Những quyết định gây bất ngờ từ giới chức Trung Quốc
Hôm thứ ba (10/11) vừa qua đánh dấu bước ngoặt, khi lần đầu tiên quy định chống độc quyền, bảo vệ cạnh tranh của Trung Quốc được sửa đổi, nhằm đề cập trực tiếp đến các công ty trong lĩnh vực Internet.
Quy định sửa đổi, mà theo nguồn tin của Thời báo phố Wall là do đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ đạo, đã buộc Ant Group – công ty "anh em" do Alibaba nắm 1/3 cổ phần phải hoãn vụ IPO kỷ lục thế giới trị giá hơn 34 tỷ USD, dội gáo nước lạnh lên tham vọng vươn ra toàn cầu của tập đoàn này. Giới chuyên gia cho rằng giá trị định giá của Ant có thể mất tới hơn một nửa, chỉ còn khoảng 150 tỷ USD nếu vụ IPO có thể tiến hành trở lại.
Sự kiện này đã đẩy cổ phiếu Alibaba chạm mức thấp nhất kể từ tháng 8, và là cú sốc thứ 2 với tập đoàn thương mại điện tử này, chỉ một tuần sau khi các cơ quan quản lý tài chính siết chặt quy định về tín dụng tiêu dùng.
Vậy nội dung sửa đổi là gì và tác động như thế nào?
Trong dự thảo được Cơ quan Quản lý thị trường Nhà nước (SAMR) đưa ra, một loạt các hành vi sẽ bị cấm đối với các nền tảng Internet, như như lợi dụng dữ liệu cá nhân của người dùng, thiết lập liên minh chèn ép các đối thủ nhỏ, hay buộc đối tác bán hàng phải ký hợp đồng độc quyền với mình.
Quy định này còn hạn chế VIE, một cấu trúc liên doanh đang được nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng để dễ dàng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Những công ty vi phạm các quy định trên sẽ phải chịu án phạt nặng, hay thậm chí đối mặt nguy cơ bị buộc phải chia tách công ty, chuyển giao các tài sản hoặc công nghệ của mình.
Cổ phiếu nhiều ông lớn công nghệ lao dốc trên sàn Hong Kong (Trung Quốc) sau dự thảo quy định mới (Nguồn: Reuters)
Dù vẫn đang là dự thảo và sẽ còn lấy ý kiến công chúng cho tới ngày 30/11, quy định mới đã nhanh chóng gây ra cú sốc với thị trường tài chính. Trên sàn chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc), cổ phiếu 1 loạt ông lớn công nghệ lao dốc 2 phiên liên tiếp. Alibaba & Tencent – 2 ông lớn Internet hàng đầu của quốc gia 1,4 tỷ dân, sụt giảm lần lượt 5 và 4% ngay sau khi các tin tức được công bố.
Các tên tuổi khác như JD.com, Xiaomi hay dịch vụ giao đồ ăn Meituan cũng đi xuống từ 5-11%. Tính tổng cộng, vốn hóa của các tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc trên sàn đã bị thổi bay hơn 280 tỷ USD do áp lực bán tháo sau quyết định trên.
Ant Group bất ngờ phải hoãn thương vụ IPO lớn nhất thế giới (Nguồn: CNBC)
Kiểm soát doanh nghiệp công nghệ - mối quan tâm mới của Trung Quốc
Ông Scott Yu, chuyên gia về luật chống độc quyền thuộc hãng luật Zhonglu bình luận: "Những quy định này là sự kết thúc của một kỷ nguyên, và nó sẽ mang đến thay đổi bước ngoặt cho nền tảng cạnh tranh trên thị trường Internet Trung Quốc".
Trước đó, giới chức Trung Quốc hầu như ít can thiệp lĩnh vực Internet và công nghệ nói chung, cho phép các ông lớn công nghệ chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế và xã hội nước này.
Các nền tảng Internet ngày càng đóng vai trò lớn trong nền kinh tế và đời sống tại Trung Quốc (Nguồn: CNBC)
Chẳng hạn, Alibaba hiện chiếm tới hơn 1/5 tổng doanh thu bán lẻ trên toàn Trung Quốc, trong khi Amazon chỉ có thể chiếm gần 5% con số tương tự tại thị trường Mỹ; Tencent hiện có 1 tỷ người dùng "siêu ứng dụng" WeChat, với đầy đủ các tính năng như chuyển tiền, đặt vé máy bay hay mua sắm online; hay Alipay hiện đã có tới hơn 700 triệu người dùng thường xuyên.
Theo giới chuyên gia, Trung Quốc cũng đang gặp cơn đau đầu giống như các nền kinh tế lớn như EU và Mỹ: cân bằng giữa tham vọng về công nghệ với việc "ghìm cương" những tên tuổi đang có quá nhiều ảnh hưởng. Và bởi vậy, các quy định mới có thể là lời tuyên bố rằng, họ đã sẵn sàng gia nhập xu thế kiểm soát quyền lực giới công nghệ trên toàn cầu.
Bà Kendra Schaefer từ hãng tư vấn Trivium China bình luận: "Giống như Washington, Bắc Kinh có một mối quan hệ phức tạp với các tên tuổi công nghệ trong nước. Một mặt, đây là biểu tượng cho công cuộc hiện đại hóa và sức cạnh tranh toàn cầu của nước này. Nhưng mặt khác, họ cũng rất khó khăn để đảm bảo các công ty trên đi đúng theo định hướng nền kinh tế".
Không chỉ Trung Quốc, giới chức Mỹ cũng đang đau đầu với bài toán siết chặt quản lý các hãng công nghệ (Nguồn: FT)
Ông Brian Bandsma từ quỹ đầu tư Vontobel Quality Growth lại có góc nhìn khác: "Ngay cả các nước có luật chống độc quyền lâu đời như Mỹ cũng gặp khó với giới công nghệ, bởi hoạt động của chúng vượt qua các định nghĩa pháp lý truyền thống. Đây cũng sẽ là bài toán cần giải đáp với Trung Quốc"
Thực tế, Trung Quốc cũng đã từng vài lần siết chặt quy định với thị trường công nghệ, nhưng vẫn là khá hiếm gặp. Theo giới chuyên gia, các doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực thích nghi, khi mà tới đây các động thái can thiệp sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Theo thông báo của Quốc vụ viện Trung Quốc, nước này dự kiến sẽ đưa ra quy định sửa đổi về giao dịch trên Internet vào tháng 6 năm sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.12525602041110202-ehgn-gnoc-ioig-yl-nauq-gnouc-gnat-naot-iab-av-couq-gnurt/ioig-eht/nv.vtv