Các hộ tiến hành vệ sinh lồng nuôi tôm hùm trên biển sau mưa lũ làm tôm chết hàng loạt - Ảnh: LÂM THIÊN
Con tôm hùm, cứu cánh của người nuôi nay trở thành nỗi âu lo triền miên.
Chạy không kịp là chết!
Chưa bao giờ người nuôi tôm hùm tại thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu hứng chịu thiệt hại nặng nề như bây giờ.
Ông Nguyễn Văn Sáu, trưởng thôn Dân Phú 2, cho biết cả thôn có 446 hộ thì có đến 442 hộ nuôi rơi vào cảnh trắng tay do tôm chết. Thống kê sơ bộ, số tôm hùm thương phẩm bị chết được đưa vào bờ lên đến 8,3 tấn. Chưa kể hàng trăm ngàn con tôm giống đang ươm nuôi cũng chết sạch.
Theo ông Phan Trần Vạn Huy - chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, cơn bão số 12 đã gây ngập trên diện rộng, một lượng bùn đất rất lớn từ các sông suối đổ ra biển.
Chỉ tính tại các địa phương: phường Xuân Phương, Xuân Thành, Xuân Đài, Xuân Yên và xã Xuân Thịnh đã có 169 hộ với 1.521 lồng nuôi và gần 150.000 con tôm xanh có trọng lượng từ 2-2,5 lạng/con bị chết, ước thiệt hại gần 40 tỉ đồng. Con số thiệt hại vẫn chưa dừng lại.
Có kinh nghiệm nuôi tôm lâu năm nhưng khi bão số 12 đổ bộ, gia đình ông Nguyễn Văn Ngọc (người nuôi tôm tại thị xã Sông Cầu) đã trở tay không kịp. "Nước từ sông suối đổ tràn xuống rất nhanh, ai cũng ngậm ngùi nhìn lồng tôm lần lượt bị nước bùn bao phủ, tôm chết lần chết lượt" - ông Ngọc nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ngã (thôn Dân Phú 2) buồn bã kể: "Nước đổ về ào ạt, lúc đó nhà tôi ai cũng bấn loạn không biết phải làm sao. Bây giờ bình thường cũng không thể nào di dời hay thả lồng sâu hơn kịp chứ đừng nói là lúc nước to sóng lớn như vậy".
Thả lồng sâu xuống biển cầu may
Đó là cách duy nhất để người nuôi tôm cứu lấy lồng tôm, cứu lấy gia tài của mình mỗi khi đối mặt với bão lụt. Tuy nhiên, nhiều năm qua cách làm ấy lại gói gọn trong hai chữ "hên xui".
Theo người nuôi tôm hùm tại thị xã Sông Cầu, tôm này chỉ sống được trong môi trường nước mặn, không thể nào sống sót khi ngập lụt.
Tôm chết ngay lập tức, không thể cứu chữa. Sau mỗi cơn bão nếu xuất hiện gió nồm (PV - gió từ phía nam thổi vào) thì cơ hội để cứu sống tôm hùm rất ít ỏi vì lúc này nước ngọt đổ ra biển sẽ bị dội ngược lại, sau đó bùn đất sẽ lắng sâu xuống đáy biển làm tôm chết ngạt.
Gia đình ông Trần Văn Thành (ở phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu) là một trong những hộ đã cẩn thận kéo lồng đến nơi sâu hơn để thả nhưng toàn bộ tôm trong lồng nuôi chết sạch khi có gió nồm. "Chúng tôi thả lồng cách mặt biển tới 7m nhưng tôm không còn cơ hội nào sống được cả. Những nhà chỉ thả 3-4m là coi như xong luôn" - ông Thành cho biết.
Hiện tại, sau nhiều ngày dọn dẹp, kéo lồng bè nuôi lên bờ, người dân đang tiến hành sửa chữa, vệ sinh lồng để chuẩn bị cho đợt thả tôm tiếp theo. Tuy nhiên, nhiều hộ nuôi vẫn rất lo lắng vì tình hình bão lụt vẫn đang diễn biến phức tạp.
"Mất thì cũng đã mất nhưng ngồi một chỗ sao được. Cũng phải tiếp tục vay mượn để thả lứa tôm mới. Mong sao trời thương chứ đừng làm khổ tụi tui nữa là được" - ông Thành hi vọng nói.
