Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Ảnh: Quochoi.vn
Sáng nay (13-11), Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận nội dung của dự luật. "Việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được áp dụng ngay lần đầu người đó sử dụng trái phép chất ma túy, mục đích là ngăn chặn không để họ tiếp tục sử dụng, góp phần làm giảm người nghiện ma túy" - đây là mục đích của dự luật được thể hiện ngay trong tờ trình của Chính phủ.
Việc coi người nghiện như "người bệnh", áp dụng các biện pháp "mềm" và thủ tục cai nghiện bắt buộc phức tạp, khó thực hiện đã không giúp giảm số lượng người nghiện ở nước ta.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), trung bình trong 5 năm gần đây, cả nước phát hiện khoảng 20.000 vụ với trên 30.000 người vi phạm pháp luật về ma túy, khối lượng chất ma túy thu giữ tính bằng tấn. Tội phạm ma túy trong và ngoài nước cấu kết với nhau, hình thành các đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Tệ nạn ma túy đã để lại nhiều hậu quả nặng nề, đau lòng cho xã hội và gia đình.
Từ thực tế đó, ông Phương đồng tình với mục đích sửa đổi luật lần này. Ông cho rằng chính sách nhà nước và trách nhiệm xã hội trong phòng chống ma túy cần phải thể hiện rõ trong luật. Mỗi gia đình phải có trách nhiệm khi có con, cháu nghiện ma túy, phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống ma túy, đặc biệt là phối hợp với cơ quan chức năng để cai nghiện cho con, em.
"Gia đình là nơi phải chịu đựng những hậu quả do con nghiện gây ra, đã có những trường hợp con cái nghiện hành hung, thậm chí giết cả cha mẹ. Không nên quy định độ tuổi, thời gian cai nghiện, bởi vì con nghiện không có độ tuổi và cai nghiện không có thời gian cụ thể" - đại biểu Phương bày tỏ.
Đồng thời, ông tán thành quy định về xã hội hóa công tác cai nghiện, trong đó phát triển các trung tâm cai nghiện tư nhân, Nhà nước tạo điều kiện bằng chính sách ưu đãi đất đai và hỗ trợ các chính sách khác để tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này.
Đồng tình với quan điểm của ông Phương, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng "đề nghị không quy định thời gian mà phải quy định buộc đi cai nghiện cho đến khi không còn nghiện nữa thì mới cho tái hòa nhập cộng đồng".
"Việc quản lý các đối tượng sau cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là rất cần thiết, bởi tỉ lệ tái nghiện khá lớn nên phải quy định trách nhiệm của gia đình, chính quyền địa phương’ - ông Hòa nói.
Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) băn khoăn về quy định gia đình, người thân có trách nhiệm báo với chính quyền khi phát hiện người nghiện sử dụng ma túy. Bởi trong thực tế nhiều gia đình hiếm khi chủ động khai báo vì họ thường có tâm lý "tốt khoe xấu che", thương xót con cái nên không khai báo. Vì vậy, nếu luật chỉ quy định trách nhiệm mà thiếu chế tài thì rất khó phát huy tác dụng.
Theo dự thảo luật, thời hạn quản lý được đề xuất là 1 năm đối với người sử dụng trái phép chất ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên; 6 tháng đối với người dưới 18 tuổi, kể từ ngày xác định được hành vi sử dụng trái phép chất ma túy gần nhất của người đó.
Dự luật cũng quy định cụ thể các trường hợp áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên. Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc trường hợp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì thẩm quyền quyết định do TAND cấp huyện, trên cơ sở tham khảo ý kiến của cơ quan bảo vệ trẻ em cùng cấp và không coi là việc xử lý vi phạm hành chính.
TTO - Đó là vấn đề được các đại biểu bàn luận sôi nổi nhất trong buổi hội thảo góp ý dự án Luật phòng chống ma túy (sửa đổi) diễn ra chiều 16-9.