Sau 10 năm, chỉ số VN-Index chỉ tăng gấp đôi, từ mức 485 điểm vào thời điểm cuối năm 2010 lên 966 điểm vào thời điểm hiện tại. Tuy vậy, quy mô của thị trường đã có sự lột xác đáng kể: tổng vốn hóa toàn thị trường đã tăng gấp 6 lần từ 591.000 tỷ lên gần 3,5 triệu tỷ đồng.
Mười năm trước, thị trường chịu ảnh hưởng rất lớn của nhóm cổ phiếu tài chính với 6 đại diện trong Top 10 doanh nghiệp lớn nhất gồm Tập đoàn Bảo Việt cùng 5 ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, ACB, Eximbank và Sacombank. Bốn cái tên còn lại gồm Masan Group, Vingroup, Vinamilk và Hoàng Anh Gia Lai.
Sau nhiều thăng trầm của thị trường cũng như hoạt động kinh doanh, chỉ một nửa trong số này vẫn duy trì được phong độ khi tiếp tục đứng trong Top10.
Trong đó, "dậy thì thành công" nhất là nhóm Vietcombank – Vingroup – Vinamilk khi liên tục duy trì vị thế là 3 trong 4 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất những năm gần đây. So với cuối năm 2010, hiện vốn hóa của Vingroup tăng gấp 10 lần từ 36.000 tỷ lên 362.000 tỷ đồng, trở thành doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường chứng khoán.
Vào năm 2010, Vingroup – khi đó vẫn mang tên gọi CTCP Vincom – mới chỉ sở hữu một số dự án bất động sản và trung tâm thương mại tại Hà Nội và Thành phố HCM cùng vài khu nghỉ dưỡng Vinpearl. Nhiều cái tên quan trọng trong hệ sinh thái hiện nay của Vingroup như VinHomes, Vinmec, Vinschool, VinID, VinFast hay Vinsmart vẫn còn chưa hình thành.
Ở chiều ngược lại, chắc chắn không ai ở thời điểm 10 năm trước có thể nghĩ về một tình cảnh "bi đát" mà HAGL đã trải qua. Giờ đây với thị giá chỉ còn hơn 4.500 đồng/cp tương ứng giá trị công ty đạt 4.200 tỷ đồng – giảm hơn 80% so với đỉnh cao.
Năm 2010 cũng là năm thành công nhất trong lịch sử của HAGL với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Khi đó, HAGL là một trong những công ty bất động sản hàng đầu với vốn hóa đạt 23.700 tỷ đồng và bầu Đức vẫn là 1 trong 2 người giàu nhất trên sàn chứng khoán.
Những năm tiếp theo, việc mở rộng sang hàng loạt những lĩnh vực mới như trồng cao su, cọ dầu, mía đường, thủy điện, chăn nuôi bò… phần lớn đều không thành công khiến cho HAGL ngày một sa sút và phải bán đi rất nhiều tài sản để tập trung tái cơ câu nợ.
Với Eximbank và Sacombank, những biến động lớn về cơ cấu sở hữu đã tác động nhất định đến hiệu quả kinh doanh cũng như tính hấp dẫn của cổ phiếu. Vào năm 2008, SMBC đã chi 225 triệu USD để mua 15% cổ phần, tương ứng định giá Eximbank ở mức 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên sau 12 năm, giá trị của Eximbank thậm chí vẫn chưa thể quay về mức 1 tỷ USD.
Trương Lương
Nhịp sống kinh tế