Nhu cầu mua bán qua mạng tăng cao kể từ khi xuất hiện dịch COVID-19 nên nhiều doanh nghiệp nông sản, thực phẩm thiết yếu dự tính sẽ duy trì và đẩy mạnh phương thức bán hàng này trong dịp tết Tân Sửu.
Đưa đồ tươi sống lên kênh online
Trứng gia cầm tươi là mặt hàng khó vận chuyển, nhưng theo ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt - bên cạnh bán hàng qua trang web, Facebook, công ty còn bán hàng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Lazada, Sendo, Alibaba... với doanh số khả quan.
Ông hy vọng, mùa cao điểm mua sắm tết sắp tới, kênh bán hàng online sẽ giúp công ty tiếp cận người tiêu dùng nhanh hơn. Tổng lượng trứng gia cầm mà Vĩnh Thành Đạt dự định cung ứng cho thị trường sẽ tăng từ 700.000 trứng/ngày lên 1 triệu trứng/ngày trong một tháng trước tết và tăng lên 2 triệu trứng/ngày trong một tuần cận tết.
Không ít người tiêu dùng giảm mua hàng trực tiếp khiến các doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng online |
Tương tự, sau khi đưa hơn 300 sản phẩm thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, gia vị lên các sàn TMĐT Sendo, Tiki và ứng dụng trực tuyến Now, mới đây, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) tiếp tục mở thêm gian hàng trực tuyến trên ứng dụng Lomart. Theo kế hoạch, đơn vị này sẽ tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa kênh bán hàng trực tuyến thông qua website.
Ông Nguyễn Đăng Phú - Phó tổng giám đốc VISSAN - cho biết sau các đợt bùng phát dịch COVID-19, công ty xác định đẩy mạnh hình thức bán hàng qua mạng, bước đầu không kỳ vọng doanh số cao mà hướng tới lâu dài. Thực phẩm tươi sống có liên quan đến khâu đóng gói, bảo quản, vận chuyển nên cần thời gian để người tiêu dùng quen dần.
Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food - cho biết doanh số bán thực phẩm chế biến online có thời điểm tăng gấp 4-5 lần so với bình thường và công ty tiếp tục đẩy mạnh kênh bán hàng này trong mùa tết sắp tới. Còn theo đại diện Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood), sau hai tháng bán hàng trên sàn Lazada, mức tăng trưởng doanh thu đạt 600% so với tháng trước đó.
Kinh doanh hơn 600 mã hàng rau củ quả hữu cơ, bà Đỗ Phan Hoàng Sương - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần DalatFoodie Việt Nam - cho hay hiện công ty bán 80% đơn hàng qua mạng, chỉ 20% đơn hàng trực tiếp. Công ty hiện đã chuẩn bị sẵn sàng lượng hàng cho mùa tết.
Nhiều khó khăn chờ đợi
Ông Nguyễn Mạnh Tấn - Giám đốc marketing Haravan, công ty công nghệ xây dựng nền tảng bán hàng online cho hơn 50.000 doanh nghiệp (DN) trên cả nước - cho biết, từ đầu năm đến nay, số gian hàng online chuyên kinh doanh nông sản, thực phẩm trên nền tảng Haravan tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân là do dịch COVID-19 khiến lượng người mua hàng online tăng cao, nhu cầu mua sắm các mặt hàng thời trang, hóa mỹ phẩm giảm, người tiêu dùng quan tâm các sản phẩm thiết yếu hơn. Đây là cơ hội tốt để các DN đẩy mạnh kinh doanh nhóm hàng nông sản, thực phẩm qua mạng, nhất là vào mùa tết sắp tới.
Theo ông Tấn, cá nhân bán hàng online thì chi phí đầu tư thấp do chỉ cần tạo gian hàng trên Facebook, Shopee, nhưng DN hay hộ kinh doanh cá thể phải tốn chi phí quảng cáo rất lớn, thường chiếm tới 15 - 20%/tổng chi phí bán hàng, để bán được số lượng lớn. Khi kinh doanh online, cá nhân, DN có thể cạnh tranh với nhau bằng hình thức giảm giá, khuyến mãi; DN phải tốn thêm chi phí nhân sự, vận hành nên phải chịu mức phí cho cạnh tranh bán hàng online cao hơn so với các cá nhân.
Khi bán hàng trên Facebook, website, DN chủ động tiếp cận được khách hàng của mình và xây dựng thương hiệu tốt hơn nhưng tốn nhiều chi phí vận hành và lượng đơn hàng không nhiều. DN nên hợp tác với các sàn TMĐT để bán hàng online vì các sàn thu hút một lượng khách mua hàng lớn nhờ chi trả phí marketing rất cao” - ông Tấn phân tích.
Tuy nhiên, theo ông Tấn, đối với DN tầm trung, tỷ trọng doanh thu của bán hàng qua sàn TMĐT không cao nên DN có xu hướng dẫn khách hàng về website, Facebook của họ để làm thương hiệu tốt hơn, doanh thu dù không cao nhưng ổn định hơn. Để đạt hiệu quả, DN phải xác định, khi bán hàng trên kênh TMĐT, họ cần đầu tư đúng mức và kiên trì, lâu dài chứ không thể đạt được doanh số kỳ vọng trong thời gian ngắn. Phần lớn DN Việt Nam còn thiếu kiến thức về kinh doanh online, cần phải có nhân sự chuyên trách riêng để vận hành việc bán hàng online.
Đặc biệt, DN bán nông sản, thực phẩm tươi nhất thiết phải có giải pháp đóng gói, bảo quản, vận chuyển tốt để đảm bảo được chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.
Theo bà Sương, nếu trước đây, chi phí để có một khách hàng mới trên mạng là 30.000 đồng thì nay đã lên đến hơn 200.000 đồng. Vì vậy, cửa hàng phải chăm sóc tốt khách hàng để họ quay lại và trở thành khách hàng thân thiết thì việc kinh doanh mới hiệu quả.
Còn theo ông Tấn, DN cần chấp nhận khoản chi phí ban đầu để có được khách hàng mới, sau đó chăm sóc để họ trở thành khách hàng trung thành và giới thiệu khách hàng mới. Khi đó, khoản chi phí cho khách hàng mới trở thành lợi nhuận của DN.
Nguyễn Cẩm
Xem thêm: lmth.4381241a-gnam-auq-tet-gnah-nab-hnam-yad-hnit-ud-peihgn-hnaod-ueihn/nv.moc.enilnounuhp.www