Đầu giờ sáng nay ngày 16/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, trong đó có việc không tổ chức HĐND quận, phường.
Nội dung này nhận được sự đồng thuận cao từ các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận Hội trường sáng 12/11, cả về tên gọi, phạm vi và nội dung của dự thảo nghị quyết như đề nghị của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.
Về tên gọi của dự thảo nghị quyết, đại biểu Quốc hội đều tán thành là Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM mà không thực hiện thí điểm.
Căn cứ chính là Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đã làm cơ sở cho việc này. TPHCM trước đây cũng đã thực hiện thí điểm trong hơn 6 năm theo Nghị quyết 26 của Quốc hội khóa XII và được tổng kết đánh giá là hiệu quả.
Chủ trương của Đảng cũng nhấn mạnh không mở rộng thí điểm mô hình, tổ chức. Nghị quyết 18 của Trung ương yêu cầu tiếp tục đổi mới tổ chức, sắp xếp tinh gọn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, sáng 12/11. Ảnh: Quốc hội
Các đại biểu Quốc hội cũng đồng ý với đề nghị của Chính phủ là theo trình tự, thủ tục rút gọn và thông qua dự thảo nghị quyết này tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND TPHCM, các ý kiến cũng cơ bản đồng ý với nội dung dự thảo nghị quyết, trong đó tăng đại biểu HĐND thành phố hoạt động chuyên trách (lên 19 người thay vì 16 người hiện nay).
Trước ý kiến băn khoăn về căn cứ pháp lý nào để quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận khi không tổ chức HĐND quận, kết luận phiên thảo luận Hội trường ngày 12/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, chính nghị quyết này của Quốc hội là căn cứ pháp lý.
“Đây là cơ sở pháp lý để chúng ta làm việc này và việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận là rất cần thiết trong điều kiện không tổ chức HĐND ở quận và tăng cường kiểm soát quyền lực” – ông Uông Chu Lưu nói.
Về vấn đề “thành phố trực thuộc thành phố”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Chính phủ đã trình UBTVQH về Đề án thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, trong dự thảo nghị quyết đã bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND thành phố trực thuộc thành phố để làm cơ sở pháp lý tổ chức thực hiện.
“Chúng ta làm luôn chứ không thí điểm thành phố Thủ Đức, vì trong luật đã quy định cho phép. Việc thành lập thành phố trực thuộc thành phố hay thành phố thuộc tỉnh thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định” – ông Lê Vĩnh Tân nói.
Các ý kiến đại biểu Quốc hội cũng tán thành với đề nghị của Chính phủ là Nghị quyết có hiệu lực từ 1/1/2021 và triển khai thực hiện từ 1/7/2021.
“Có thể nói rằng, tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM phù hợp cả về cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và yêu cầu thực tiễn tại TPHCM, là một vấn đề được lãnh đạo TPHCM và các tầng lớp nhân dân thành phố quan tâm từ nhiều năm nay. Đó cũng là một quá trình hoàn thiện, để đến hôm nay TPHCM thấy chín muồi các điều kiện để xin được trình ra với Quốc hội, Chính phủ đã có tờ trình. Đây là điều động viên đối với TPHCM” – bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – người giữ vị trí Chủ tịch HĐND thành phố trong thời kỳ thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường đến thời điểm về hưu, chia sẻ trên diễn đàn Quốc hội.
Cũng trong ngày làm việc hôm nay, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự kiến biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) nếu đủ điều kiện./.
Ngọc Thành
VOV
Xem thêm: nhc.30392338061110202-mchpt-o-gnouhp-nauq-dndh-ob-ceiv-teyuq-ioh-couq-yan-moh/nv.zibefac