Cuốn sách Chuyện những người An Nam ở Paris hay sự thật về Đông Dương vừa được phát hành tại Việt Nam.
Đây là một trong hai tác phẩm nổi bật nhất của Luật sư – Tiến sĩ Luật Phan Văn Trường. Cuốn hồi ký này đã từng được xuất bản nhiều kỳ trên tạp chí La Cloche Fêlée (Chuông rè hay Chuông nứt) từ số ra ngày 30-11-1925 đến số ra ngày 15-3-1926.
Luật sư – Tiến sĩ Luật Phan Văn Trường. Ảnh tư liệu
Năm 1928 tác phẩm được tổng hợp và xuất bản thành sách bởi nhà in Đông Pháp – Ng. kim-Dinh, Gia Định, sau đó được Nhà xuất bản L'insomniaque của Pháp in lại năm 2003.
Bản tiếng Việt này được dịch dựa trên bản in năm 1928 của nhà in Đông Pháp và cũng là cuốn sách tiếp theo trong Tủ sách Pháp ngữ – Góc nhìn sử Việt của OMEGA+.
Tác giả Phan Văn Trường (1876 – 1933) được coi là vị “tổ nghề”, tiến sĩ luật đầu tiên của Việt Nam. Ông là một trong những người tiên phong kết hợp nghề luật và nghề báo vào chung một con đường, đó là con đường cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông là Pháp luật lược luận, nhà in Xưa – Nay, Sài Gòn, 1926.
Trong tác phẩm Chuyện những người An Nam ở Paris hay sự thật về Đông Dương, Tiến sĩ Phan Văn Trường đã thuật lại tỉ mỉ câu chuyện về những trí thức Việt Nam từng bôn ba ở chính mẫu quốc Pháp để tìm tòi những đường hướng mới cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc những năm đầu thế kỷ XX.
Bạn đọc sẽ theo chân qua những tường thuật của Luật sư Phan Văn Trường, người chí sĩ đã sát cánh cùng nhiều nhân vật cách mạng như Phan Châu Trinh, Cường Để, Nguyễn Ái Quốc… và hoạt động đấu tranh qua báo chí. Qua đó người Việt ở thời hiện đại sẽ hiểu rõ hơn hành trạng của một số nhân vật lịch sử hồi đầu thế kỷ XX, cũng như phần nào thấu suốt được lý do vì sao công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc phải chuyển sang một giai đoạn mới.
Bìa cuốn sách.
Cuốn hồi ký của Luật sư – Tiến sĩ Luật Phan Văn Trường được coi là tài liệu gần gũi và chân thực nhất giúp độc giả yêu thích lịch sử tiếp cận với quan điểm cùng hoạt động đấu tranh giải phóng dân tộc của cha ông xưa.