Ngày 11-11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định 1777/QĐ - TTg về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành ( sân bay Long Thành ) giai đoạn 1.
Sân bay Long Thành được đầu tư xây dựng sân bay đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Phối cảnh sân bay Long Thành
Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 với 1 đường cất hạ cánh; 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Tổng mức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 là 109.111,742 tỉ đồng, tương đương 4.664,89 triệu USD (tỉ giá .390VND). Thời gian thực hiện Dự án là từ năm 2020 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.
Theo Quyết định, Dự án được phân chia thành 4 dự án thành phần bao gồm: Các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước; các công trình phục vụ quản lý bay; các công trình thiết yếu trong cảng hàng không; các công trình khác.
Trong đó, các công trình thiết yếu trong cảng hàng không do nhà đầu tư khai thác cảng thực hiện được giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn của ACV.
Các công trình này bao gồm: Hạ tầng chung (rà phá bom mìn, san lấp và chuẩn bị mặt bằng, xây dựng hàng rào, giao thông kết nối tuyến số 1, số 2 và các nút giao; đường và bãi đỗ ôtô, cầu, hầm, cấp điện, cấp thoát nước, chiếu sáng, viễn thông…); công trình tại khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn, đèn hiệu hàng không, hệ thống thiết bị ILS/DME…); sân đỗ máy bay; hệ thống cung cấp nhiên liệu máy bay; nhà ga hành khách; nhà ga hàng hoá số 1, nhà để xe, tòa nhà điều hành Cảng và các công trình phụ trợ khác.
Phối cảnh sân bay long thành
Trong đó, các hạng mục xây dựng chính của sân bay Long Thành bao gồm: Xây dựng đường cất hạ cánh có chiều dài 4.000 m, chiều rộng 75 m và hệ thống đường lăn, sân đỗ đảm bảo cho các loại máy bay hoạt động đáp ứng công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; xây dựng nhà ga hành khách có công suất thiết kế 25 triệu khách/năm, tổng diện tích sàn 373.000 m2.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư Dự án tổng thể, ACV sẽ triển khai các bước tiếp theo thực hiện quyết định đầu tư các dự án thành phần theo quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện và hiệu quả đầu tư.
Trước đó, Báo cáo thẩm định Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cùng dự thảo Quyết định đầu tư dự án đã được trình Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Hội đồng Thẩm định nhà nước đã kiến nghị một số nội dung đáng chú ý về chủ đầu tư các dự án thành phần.
Với Dự án thành phần 1: Các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước: Giao các cơ quan quản lý nhà nước liên quan (Hải quan, Công an, Công an cửa khẩu, Cảng vụ, Kiểm dịch y tế) bố trí nguồn vốn thực hiện đầu tư các công trình bảo đảm tiến độ. Trường hợp các cơ quan không có khả năng bố trí vốn, các cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP.
Với Dự án thành phần 2: Các công trình phục vụ quản lý bay: Chủ đầu tư là Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM)
Với Dự án thành phần 3: Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không do nhà đầu tư khai thác cảng thực hiện: Chủ đầu tư là ACV.
Với Dự án thành phần 4: Các công trình dịch vụ, các nhà đầu tư, chủ đầu tư do Bộ GTVT chủ trì lựa chọn.
Như vậy, đã có thay đổi về chủ đầu tư các dự án thành phần 1 và 3 so với đề xuất trước đó. Trước đó, Chính phủ đề xuất hạng mục 1 sẽ giao cho ACV đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại; hạng mục 4 giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.