- Thủ Tướng khởi động mạng lưới Logistics thông minh ASEAN
- Thủ tướng yêu cầu dừng các cuộc họp không cần thiết tập trung ứng phó bão số 13
Tại họp báo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam tôn trọng quyết định của người dân Mỹ. Dù ứng viên nào thắng cử thì nước Mỹ vẫn là người bạn có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam trên tinh thần hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau. Trong truyền thống, quan hệ ASEAN – Mỹ cũng tốt đẹp như vậy.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tới đây, dù ứng cử viên Joe Biden hay ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, ASEAN và Mỹ cũng vẫn sẽ có quan hệ tốt đẹp, hiểu biết lẫn nhau.
Thủ tướng cũng cho biết thêm, hợp tác lớn nhất giữa hai bên hiện nay là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư. Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN, đồng thời là nhà đầu tư FDI lớn nhất của ASEAN với tổng mức đầu tư 330 tỷ USD.
Thủ tướng trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo. |
Thủ tướng cho rằng, sự phát triển không ngừng của thương mại và đầu tư của Mỹ cũng như hợp tác kinh tế thương mại giữa hai bên đã thực sự trở thành cơ sở cho sự phát triển lâu dài của quan hệ, kể cả với Việt Nam và các nước ASEAN.
Các nước ASEAN đánh giá cao mối quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền lẫn nhau, cùng mong muốn xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, phát triển và phồn vinh. “Tôi tin rằng quan hệ đối tác ASEAN – Mỹ đã phát triển trong hơn 4 thập kỷ qua, sẽ tiếp tục phát triển tốt trong thời gian tới”, Thủ tướng bày tỏ.
Liên quan tới vấn đề cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, được cho là một trong những thách thức lớn đối với ASEAN trong năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc cạnh tranh nước lớn này cũng làm cho đoàn kết, thống nhất trong ASEAN bị ảnh hưởng.
Đông đảo phóng viên tham dự buổi họp báo Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37. |
Theo Thủ tướng, các nước lớn đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo hòa bình, duy trì ổn định và thúc đẩy thịnh vượng toàn cầu, trong đó có các nước Đông Nam Á. ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng đều mong muốn các nước có quan hệ tích cực, cạnh tranh lành mạnh, tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, từ đó đóng góp hiệu quả, thực chất cho hòa bình, an ninh, hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Xây dựng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, trên tinh thần đó, Việt Nam đã đoàn kết cùng các nước thành viên ASEAN thống nhất trong lập trường, nhất quán trong hành động, chân thành trong hợp tác cùng với đối tác phấn đấu vì một khu vực rộng mở, minh bạch và hoạt động dựa trên luật lệ. Quan điểm này được thể hiện rõ trong các văn kiện của ASEAN trong năm 2020, đặc biệt trong Tuyên bố chung về tầm quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định Đông Nam Á nhân dịp 53 năm thành lập.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Hội nghị các nước Đông Á (EAS) bao gồm các định chế quốc tế lớn nhất như Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới và các nước lớn tham gia cùng ASEAN đều thống nhất rất cao trong quá trình giải quyết vấn đề đặt ra, nhất là trong vấn đề trên biển đều phải được giải quyết theo luật lệ quốc tế, đặc biệt ở Biển Đông.
Thủ tướng chủ trì cuộc họp báo về kết quả hội nghị. |
Trả lời câu hỏi của phóng viên về Hiệp định RCEP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, RCEP có quy mô 26 nghìn tỷ USD, với dân số 2,2 tỷ người, chiếm 30% dân số và 30% tổng GDP của thế giới. Xác định tầm quan trọng này, các nước ASEAN, năm nay Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, đã cùng thảo luận, bàn bạc để đi đến quyết định cuối cùng là ký kết hiệp định RCEP.
"Đây không những là hiệp định thương mại có ảnh hưởng trong khu vực mà còn có ảnh hưởng đến thương mại của toàn cầu với quy mô rộng lớn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, Ấn Độ là nước đầu tiên tham gia đàm phán RCEP nhưng Ấn Độ vẫn chưa trực tiếp ký kết để trở thành thành viên RCEP. Tuy vậy, các nước ASEAN và Chủ tịch ASEAN 2020 cho rằng, ASEAN luôn luôn mở cửa để Ấn Độ có thể tham gia. ASEAN chào đón Ấn Độ trong thời gian tới, tạo mọi điều kiện để Ấn Độ có thể tham gia thuận lợi Hiệp định, nếu Ấn Độ thấy điều đó là cần thiết.