Ngày 14-11, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành công điện số 30 về việc ứng phó khẩn cấp với bão VAMCO (cơn bão số 13).
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, TP Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh, thị xã Hồng Lĩnh và Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh thực hiện: Đối với khu vực ven biển tổ chức sơ tán dân theo kịch bản số II (bão từ cấp 10 đến cấp 11) tại quyết định số 1710 về việc phê duyệt Phương án phòng ngừa, ứng phó với bão mạnh, siêu bão năm 2020 tỉnh Hà Tĩnh xong trước 20 giờ đêm 14-11.
Công an huyện Kỳ Anh giúp ngư dân đưa thuyền lên bờ trú ẩn, tránh bão số 13. Ảnh: CA.
Cụ thể sơ tán 3.360 hộ với hơn 17.600 người. Trong đó, huyện Kỳ Anh 269 hộ (894 người), thị xã Kỳ Anh 386 hộ (1.043 người), huyện Cẩm Xuyên 270 hộ (744 người), huyện Thạch Hà 535 hộ (1.836 người), huyện Lộc Hà 787 hộ (1.843 người), huyện Nghi Xuân 1.106 hộ (2.914 người), Khu kinh tế tỉnh 11 đơn vị với hơn 8.400 người.
Trường hợp cần thiết, các địa phương phải cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Ông Nguyễn Hoài Sơn, Chủ tịch UBND thị xã kiêm Trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã Kỳ Anh đã ký lệnh sơ tán hơn 4.100 người ra khỏi vùng nguy hiểm để ứng phó với bão số 13.
Theo đó, ra lệnh chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phường, xã ở Kỳ Anh huy động lực lượng, phương tiện tổ chức di dời nhân dân đến nơi tránh, trú an toàn. Trong quá trình di dời, ưu tiên trẻ em, người già, người tàn tật…
Công an và cơ quan chức năng ở huyện Kỳ Anh giúp người dân sơ tán đến nơi an toàn. Ảnh: CA.
Cho đến chiều tối cùng ngày, các phường, xã như Kỳ Ninh, Kỳ Nam, Kỳ Lợi, Kỳ Hà, Kỳ Trinh, Hưng Trí, Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Thịnh…(thị xã Kỳ Anh) cơ bản đã di dời hơn 1.400 hộ với hơn 4.100 người.
Tại huyện Kỳ Anh, lãnh đạo huyện đã yêu cầu các xã kích hoạt kịch bản 3, dự kiến sẽ sơ tán hơn 3.000 hộ, với hơn 7.200 nhân khẩu ở những vùng xung yếu, cửa sông, cửa biển, những nơi không an toàn, nhà yếu…đến nơi trú ẩn an toàn.
Cùng với việc di dời dân, huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh đã rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú đảm bảo an toàn.
Huyện Cẩm Xuyên đã huy động lực lượng di dời hàng ngàn hộ dân ở 7 xã ven biển và giằng néo nhà cửa. Các xã ven biển của huyện Lộc Hà và huyện Nghi Xuân cũng đã di dời hơn 1.000 người dân đến nơi an toàn để tránh bão và lũ dâng.
Công an huyện Nghi Xuân giúp dân đưa tàu, thuyền lên bờ trú ẩn tránh bão số 13. Ảnh: CA.
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết, hiện toàn bộ 3.957 tàu thuyền với hơn 14.900 thuyền viên, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã vào bờ tránh trú, neo đậu an toàn. Các đồn Biên phòng ở vùng biển và miền núi tỉnh Hà Tĩnh đang rà soát lại các hệ thống doanh trại, phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa.
Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh ngày 14-11, phát đi thông báo về việc xả tràn hồ chứa nước Kẻ Gỗ (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Theo đó, bắt đầu từ 14 giờ chiều 14-11, hồ Kẻ Gỗ có cao trình 30,72m, tương ứng đang chứa 273 triệu m3 nước, với lưu lượng xả lũ từ 100 m3/s đến 300 m3/s Tuy nhiên, hiện hồ Kẻ Gỗ đang xả chỉ hơn 50 m3/s.
Theo thông báo, các địa phương vùng hạ du ở TP Hà Tĩnh và các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà phải đôn đốc hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân, sẵn sàng ứng phó các sự cố xảy ra.
Ngoài ra, tại Hà Tĩnh, các hồ khác sẽ xả lũ như các hồ Bộc Nguyên, Tàu Voi, Thượng Sông Trí, Sông Rác…với lưu lượng từ 5 đến 100 m3/s.
Cho đến chiều tối 14-11, trên địa bàn Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình chưa có mưa giông.