Đại biểu Lê Thanh Vân phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: quochoi.vn
Theo các đại biểu, chính quyền đô thị tại TP.HCM sẽ giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của TP đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Đề nghị tăng lượng và chất đại biểu chuyên trách
Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cho rằng có thể tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM mà không cần thí điểm.
Tuy nhiên theo bà Vang, yêu cầu đặt ra là cơ quan dân cử TP phải đủ năng lực tiếp nhận và phản ánh tâm tư nguyện vọng của người dân ở quận, phường. Vì thế, bà Vang kiến nghị tăng số lượng, chất lượng đại biểu hoạt động chuyên trách.
Trong đó có đại biểu không giữ chức vụ mà chỉ hoạt động chuyên trách tại các ban của HĐND. Ngoài ra cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tăng tần suất tiếp xúc cử tri và lập những kênh thông tin để cử tri tương tác với đại biểu.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đề nghị Quốc hội tăng số đại biểu HĐND TP chuyên trách lên 19 người, gồm 1 chủ tịch, 2 phó chủ tịch và các đại biểu chuyên trách còn lại ở các ban.
Như vậy đủ quyền đại diện ít nhất một đơn vị hành chính ở TP có một đại biểu chuyên trách theo dõi. "Nếu không được như vậy, Quốc hội cố gắng cho TP.HCM giữ như số đại biểu chuyên trách hiện nay là 16 nhưng tôi nghĩ 19 sẽ tốt hơn" - đại biểu Quyết Tâm chia sẻ.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng khi chỉ còn là UBND cấp quận, cấp phường và quyền lực sẽ tập trung ở chủ tịch UBND hai cấp này.
Do đó, ông đề nghị TP phải chọn được những người đứng đầu thực sự có đủ năng lực, tài đức và đảm bảo tránh được những hạn chế như là độc đoán, chuyên quyền.
Ngoài ra, xây dựng cơ chế lắng nghe, tiếp thu, giải quyết tâm tư, nguyện vọng, giải quyết những khiếu nại, tố cáo của nhân dân; có cơ chế giám sát hoạt động của chính quyền cấp quận, huyện hiệu quả.
Quy định cụ thể trách nhiệm giám sát
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) còn băn khoăn về phương thức thực hiện quyền đại diện cho quyền dân chủ của nhân dân ở hai cấp không có HĐND.
Theo ông, cần phải quy phạm hóa một số giải pháp đảm bảo pháp lý về nghĩa vụ, quyền hạn của chính quyền cũng như trách nhiệm, quyền hạn của cử tri.
Theo đó, quy định trách nhiệm giải trình của chính quyền TP, quận và phường theo định kỳ đối với những nơi không có HĐND; định kỳ tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền từng cấp với nhân dân; tăng cường hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu và đại biểu Quốc hội TP.
Mặt khác, tăng cường thời lượng, số lượng tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND TP và tăng cường số lượng đại biểu chuyên trách.
Một cụm phường nên có một đại diện chuyên trách và sau này nếu có điều kiện tổng kết thực tiễn, thậm chí có thể có một văn phòng của đại biểu HĐND TP, văn phòng không chuyên trách để thu thập ý kiến cử tri phản ảnh với chính quyền thường xuyên.
Đồng thời, có hình thức phù hợp để trưng cầu ý dân và xin ý kiến nhân dân khi có chính sách tác động rộng liên quan đến địa giới hành chính phường, quận, nhất là thu hồi đất đai.
"Thực hiện được những giải pháp trên bằng các quy phạm cụ thể mới bảo đảm được quyền dân chủ của nhân dân thông qua chính quyền và người đại diện của mình" - đại biểu Vân nhấn mạnh.
Trao đổi tại buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết qua thảo luận phần lớn các đại biểu đề nghị tăng số lượng chuyên trách, cơ quan trình mong muốn Quốc hội ủng hộ phương án tăng đại biểu chuyên trách cho TP.HCM.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng thống nhất với ý kiến của đại biểu Lê Thanh Vân và cho biết sắp tới, Bộ Nội vụ trình Quốc hội Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Khi đó sẽ quy định cụ thể hơn việc những nơi không có HĐND sẽ thực hiện tăng cường dân chủ trực tiếp.
Năm 2021: vay 608.500 tỉ đồng, chưa điều chỉnh tăng lương
Chiều 12-11, các đại biểu Quốc hội thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 với 92,53% phiếu tán thành.
Theo đó, tổng thu ngân sách nhà nước là 1,3 triệu tỉ đồng, chi ngân sách là 1,68 triệu tỉ đồng. Như vậy bội chi ngân sách nhà nước là 343.600 tỉ đồng. Đồng thời phê duyệt tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 608.500 tỉ đồng.
Trong năm 2021 cũng chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, chuẩn nghèo. Quốc hội giao các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về tạo nguồn cải cách tiền lương.
Trong phân bổ ngân sách địa phương, ưu tiên bố trí kinh phí triển khai nghị quyết số 120 về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Dành tối thiểu 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng; ưu tiên bố trí kinh phí cho y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo...N.AN
TTO - Hầu hết đại biểu Quốc hội phát biểu đồng tình với tờ trình của Chính phủ về việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM và đóng góp thêm nhiều giải pháp để việc tổ chức thực hiện hiệu quả hơn.