Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 - Ảnh: TTXVN
ASEAN thời gian qua đã tự cường, tỉnh táo và kiên định tiếp cận cân bằng và hài hòa, giữ vững vai trò trung tâm, không bị chao đảo, cuốn vào các dòng xoáy biến động thế giới và khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên toàn thể cấp cao ASEAN 37 sáng 12-11.
Phát biểu tại phiên toàn thể ASEAN 37 ngày 12-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của hội nghị lần này, xác định đây là dịp để ASEAN hoàn tất toàn bộ những chương trình, sáng kiến đã triển khai từ đầu năm tới nay, đồng thời đưa ra phương hướng hợp tác thời gian tới.
Trọng tâm COVID-19
2020 là năm khu vực và thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19. Vì vậy không ngạc nhiên khi đa số các vấn đề thảo luận, rà soát về ASEAN và đối tác đều xoay quanh đại dịch.
Về hỗ trợ trực tiếp trong vấn đề y tế và tài chính đối với COVID-19, các lãnh đạo ASEAN đã thông qua khung phục hồi tổng thể của ASEAN cùng kế hoạch triển khai, trong đó có khung chiến lược ASEAN về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp.
Ngoài ra, ASEAN cũng chính thức công bố lập kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, đồng thời thúc đẩy vận hành quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 nhằm hỗ trợ nhu cầu chống dịch của khu vực. Các lãnh đạo cũng nhất trí kế hoạch lập Trung tâm khu vực ASEAN về ứng phó dịch bệnh và các tình huống y tế khẩn cấp.
Về khôi phục đi lại giữa các nước, ASEAN cũng thông qua Tuyên bố ASEAN về khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN.
Điểm nhấn đáng chú ý của ASEAN 37 lần này nằm ở các thảo luận tập trung vào việc khôi phục kinh tế, vốn bị tàn phá vì đại dịch. Cụ thể các nước kỳ vọng Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đóng vai trò giải pháp quan trọng cho tiến trình này. Các lãnh đạo ASEAN vừa qua đề nghị sớm ký kết và đưa vào thực thi hiệp định, đóng góp vào củng cố và cải tiến hệ thống thương mại đa phương công bằng và dựa trên luật lệ.
Nhận xét về ý nghĩa của RCEP với ASEAN, bà Alicia Garcia Herrero, kinh tế trưởng phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng đầu tư Natixis (trụ sở ở Paris, Pháp), khẳng định RCEP sẽ thúc đẩy dòng chảy hàng hóa và dịch vụ ở mức giá rẻ hơn cho các nước tham gia, dù cũng tiềm ẩn khả năng thâm hụt và tác động tiêu cực lên thị trường nội địa của một số bên tham gia, ví dụ Ấn Độ. Bà cho rằng RCEP xuất hiện "đúng thời điểm" và có ý nghĩa tiếp thêm sinh lực cho sự khôi phục của chủ nghĩa đa phương.
ASEAN giữa cạnh tranh nước lớn
Chiến lược của ASEAN trong giai đoạn tới cũng chịu ảnh hưởng lớn từ cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt giữa các nước lớn, điển hình là căng thẳng Mỹ - Trung. Năm 2020 cũng là thời điểm chính sách của ASEAN có thêm nhiều điểm để cân nhắc, điều chỉnh, với việc Nhật Bản có thủ tướng mới, trong khi cuộc bầu cử Mỹ hiện nay cho thấy ông Joe Biden được dự đoán sớm làm ông chủ Nhà Trắng, thay thế đương kim Tổng thống Donald Trump.
Về mặt kinh tế, những diễn biến trên càng đòi hỏi ASEAN phát huy vai trò trung tâm cũng như khả năng phát triển kinh tế, kết nối trong chuỗi cung ứng. Đây vốn được xem là một thế mạnh của ASEAN, khi giới quan sát cho rằng khu vực có nền kinh tế sôi động bậc nhất thế giới này đang thu hút dòng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Steven Okun, cố vấn cấp cao của Công ty tư vấn chiến lược quốc tế McLarty Associates, tác động kép của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và COVID-19 đã khiến doanh nghiệp nhận thấy sự đa dạng hóa và khả năng phục hồi của nền kinh tế phải cùng lúc được chú trọng trong chuỗi cung ứng của họ. Chuyên gia này khẳng định kể cả trong trường hợp ông Biden trở thành tổng thống Mỹ, xu hướng này cũng khó thay đổi.
"Các nước ASEAN, dựa trên năng lực mỗi thành viên, sẽ tiếp tục có cơ hội thu hút những công ty đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, bớt lệ thuộc vào Trung Quốc dưới thời ông Biden (nếu chính thức đắc cử). Ngoài ra, nếu ASEAN có thể hội nhập vào dòng chảy thương mại điện tử và dữ liệu xuyên biên giới, các công ty sẽ tìm cách tăng cường khả năng duy trì chuỗi cung ứng của họ thông qua việc xây dựng các cơ sở trên nhiều nước, và khi ấy cả khu vực sẽ cùng hưởng lợi", ông Okun nói.
Một ASEAN thịnh vượng hơn là tiền đề cho việc phát huy tính trung lập, trung tâm trong các vấn đề và cấu trúc an ninh khu vực, đặc biệt là Biển Đông, vốn được Việt Nam đưa ra tại hầu hết mọi phát biểu và cuộc họp của ASEAN 37 lần này.
Trong phát biểu hôm 12-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh lập trường nguyên tắc nhất quán và cam kết mạnh mẽ của ASEAN trong xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình và ổn định, an ninh và an toàn cho tự do lưu chuyển hàng hóa.
Về điều này, GS Julien Chaisse tại Trường luật thuộc Đại học Hong Kong cũng cho rằng các hiệp định như RCEP sẽ là đòn bẩy, mang lại vị thế cho ASEAN trong các khía cạnh khác, ngay cả khi bản thân thỏa thuận này chỉ tập trung vào thương mại. "Điều này có nghĩa rằng ASEAN sẽ thu được rất nhiều thứ từ RCEP, với tư thế hội nhập chính trị khu vực. Đây là một cột mốc thực sự trong lịch sử của ASEAN cũng như vai trò của ASEAN trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương", chuyên gia về vấn đề thương mại này nói với Tuổi Trẻ.
5 triệu USD
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 12-11 công bố việc Việt Nam đóng góp 100.000 USD vào quỹ ứng phó COVID-19, cam kết đóng góp thiết bị, vật tư y tế vào kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực với giá trị 5 triệu USD.
TTO - Trong các hội nghị cấp cao của ASEAN với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ ngày 12-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định lập trường của Việt Nam và ASEAN ở Biển Đông, nhấn mạnh giá trị luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
Xem thêm: mth.40584752221110202-91-divoc-hcid-iad-iul-yad-teyuq-naesa/nv.ertiout