Thời điểm Mỹ bắt đầu siết chặt hàng công nghệ xuất khẩu sang Trung Quốc, các chuyên gia và người trong ngành hàng không đã cảnh báo nguy cơ Comac C919 có thể lỡ kế hoạch ra mắt. Máy bay này là một phần không thể thiếu trong tham vọng phá vỡ thế độc quyền của Boeing và Airbus trên thị trường sản xuất máy bay thương mại của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, C919 trông cậy vào một lượng lớn các bộ phận phải nhập khẩu, từ động cơ cho đến các hệ thống điều khiển. Do đó, việc được tiếp cận các nhà cung cấp Mỹ như General Electric (GE), Honeywell International và Rockwell Collins là rất quan trọng để đưa máy bay "Made in China" ra thị trường trong tương lai.
Một nguồn tin của SCMP tại Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac) cho biết, cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington đến nay vẫn chưa gây ra bất kỳ rắc rối nào với C919. Tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc này vẫn lên kế hoạch giao lô máy bay đầu tiên tới khách hàng vào năm sau.
Hơn nữa, sự sụt giảm sản xuất của Boeing, Airbus năm nay vì Covid-19 khiến một số nhà cung cấp linh kiện "thực sự hy vọng" Comac có thể giao máy bay đúng hạn, người này nói.
Hồi cuối tháng 10, Wu Guanghui, kiến trúc sư trưởng của dự án C919, cho biết Comac đang cố gắng giao chiếc máy bay đầu tư cho hãng China Eastern Airlines cuối năm sau.
Đồng thời, Wu Guanghui cũng tiết lộ C919 đang ở bước cuối cùng của Type Inspection Authorization (TIA). Đây là một cuộc kiểm tra kỹ thuật để đánh giá khả năng bay trước khi Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) có thể cấp 3 chứng chỉ chính thức, cho phép C919 cung cấp dịch vụ thương mại.
Năm ngoái, Comac cho biết cố gắng đạt tất cả chứng chỉ cần thiết cho C919 vào cuối năm 2021 – chậm hơn mục tiêu đề ra là cuối năm nay do các vấn đề kỹ thuật liên quan đến thiết kế, sản xuất, khả năng bay theo yêu cầu và vận hành thích hợp.
Tuy nhiên, Kevin Michaels, giám đốc điều hành AeroDynamic Advisory nói với SCMP rằng, ông dự đoán C919 sẽ được giao chậm hơn mục tiêu năm 2021. Theo ông, máy bay này có thể được tới tay khách hàng vào năm 2022 hoặc thậm chí 2023 do những trở ngại liên quan đến các vấn đề kỹ thuật và chứng nhận CAAC.
Trung Quốc không thể phát triển động cơ máy bay nên Michaels đánh giá đây chính là "gót chân Achilles" của Trung Quốc. Ông nói thêm, động cơ CFM được sử dụng cho C919 đi trước công nghệ Trung Quốc 20 năm hoặc còn hơn nữa và nó được thiết kế để đảm bảo độ tin cậy.
Hồi tháng 2, Reuters đưa tin chính quyền Trump cân nhắc cấm GE bán động cơ LEAP-1C cho Comac do lo ngại về các ứng dụng quân sự có thể có từ động cơ này. Tuy nhiên, cuối cùng, Mỹ vẫn cấp phép để GE bán động cơ cho tập đoàn Trung Quốc.
Đến tháng 9, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố danh sách các doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) – nhà thầu hàng không vũ trụ quân sự có liên quan đến quân đội Trung Quốc. Đây cũng là một nhà cung cấp chính linh kiện cho C919.
Tình hình còn phức tạp hơn khi mới đây Tổng thống Trump ban hành lệnh cấm người Mỹ đầu tư vào 31 công ty Trung Quốc, trong đó gồm AVIC vì những lo ngại an ninh quốc gia. Theo đó, Trump cho rằng, Trung Quốc lợi dụng các nhà đầu tư Mỹ để tài trợ cho phát triển và hiện đại hoá quân đội. 31 công ty trong danh sách đã hỗ trợ trực tiếp cho quân đội, tình báo, an ninh Trung Quốc với "vỏ bọc bề ngoài là tư nhân và dân sự".
Nhiều chuyên gia Trung Quốc đang lo lắng về khả năng Trump có tiếp tục tạo ra rắc rối cho Trung Quốc trước khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống vào 20/1 hay không.
Tuy nhiên, chính quyền sắp tới dưới thời Biden được dự đoán thực dụng hơn so với người tiền nhiệm. Điều này làm tăng kỳ vọng các linh kiện cho C919 từ Mỹ sẽ không bị ngăn chặn. Cuối tuần trước, Trung Quốc đã chúc mừng Biden chiến thắng bầu cử sau nhiều ngày im lặng.
"Đội ngũ đối ngoại của Biden sẽ gồm phần lớn những người ôn hoà theo chủ nghĩa chủ nghĩa thực dụng. Với tầm quan trọng của việc bảo vệ việc làm cho người Mỹ trong lĩnh vực hàng không, tôi kỳ vọng chính quyền Biden muốn trấn an Trung Quốc", Andy Mok, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hoá cho hay.
Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin và cũng là một cố vấn của Quốc vụ viện Trung Quốc cho rằng ít có khả năng Mỹ đột ngột cắt nguồn cung linh kiện của C919. Tuy nhiên, ông dự đoán chính quyền Biden sẽ tiếp tục kiềm chế Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực công nghệ.
Theo giáo sư này, Mỹ sẽ chắc chắn gây khó cho C919 trong quyền tự do không phận – một tập hợp các quyền hàng không thương mại cấp cho hãng bay của một quốc gia để được bay vào và hạ cánh ở không phận của nước khác.
Shi nhận định so với những trở ngại khác, quyền tự do không phận có thể giải quyết trong dài hạn hơn bởi C919 được thiết kế để phục vụ cho nhu cầu đi lại nội địa ngày càng tăng của Trung Quốc.
Tính đến cuối tháng 5, Comac đã nhận 815 đơn đặt hàng C919, trong đó 781 đơn hàng nội địa. Cuối tháng trước, hãng China Express Airlines cho biết đã mua 100 máy bay của Comac, trong đó có thể đến 50 chiếc C919.
Boeing cho biết hôm 12/11, các hãng hàng không Trung Quốc sẽ cần đến 8.600 máy bay trị giá 1.400 tỷ USD trong 20 năm tới. Con số này đã được nhà sản xuất Mỹ giảm so với ước tính 8.900 chiếc hồi cuối năm ngoái.
Trong một báo cáo hồi tháng 5, Century Securities tại Thâm Quyến cho biết, Trung Quốc sẽ cần khoảng 9.000 máy bay thương mại trong hai thập kỷ tới, trong đó có thể có 2.000 chiếc C919.
Comac bí mật phát triển C919 từ năm 2008. Dự án phát triển máy bay này cũng nằm trong sáng kiến "Made in China 2025" của Trung Quốc, nhằm giúp nước này tự chủ về công nghệ và bắt kịp công nghệ tiên tiến trên toàn cầu. C919 được thiết kế là máy bay thương mại thân hẹp, có khả năng chở 168 hành khách.
Tú Anh (theo SCMP)