Song từ đầu năm 2020 đến nay, “bão” Covid-19 đã khiến nhiều rủi ro quay lại, đặt áp lực cho quá trình tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn mới. TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chia sẻ về vấn đề này.
PV: Dự thảo Báo cáo Tổng kết thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII chỉ rõ, giai đoạn 10 năm vừa qua, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn, bảo đảm ổn định, an toàn hệ thống. Theo ông, thành công lớn nhất của tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn vừa qua là gì?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Thành tựu nổi bật nhất của tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn vừa qua là sức khỏe, đặc biệt sức khỏe tài chính của toàn hệ thống đã có sự hồi phục mạnh mẽ, nợ xấu giảm mạnh, hệ số sinh lời tăng. Trong 5 năm qua, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của các ngân hàng từ mức 0,6% đã xấp xỉ 1%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) tăng từ 6% lên 12 - 14%. Nền tảng tài chính của các ngân hàng TMCP Việt Nam đã ngang bằng với mức trung bình của các ngân hàng thương mại ở khu vực Đông Nam Á.
Vốn tự có của các ngân hàng đã có những bước tiến dài. Chỉ riêng 5 năm gần đây, vốn tự có của các ngân hàng đã tăng xấp xỉ 40%, đảm bảo được các chỉ tiêu an toàn tài chính (nhất là hệ số an toàn vốn - CAR). Việc tăng vốn của ngân hàng thương mại cũng linh hoạt hơn trước, không chỉ tăng vốn cấp 1, mà còn tăng vốn cấp 2 theo thông lệ quốc tế. Một số ngân hàng, ngoài tăng vốn, còn tăng cả đệm tài chính lên mức 1 - 2% vốn tự có. Nhờ đó, một số ngân hàng đã đạt tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel.
Các ngân hàng thương mại có bước tiến lớn về quản trị rủi ro. Nhiều ngân hàng đã đáp ứng được tiêu chuẩn của Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Tính minh bạch quản trị được cải thiện theo hướng tăng trách nhiệm của ban điều hành, giảm can thiệp của chủ sở hữu. Hầu hết các ngân hàng thương mại đã có sự ổn định về quản trị...
PV: Theo ông, đã có thể yên tâm về nợ xấu và sở hữu chéo, đầu tư chéo chưa?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Nợ xấu và chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề đáng lo. Nỗi lo này càng tăng lên do tác động của Covid-19. Dù nợ xấu theo con số chính thức được công bố không tăng quá mạnh, song nhìn vào con số dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đang được giãn, hoãn, nhìn vào số doanh nghiệp công bố phá sản và giá trị tài sản đảm bảo đang giảm mạnh, có thể thấy, khó khăn trung hạn của hệ thống ngân hàng là rất lớn, đặc biệt là nguy cơ nợ xấu.
Về quản trị, có thể thấy, tình trạng cho vay với “người có liên quan” vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhất là vào những thời điểm thị trường bất động sản phục hồi như thời gian qua (thị trường càng phục hồi thì ngân hàng càng cho vay người liên quan nhiều).
Hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có quy định về hạn mức tín dụng với người liên quan, song với các công ty con, công ty cháu, chắt không đứng tên ông chủ, việc NHNN quản lý hạn mức tín dụng là rất khó. Nói cách khác, nợ xấu từ ông chủ cũ và ông chủ mới trong hệ thống ngân hàng còn khá lớn. Mặc dù con số chính thức không thể hiện ra, song đây là tồn tại hiện hữu từ rất lâu đời, tái cơ cấu giai đoạn tới không thể làm ngơ. Việc cho vay với những người liên quan - còn gọi là cho vay sân sau - cần phải tiếp tục được siết chặt.
PV: NHNN đang xây dựng Đề án Tái cơ cấu tổ chức tín dụng giai đoạn tới. Theo ông, đâu là điểm nhấn cần chú ý trong đề án này?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Trọng tâm tái cơ cấu tổ chức tín dụng giai đoạn tới là phải tập trung giải quyết nợ xấu do Covid-19 gây ra. Bên cạnh đó, quan tâm mở “room” tín dụng kịp thời cho các ngân hàng đảm bảo điều kiện, vừa để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, vừa để các ngân hàng có thêm lợi nhuận, thêm nguồn lực xử lý nợ xấu.
Liên quan đến xử lý nợ xấu, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm nợ xấu đang gặp một số vướng mắc và cũng chỉ còn hơn 1 năm nữa là hết hiệu lực. Vì vậy, cần sớm sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng để các ngân hàng có cơ sở pháp lý đủ mạnh để xử lý nợ xấu lâu dài.
Ngoài ra, cần cân nhắc đến vấn đề xóa nợ xấu. Covid-19 là cuộc khủng hoảng lớn, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế toàn cầu. Nhiều quốc gia khi gặp khủng hoảng đã chấp nhận xóa nợ với doanh nghiệp thực sự không còn khả năng trả nợ. Việc xóa nợ sẽ giúp các doanh nghiệp này có động lực làm lại từ đầu, từng bước phục hồi, tái cấu trúc doanh nghiệp… Nếu doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ mà bị “đóng dấu” nợ xấu, thì sẽ mãi không thể phục hồi, ngân hàng cũng bị nợ xấu đeo đẳng, không thể làm sạch bảng cân đối tài sản.
PV: Vậy còn tình trạng cho vay người liên quan, như ông nói là vẫn còn nhức nhối, thì cần phải giải quyết ra sao?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Muốn tạo được sự đột phá về quản trị, cần xây dựng hệ thống quản trị chuyên nghiệp, đào tạo bài bản, có sự tách rời rõ ràng giữa ban điều hành. Theo đó, phải minh bạch hoá các chuẩn mực về quản trị (chuẩn mực về giám sát của hội đồng quản trị với ban điều hành, về tính độc lập của ban điều hành và về quản trị rủi ro khác).
Trong tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn tới, theo tôi, NHNN nên hướng về quan điểm tái cấu trúc: chất lượng tài sản là quan trọng nhất, chứ không phải mở rộng quy mô.
Những ngân hàng quá lớn, khi đổ bể, hệ lụy vô cùng đáng sợ. Vì vậy, nhiều quốc gia nhắm tới xu hướng phát triển các ngân hàng nhỏ, nhưng chất lượng tốt, phát triển các ngân hàng gắn với hoạt động cho vay dân chúng, cho vay doanh nghiệp, chứ không phải các ngân hàng thiên về đầu tư.
Tôi cho rằng, Việt Nam cũng như vậy, cần tập trung giải quyết rốt ráo các ngân hàng yếu kém, củng cố chất lượng các ngân hàng nhỏ và vừa trên tinh thần nâng cao chất lượng tài sản, không quá chú trọng quy mô.
Xem thêm: lmth.7630443825061-uax-on-teyuq-iaig-gnurt-pat-irt-nauq-hcab-hnim/nv.semitaer