Thực tế hiện nay, có đến 11% hộ kinh doanh thuộc diện phải chuyển đổi thành doanh nghiệp (DN) nhưng chỉ có 5,6% hộ kinh doanh dự kiến sẽ chuyển đổi. Theo các chuyên gia, sở dĩ việc hộ kinh doanh không muốn thành DN bởi khi lên DN sẽ chịu sự quản lý rất chặt chẽ của việc tính thuế, thậm chí, né tránh thực hiện các quy định, nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội…
Né trách nhiệm?
Mới đây, tại một hội thảo khoa học với chủ đề “Chính sách và quản lý thuế, hải quan, logistics”, TS Nguyễn Thị Minh Hằng - Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính - cho hay, theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), có đến 11% hộ kinh doanh hiện nay thuộc diện phải chuyển đổi thành DN nhưng chỉ có 5,6% hộ kinh doanh dự kiến sẽ chuyển đổi, còn lại vẫn chọn mô hình kinh doanh hộ gia đình.
“Chỉ tính riêng tại TP.Hà Nội, năm 2019, trong số 27.114 đơn vị đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, chỉ có 48 DN mới chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Trong khi, theo thống kê, Hà Nội có tới 300.000 hộ kinh doanh. Việc các hộ kinh doanh không chuyển đổi thành DN đã gây ra nhiều bất cập, khó khăn trong công tác quản lý cũng như dựng nhiều rào cản trong quá trình phát triển” - TS Nguyễn Thị Minh Hằng phân tích.
Theo một số chuyên gia, rào cản lớn nhất hiện nay của vấn đề này nằm ở chính bản thân các hộ kinh doanh. Cụ thể, họ lo ngại khi chuyển lên DN sẽ phải thực hiện các vấn đề liên quan đến sổ sách, kế toán, lập báo cáo tài chính, lưu giữ hóa đơn, sổ sách. Bên cạnh đó, hộ kinh doanh còn phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính phức tạp.
Mặt khác, chính sách thu thuế áp dụng đối với hộ kinh doanh dựa trên doanh thu khoán rất dễ dẫn tới việc xây dựng mức doanh thu khoán thấp hơn thực tế. Từ đó dẫn tới thực trạng mức thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng trên doanh thu đối với hộ kinh doanh thấp hơn nhiều so với mức dành cho DN.
Những vấn đề này khiến nhiều hộ kinh doanh đủ điều kiện cố tình không thành lập DN để né tránh thực hiện các quy định, nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội…
Tìm hướng để thu thuế đúng thực tế
Để thúc đẩy sự phát triển của hộ kinh doanh có quy mô lớn và kiểm soát chặt chẽ hơn doanh thu tính thuế của hộ kinh doanh, TS Nguyễn Thị Minh Hằng cho rằng, cần mở rộng các điều kiện buộc các hộ kinh doanh cá thể quy mô lớn chuyển lên thành DN; cần có quy định kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa đơn của hộ kinh doanh; đơn giản hóa chế độ kế toán đối với DN nhỏ hoặc siêu nhỏ bằng cách áp dụng chế độ kế toán tiền mặt đối với loại hình DN này.
Ngoài ra, có những ưu đãi thuế, ưu đãi về tiếp cận vốn ngân hàng đối với DN nhỏ và siêu nhỏ; hỗ trợ về đào tạo kiến thức pháp luật, ghi chép sổ sách kế toán và quản trị kinh doanh cho các hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN.
Chia sẻ về vấn đề này với Lao Động, TS Ngô Tuấn Anh - giảng viên Trường Đại học kinh tế Quốc dân - nói rằng, thu thuế là công việc của nhà nước. Còn các gia đình kinh doanh theo hộ kinh doanh hay theo DN là quyền của họ. “Chúng ta không thể bắt ép họ được. Nếu vậy, chúng ta không những không khuyến khích mà cản trở họ” - TS Tuấn Anh nói.
Cũng theo vị này, việc thu thuế là của nhà nước nhưng vấn đề là thu thuế với các trường hợp này như thế nào, cần phải hợp lý.
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, từ năm 2018 đến hết tháng 9.2020, số thu từ hộ kinh doanh toàn quốc đạt 50.607 tỉ đồng. Tại các cục thuế lớn trên cả nước, công tác rà soát, tăng cường quản lý với hộ kinh doanh cũng đang được chú trọng.
Không chỉ vậy, thực tế cho thấy, suốt thời gian qua, ngành Thuế đã dùng nhiều biện pháp để tăng cường quản lý hộ kinh doanh và chống thất thu thuế. Đơn cử như năm 2019, ngành Thuế đã tiếp tục rà soát cơ chế chính sách liên quan đến hộ kinh doanh không chỉ trong lĩnh vực thuế mà còn liên quan các lĩnh vực khác như: Luật DN, Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ… Cùng với đó, Tổng cục Thuế đã ban hành các quyết định để triển khai thí điểm ủy nhiệm thu thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán.