Ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TP.HCM phát biểu tại hội nghị
Hội nghị đã tổng kết việc thực hiện các nội dung của dự án tại các trường tiểu học bán trú tại TP.HCM trong năm học 2019 - 2020 vừa qua.
Theo báo cáo, tính đến tháng 9-2020, 343 trường tiểu học bán trú trên tổng số 435 trường toàn thành (chiếm tỉ lệ 79%) đang áp dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng trong công tác bán trú và 347 trường (chiếm tỉ lệ 80%) đang sử sụng áp phích giáo dục dinh dưỡng "Ba phút thay đổi nhận thức" để hướng dẫn kiến thức dinh dưỡng về thực phẩm cho học sinh.
Dự án bữa ăn học đường do Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), Công ty Ajinomoto Việt Nam thực hiện và triển khai từ năm 2012, bao gồm các nội dung: Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, áp phích "Ba phút thay đổi nhận thức" và xây dựng "Bếp ăn mẫu bán trú" theo tiêu chuẩn Nhật Bản.
Sau 8 năm, dự án đã được triển khai tại hơn 4.000 trường tiểu học bán trú tại 62 tỉnh thành trên toàn quốc, mang đến bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho học sinh bán trú và giáo dục kiến thức dinh dưỡng về thực phẩm cho học sinh.
Chia sẻ về quá trình triển khai dự án, bà Nguyễn Thị Ngọc Hiền, hiệu phó trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Q.11, TP.HCM) cho biết: "Việc áp dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng đã hỗ trợ nhà trường tạo ra nguồn thực đơn chuẩn, phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu năng lượng và dinh dưỡng cho học sinh. Các thực đơn phù hợp với mức thu hiện nay cũng như nguồn nguyên liệu không cầu kỳ, dễ tìm và đáp ứng được nhu cầu chế biến của bếp ăn".
Bữa ăn học đường cân bằng dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ
Tuy nhiên, theo bà Hiền, các bậc phụ huynh vẫn chưa hiểu được những lợi ích của thực đơn cân bằng dinh dưỡng. Học sinh ăn theo sở thích và chưa quen với thực đơn đủ 4 nhóm dinh dưỡng cũng như các loại rau củ. Việc thay đổi nhận thức của các em về dinh dưỡng cần có thêm thời gian. Đây cũng là bài toán khó của nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố nói chung.
"Nhà trường đã xây dựng thực đơn, khẩu phần ăn phù hợp với từng độ tuổi. Các thực đơn thường xuyên thay đổi với cách chế biến đa dạng, phù hợp khẩu vị của học sinh. Các món ăn được chế biến và trang trí có màu sắc đẹp để kích thích các em ăn ngon, ăn hết suất" - hiệu phó trường Tiểu học Lê Đình Chinh chia sẻ thêm.
Bên cạnh phần mềm, hoạt động giáo dục dinh dưỡng cho các em học sinh thông qua áp phích "Ba phút thay đổi nhận thức" cần được chú trọng. Hiểu được các kiến thức dinh dưỡng sẽ giúp các em học sinh ăn nhiều hơn các loại rau, củ, quả.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hiền, hiệu phó trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Q.11, TP.HCM) chia sẻ quá trình triển khai dự án tại trường
Ngoài vấn đề dinh dưỡng, nhà trường cũng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền đến phụ huynh học sinh, tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ phía phụ huynh học sinh và nhà trường trong việc thực hiện dự án.
Bà Hiền cũng cho biết, sau một thời gian triển khai dự án, các em học sinh nhà trường đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức và quen dần với những bữa ăn có nhiều rau củ hơn trước đây.
Đánh giá cao những lợi ích mà dự án bữa ăn học đường mang đến cho công tác giáo dục, ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TP.HCM thúc đẩy các trường tiếp tục cố gắng áp dụng tốt hơn những nội dung của dự án, hướng đến tất cả các trường tiểu học bán trú toàn thành phố đều áp dụng những thực đơn cân bằng dinh dưỡng của dự án vào bữa ăn học đường của các em.
Từ kinh nghiệm được chia sẻ tại hội nghị, khó khăn của các trường chưa áp dụng thành công những nội dung của dự án đã phần nào được giải quyết. Với những lợi ích thiết thực mà dự án mang lại, Ban dự án hy vọng trong thời gian tới "Bữa ăn học đường" sẽ tiếp tục được triển khai sâu rộng hơn nữa tại TP.HCM cũng như các tỉnh thành khác trên toàn quốc, góp phần cải thiện và nâng cao tầm vóc cho thế hệ tương lai của Việt Nam.
Xem thêm: mth.50130409031110202-mchpt-iat-gnoud-coh-gnoud-hnid-gnoul-tahc-oac-gnan/nv.ertiout