại thành luật. Ông nhấn mạnh đây là lực lượng rất quan trọng, huy động sức mạnh nhân dân, là nòng cốt của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. “Không có lực lượng này rất khó khăn” - ông Tô Lâm nói và lưu ý đây là “đặc trưng rất lớn của Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam”. Về vấn đề điều kiện cơ sở vật chất, ông Tô Lâm cho rằng “phải dựa vào địa phương”, do ngân sách địa phương quyết định. Tuy nhiên, nếu quy định vào luật sẽ là cản trở, bởi những địa phương thuận lợi thì thực hiện không có vấn đề gì nhưng ở nơi khó khăn sẽ không triển khai được lực lượng này. “Phương châm của chúng tôi là dựa vào nhân dân, thậm chí còn ăn, ở nhờ nhà dân. Khi chúng ta chưa có chính quyền chúng ta còn làm được việc đó. Giờ chúng ta có chính quyền rồi, xuống (với dân) lại đòi hỏi phải có nhà ở, có trụ sở đàng hoàng mới xuống làm việc thì điều đó sai với đường lối chung của chúng ta” - ông Tô Lâm nói. Bộ trưởng Bộ Công an cho biết mong muốn là mỗi tổ, mỗi nơi có một trụ sở, mượn nhà dân, mượn trụ sở xã, nhà văn hóa của thôn là chủ yếu, để lực lượng này triển khai hoạt động. |