Mô hình cánh đồng lớn ở ĐBSCL ngày một… ‘lụi tàn’!
Trung Chánh
(TBKTSG Online) - Cánh đồng lớn được xem là mô hình mẫu mực về mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và người nông dân trong liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Song, mô hình này đang có dấu hiệu ngày một ‘lụi tàn’ khi diện tích sản xuất ở một số địa phương chủ lực ngày càng sụt giảm mạnh.
Kiến nghị dừng xuất khẩu gạo cấp thấp để thực hiện dự trữ quốc gia
Thu gom lúa xuống ghe để vận chuyển về nhà máy trong mô hình cánh đồng lớn. Ảnh: Trung Chánh |
Báo cáo tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2020 và triển khai kế hoạch sản xuất cây trồng vụ Đông xuân 2020- 2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An- một trong những địa phương sản xuất lúa chủ lực của ĐBSCL- cho thấy, năm 2020, địa phương này thực hiện được 128 cánh đồng lớn với diện tích 13.924 héc ta, giảm 4.967 héc ta so với năm trước và thấp hơn kế hoạch được đề ra đến 19.522 héc ta (kế hoạch diện tích sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn năm 2020 là 33.446 héc ta), tức chỉ đạt hơn 41% so với kế hoạch đề ra.
Theo đó, vụ Đông xuân 2019-2020, địa phương này thực hiện được 77 lượt cánh đồng lớn với diện tích 8.983 héc ta, nhưng giảm khoảng 1.919 héc ta so với vụ Đông xuân 2018-2019; vụ Hè thu năm 2020, triển khai được 51 lượt cánh đồng lớn với diện tích 4.941 héc ta, giảm 3.048 héc ta so vụ Hè thu 2019.
Cả 128 cánh đồng lớn với diện tích 13.924 héc ta đều được thực hiện trong vụ Đông xuân 2019-2020 và Hè thu 2020. Điều này có nghĩa, riêng trong vụ Thu đông 2020, toàn tỉnh Long An không có một cánh đồng lớn nào được triển khai.
Còn trong báo cáo tình hình kinh tế xã hội 10 tháng đầu năm và chương trình công tác tháng 11-2020 của UBND tỉnh Long An cho thấy, vụ Đông xuân 2020-2021 (đang trong giai đoạn xuống giống- PV), địa phương này chỉ có 5 doanh nghiệp đăng ký tham gia mô hình cánh đồng lớn với diện tích 2.155 héc ta.
Kết quả đăng ký nêu trên có nghĩa, diện tích tham gia mô hình cánh đồng lớn trong vụ Đông xuân 2020-2021 tới đây tiếp tục giảm đến 6.828 héc ta so với vụ Đồng xuân 2019-2020.
Theo đó, 5 doanh nghiệp đã đăng ký tham gia mô hình cánh đồng lớn ở tỉnh Long An trong vụ Đông xuân 2020-2021 tới, gồm Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời, Công ty cổ phần Đầu tư- Nghiên cứu và Xuất khẩu gạo thơm Ita-Rice, Tập đoàn Phoenix, Công ty TNHH ADC và Công ty TNHH Highland Dragon.
Trước đó, vụ Hè thu 2020, địa phương này có 14 doanh nghiệp đăng ký thực hiện mô hình cánh đồng lớn, gồm Công ty cổ phần giống cây trồng Miền Nam (SSC), Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Hưng, Công ty Chín Việt Kiều, Công ty cổ phần Đầu tư- Nghiên cứu và Xuất khẩu gạo thơm Ita-Rice, Công ty cổ phần giống cây trồng Đông Nam, Công ty TNHH AARNA ARO Việt Nam, Công ty TNHH ADC, Công ty cổ phần Trương Việt, Công ty TNHH Ngọc Phương Nam, Công ty Hoa Tiên, Công ty TNHH Highland Dragon, Doanh nghiệp Bảy Sánh, Công ty Agri Hospital và Công ty Trí Mai.
Giải thích lý do mô hình cánh đồng lớn ngày càng “lụi tàn”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho rằng, diện tích giảm là do thị trường xuất khẩu gạo gặp khó khăn; doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư; một số doanh nghiệp thay đổi phương thức thực hiện cánh đồng lớn nên chưa có sự thống nhất về giá thu mua giữa doanh nghiệp và nông dân….
Tập đoàn Lộc Trời, đơn vị được xem như “vua cánh đồng lớn” ở ĐBSCL, thì khi trao đổi với TBKTSG Online gần đây, ông Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (thuộc Tập đoàn Lộc Trời) thừa nhận, diện tích mô hình này của Lộc Trời vào năm 2019 chỉ đạt khoảng 30.000 héc ta so với con số 90.000 héc ta đã được ghi nhận vào năm 2015.
Đánh giá chung về sự thất bại của mô hình cánh đồng lớn ở ĐBSCL, ông Chín cho rằng “nói suông” nhiều quá, khi phát động thì hô hào rất to, nhưng lại không có kế hoạch rõ ràng. “Nội dung thực hiện là gì? Ai làm? Tiền ở đâu và làm trong mấy năm?... đều không được quy định cụ thể. Mình chỉ nói ào ào rồi không có tiền, không có ai lãnh đạo, mạnh ai nấy làm nên thất bại là đương nhiên”, ông Chín nhận định.
Trong khi đó, ông Lê Văn Bảnh, Cựu Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL khi trao đổi với TBKTSG Online đã giải thích rằng, doanh nghiệp phải chịu áp lực lớn trong thu mua lúa của nông dân khi vào vụ thu hoạch, nhưng lại thiếu vốn để đầu tư hạ tầng về kho hàng, phương tiện vận chuyển, nhà máy sấy..., nên “quản lý không nổi, khiến mô hình teo tóp dần”.
Xem thêm: lmth.nat-iul-tom-yagn-lcsbd-o-nol-gnod-hnac-hnih-om/566013/nv.semitnogiaseht.www