Nhiều hành khách vất vả đi từ làn A qua D rồi lên tầng 4 để đi xe Grab - Ảnh: CÔNG TRUNG
Các đơn vị như Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Cảng vụ Hàng không miền Nam, Sở GTVT TP.HCM… sẽ họp bàn về việc phân làn, quản lý xe công nghệ ở sân bay như thế nào cho hợp lý.
Trong khi đó, theo văn bản của Sở GTVT TP.HCM, xe công nghệ vẫn "chung mâm", được đón khách cùng xe taxi, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhượng quyền với sân bay ở làn D nhà xe TCP tại sân bay Tân Sơn Nhất từ ngày 14-11. Nhưng thực tế phân làn lại không cho phép xe công nghệ đón khách ở làn D dưới tầng trệt, mà phải lên bãi xe tầng 3, 4, 5 gây phiền toái cho hành khách.
Khách "bấm bụng" đi giá xe cao hơn
Theo ghi nhận của chúng tôi ngày 15-11, sau khi phân làn giao thông ở ga quốc nội, xe lưu thông nhanh chóng, không xảy ra tình trạng kẹt xe ở 3 làn A, B, C. Theo quy định mới, việc đón xe taxi hành khách phải qua làn D (bên trong nhà xe TCP). Tuy nhiên, nhiều hành khách than phiền về sự bất tiện khi gọi xe và không đa dạng mức giá để chọn lựa.
Chị N.M.Chi (Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết "choáng" với giá xe hợp đồng ở sân bay chênh lệch gấp đôi so với xe công nghệ, còn taxi tính tiền theo kilômet nên không ước chừng được chi phí.
Chị Chi cho biết khi hỏi giá xe từ Tân Sơn Nhất về Bệnh viện Gia Định (đường Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận), nhân viên Hãng xe Avigo thông báo mức giá 200.000 đồng/cuốc cho xe 7 chỗ, cạnh đó taxi Vinasun tính tiền theo kilômet nên không báo giá cụ thể chi phí cho khách hàng.
"Lúc này tôi vào app đặt xe GrabCar 4 chỗ, giá chỉ 70.000 đồng, rẻ hơn 130.000 đồng so với xe của Avigo. Việc đặt xe Grab nay càng khó vì tài xế từ chối nhận cuốc vào sân bay. Không còn cách nào khác, tôi bấm bụng chọn xe Avigo để di chuyển về bệnh viện vì có việc gấp" - chị Chi kể.
Hành khách đón xe hợp đồng tại làn D nhà ga TCP sáng 15-11 - Ảnh: CÔNG TRUNG
Giới tài xế xe công nghệ cũng than thở khi gặp tình huống dở khóc dở cười. Anh Linh - tài xế GrabCar - nhận cuốc xe của vị khách đón ở sân bay. Tới nơi thì khách loay hoay không tìm được lối lên lầu 4 nên hủy chuyến.
Lúc này xe đã vào bãi chịu phí 25.000 đồng/lượt, nếu không đón được khách khác thì tài xế phải chịu khoản phí này. Anh Linh phải chạy lòng vòng ở bãi xe, chờ nhận cuốc mới và gọi điện liên tục để xác định điểm đón. Thế nhưng khách mới đặt cũng không rõ được việc di chuyển từ sảnh A qua D rồi lên tầng 5, do đó anh phải đậu xe ở bãi, xuống tận nhà ga tìm đón khách.
"Giờ mà có khách đặt vào sân bay tôi cũng không dám nhận. Lòng vòng mất thời gian, phân luồng không hợp lý khiến việc áp dụng công nghệ 4.0 thành 0.4 ngay ở sân bay" - anh Linh nói.
Tương tự, nhiều tài xế cũng kể khổ khi đón khách ở sân bay. Thay vì chỉ tốn 10.000 đồng phí vào cổng sân bay như trước đây, tài xế xe công nghệ phải chịu thêm chi phí 25.000 đồng khi đưa xe vào nhà xe TCP của sân bay. Mức phí này còn tăng lũy tiến theo số giờ đậu xe thực tế và tài xế phải thuyết phục hành khách chịu phí.
Thêm vào đó, TCP chỉ có 2 thang máy, diện tích nhỏ, lượng khách lên xuống liên tục nên chờ đợi khá lâu, chưa kể đối với các hành khách có nhiều hành lý khi xuống sân bay. Việc di chuyển bằng cầu thang bộ rất bất tiện, đặc biệt với người già, trẻ em.
Hãng xe nào được đón ở sảnh D?
Văn bản của Sở GTVT TP.HCM triển khai tại làn D dành cho hoạt động xe taxi, xe kinh doanh vận tải đón khách. Thực tế triển khai xe công nghệ không được vào tầng trệt, mà phải chạy vào bãi giữ xe từ tầng 3 đến tầng 5 với mức phí 25.000 đồng/lượt thay vì đón khách ở sảnh D.
Trong khi đó, ở sảnh D có các đơn vị vận chuyển hành khách 4-7 chỗ như Avigo, Satsco, Sasco, ACV, Sóng Việt, Vinasun, Mai Linh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhà xe TCP và đơn vị vận chuyển như Avigo, Satsco, Saco là những công ty có liên doanh liên kết với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV (đơn vị quản lý, khai thác 22 sân bay). Theo số liệu tại báo cáo thường niên của ACV vào ngày 31-12-2019, tỉ lệ sở hữu của ACV với các công ty trên từ 18-49%.
Đại diện Grab cho rằng sự bất nhất trong việc triển khai phân chia làn đón khách gây khó khăn cho tài xế và khách hàng. Đáng chú ý, Sở GTVT TP.HCM triển khai xe công nghệ cho phép vào làn D nhưng ngày 14-11 lại phân luồng riêng cho xe công nghệ lên lầu đón khách nên xảy ra bất cập, nhiều điểm chưa hợp lý mà không được thông báo trước.
Một chuyên gia hàng không cho rằng việc phân chia làn làm giảm ách tắc giao thông như hiện nay là hợp lý, bình đẳng trong kinh doanh vận tải trong sân bay. Tuy nhiên cũng cần lưu ý không nên gây khó dễ cho ứng dụng công nghệ với chi phí, dịch vụ tốt cho hành khách mà cơ quan quản lý không kiểm soát được.
TTO - Kể từ ngày 14-11, hành khách sử dụng dịch vụ gọi xe công nghệ 4 bánh như GrabCar, BeCar... rời sân bay Tân Sơn Nhất gặp khó khăn hơn và “cõng” thêm chi phí khoảng 25.000 đồng/cuốc.
Xem thêm: mth.90033008151110202-yl-poh-ohc-yab-nas-o-ehgn-gnoc-ex-yl-nauq-nal-nahp-ceiv-nab-poh-es/nv.ertiout