Giữ an toàn cho tôm ngày mưa bão
PGS.TS Võ Văn Nha, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, cho biết: "Tôm hùm rất nhạy với nước ngọt. Trong mùa mưa, bà con tuyệt đối không được đưa tôm lên trên mặt nước.
Tránh đưa các lồng nuôi gần khu vực bờ, cửa sông, cửa vịnh vì mùa mưa lũ nước sông đổ về bất thường. Ngày mưa lũ cần thả sâu lồng nuôi xuống đáy biển nhưng không được sát đáy để đảm bảo an toàn cho tôm".
Khó cưỡng chế hộ nuôi tôm tự phát
Theo ông Nguyễn Thái Hải Anh - phó Phòng kinh tế thị xã Sông Cầu, hiện tại lực lượng chức năng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý các hộ nuôi tôm hùm tự phát. "Khi phát hiện các hộ nuôi không phép, chúng tôi tiến hành xử phạt hành chính.
Sau đó nếu họ tiếp tục tái phạm, phòng sẽ cưỡng chế. Tuy nhiên, việc cưỡng chế vấp phải thách thức rất lớn đó là thống kê tài sản, số lượng đàn tôm đang nuôi trong lồng bè vi phạm và lực lượng chức năng phải bảo vệ an toàn cho lồng nuôi đó. Đây là việc nằm ngoài khả năng của chúng tôi" - ông Hải Anh chia sẻ.
Chọn giống kỹ, giảm lồng nuôi mới an toàn
Theo ông Phan Trần Vạn Huy - chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, để giảm thiệt hại cho người nuôi tôm hùm, chính quyền địa phương cần thường xuyên kiểm tra, rà soát số lượng lồng nuôi trên mặt nước đúng nơi quy định.
Tuy nhiên, có rất nhiều hộ dân nuôi tự phát, liều lĩnh đặt lồng bè gần bờ khiến tôm hùm khó sống mỗi khi nước ngọt đổ về do mưa lũ.
"Các cửa sông và trong khu vực đầm vịnh gần bờ là nơi rất dễ xảy ra tình trạng chết tôm khi mưa lụt xảy ra. Lực lượng chức năng nhiều lần nhắc nhở, xử phạt nhưng tình trạng này tái diễn liên tục. Hôm trước bị xử lý, hôm sau họ lại âm thầm đưa lồng ra đó nuôi tiếp" - ông Huy nói.
Người nuôi tôm hùm ở thị xã Sông Cầu chuẩn bị thức ăn mang ra lồng nuôi - Ảnh: LÂM THIÊN
Ông Nguyễn Thái Hải Anh, phó Phòng kinh tế thị xã Sông Cầu, cho biết: để giảm thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với người nuôi tôm hùm, đầu tiên cơ quan quản lý đầu ngành phải tăng cường kiểm tra, quản lý lượng giống nhập vào, tránh cho nhập tràn lan.
"Vùng nuôi tôm hùm tại thị xã Sông Cầu đang bị quá tải bởi người nuôi ngày càng nhiều do việc mua bán con giống tràn lan, dễ dàng. Trong khi đó, để nuôi thành công một lứa tôm hùm, người nuôi phải trải qua hơn 2 năm chăm sóc. Trong 2 năm đó, con tôm hùm gặp ít nhất hai đợt thiên tai.
Như vậy, càng siết chặt đầu vào thì mới có thể giảm bớt nguy cơ thiệt hại cho người dân. Hiện tại, việc nuôi tôm hùm đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Không chỉ mùa mưa bão, mùa nắng cũng khiến môi trường biển thay đổi, vi sinh vật sinh sôi khiến tôm nuôi cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Theo tình hình nuôi trồng hiện tại, một hộ dân phải giảm bớt 50% lồng bè nuôi mới đảm bảo được an toàn, tăng khả năng thành công trong việc nuôi trồng thủy sản" - ông Hải Anh nói.
TTO - Ngày 12-11, nhiều người xóm Phước Lý ven biển vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) than khóc khi chứng kiến các lồng nuôi tôm hùm lớn nhỏ đồng loạt chết... vì bị nước bùn tràn vào sau cơn bão số 12.
Xem thêm: mth.29540200151110202-muh-mot-uhp-uht-uuc-pahp-iaig-mit/nv.ertiout