Án nước ngoài:
Phát hiện động trời về vị khách có dáng đi "lạ" ở sân bay
Tờ New York Post ngày 16/10 đưa tin vụ việc xảy ra tại sân bay Kannur, bang Kerala. Hành khách trên vừa hạ cánh từ Dubai trên chuyến bay của hãng GoAir thì các nhân viên sân bay phát hiện anh ta có dáng đi bất thường.
Qua kiểm tra, họ phát hiện người này giấu 972gr vàng được dát mỏng vào trực tràng để tránh bị đánh thuế 18%. Các quan chức tại Đơn vị Tình báo Hàng không đã tịch thu số vàng của người này.
Ngoài ra, họ còn phát hiện 1 hành khách khác trên cùng chuyến bay mang theo 1,47 kg vàng. Tuy nhiên, các quan chức sân bay không tiết lộ cách thức người này giấu vàng.
Hôm sau, hải quan sân bay lại tịch thu thêm 386gr vàng từ 1 hành khách hạ cánh tại Calicut trên chuyến bay của hãng Air Arabia đi từ TP Sharjah - Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Được biết, số vàng trên được giấu trong quần lót của vị khách.
Luật ta: Căn cứ lượng hình là giá trị hàng hóa phạm pháp
Buôn lậu được hiểu một cách đơn giản nhất là việc đưa hàng hóa vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam vượt qua biên giới, không thông qua con đường chính ngạch là nhập khẩu qua các cửa khẩu hải quan theo đúng quy định của pháp luật.
Tội Buôn lậu được quy định tại Điều 188, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Về khách thể, hành vi buôn lậu xâm phạm đến hoạt động quản lý kinh tế nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu. Ở đây, người phạm tội thực hiện các hành vi với lỗi cố ý.
Bất kỳ người nào có đủ năng lực hành vi và bao gồm cả pháp nhân thương mại đều có thể là chủ thể của tội danh này.
Về hành vi: Người phạm tội phải có hành vi buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý
Cụm từ "trái pháp luật" được hiểu là mua hoặc bán không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép xuất, nhập khẩu và các quy định khác của Nhà nước về hải quan (ví dụ: Giấy phép nhập khẩu là máy móc, thiết bị dùng cho sản xuất nông nghiệp nhưng thực tế lại mua bán máy móc sử dụng cho tiêu dùng như tủ lạn, xe gắn máy, ti vi…). Trường hợp kinh doanh xuất nhập khẩu đúng giấy phép nhưng khai không đúng số lượng; Thủ đoạn được thể hiện qua việc khai báo gian dối (nhiều hay ít, mặt hàng này lại khai là mặt hàng khác..), giả mạo giấy tờ, giấu giếm hàng, tiền… hoặc đi vòng tránh khỏi khu vực cửa khẩu để trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền.
Thời điểm hoàn thành tội phạm này tính từ thời điểm đưa vật phạm pháp qua biên giới một cách trái phép vào Việt Nam.
Căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự của tội Buôn lậu là giá trị hàng hóa phạm pháp. Đối với hàng hoá, tiền tệ Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý phải có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
Trường hợp dưới 100 triệu đồng nhưng đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi buôn lậu thì cũng có thể bị xử lý.
Trong vụ việc trên, cơ quan chức năng phát hiện 3 đối tượng đã có hành vi giấu vàng trái phép. Ngoài việc bị tịch thu số vàng đã vận chuyển trái phép, chiếu theo pháp luật hình sự Việt Nam, những người này còn có nguy cơ đối mặt với tội danh Buôn lậu. Để có căn cứ xử lý, cơ quan chức năng phải trưng cầu giám định số vàng họ mang theo trị giá bao nhiêu. Nếu số vàng đó trị giá từ 100 triệu đồng trở lên, họ chắn chắn sẽ bị xử lý hình sự. Nếu dưới 100 triệu đồng nhưng đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi buôn lậu thì họ cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về khung hình phạt của tội Buôn lậu, đối với cá nhân có 04 khung với hình phạt cao nhất là tử hình và 1 khung hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Pháp nhân vi phạm tội danh này cũng sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 6 Điều 188 với các mức phạt tiền khác nhau tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi đã thực hiện.
Để tránh rơi vào trường hợp tương tự, khi xuất nhập cảnh vào Việt Nam, mọi người phải lưu ý tìm hiểu các quy định liên quan đến việc mang theo ngoại tệ hoặc kim loại quý, đá quý.
Theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 11/2014/TT-NHNN, cá nhân Việt Nam và người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu không được mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu. Nếu mang thì phải làm thủ tục gửi tại kho hải quan hoặc làm thủ tục chuyển ra nước ngoài và phải chịu mọi chi phí liên quan phát sinh.
Nếu mang theo vàng trang sức, vàng mỹ nghệ (nhẫn, dây chuyền, vòng, hoa tai...) có tổng khối lượng từ 300 gram trở lên, người làm thủ tục xuất, nhập cảnh phải khai báo với cơ quan hải quan.
Trường hợp cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng giấy thông hành biên giới, giấy thông hành nhập xuất cảnh, chứng minh thư biên giới thì được đeo trên người vàng trang sức, mỹ nghệ với khối lượng từ 300gram trở lên và cũng phải khai báo với cơ quan hải quan.
Với cá nhân nước ngoài định cư ở Việt Nam, khi nhập cảnh mang theo vàng (miếng, trang sức) có tổng khối lượng từ 300 gram trở lên phải khai báo với cơ quan hải quan. Trường hợp cá nhân Việt Nam định cư ở nước ngoài, khi xuất cảnh được mang theo vàng có tổng khối lượng từ 300 gram đến dưới 1kg nhưng cũng phải khai báo với hải quan.
Tổng khối lượng vàng cá nhân mang theo từ 1kg trở lên bắt buộc phải có giấy phép mang vàng khi xuất cảnh định cư ở nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi cá nhân đó cư trú cấp; đồng thời phải khai báo với cơ quan hải quan.
Nghị định 45/2016/NĐ-CP quy định, người xuất cảnh không khai hoặc khai sai số vàng, ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam vượt mức quy định sẽ bị phạt tiền tùy theo giá trị của vật vi phạm.
Tương tự, người nhập cảnh không khai hoặc khai sai số vàng, ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam vượt mức quy định cũng sẽ bị xử phạt hành chính.
Nếu số vàng đã khai nhiều hơn số lượng thực tế mang theo, người vi phạm có thể bị phạt từ 5 đến 25 triệu đồng.
Ánh Dương