Sử dụng ma túy đá - Ảnh: T.L
Theo Chính phủ, Luật phòng chống ma túy hiện hành dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng có những quy định cần điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn.
Quản lý chưa đúng mức
Tờ trình Chính phủ cho thấy những năm qua, số người sử dụng trái phép chất ma túy gia tăng. Đặc biệt người sử dụng ma túy tổng hợp bằng nhiều hình thức sử dụng từ hút, hít, tiêm chích sang uống, ngậm...
Tình hình sử dụng trái phép chất ma túy diễn biến càng phức tạp khi Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có hiệu lực không coi hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm và không bị xử lý hình sự.
Mặt khác, sự bùng nổ các loại hình kinh doanh như vũ trường, quán bar, nhà hàng... tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp.
Năm 2019 cả nước có gần 3.900 cơ sở kinh doanh có điều kiện như vũ trường, quán bar, nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng, club... có biểu hiện liên quan đến tội phạm và tệ nạn ma túy.
Cơ quan chức năng đã xử lý hành chính hơn 13.800 người sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở này. Trong đó, độ tuổi dưới 18 chiếm 4%, từ đủ 18 đến 35 tuổi chiếm 85% và từ 35 tuổi trở lên chiếm 11%.
Cũng theo nội dung tờ trình, nhiều người sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho họ và gây mất an ninh, trật tự.
Đặc biệt người sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần (ngáo đá), không kiểm soát được hành vi gây ra các vụ thảm án, gây hoang mang trong dư luận. Có những vụ giết chính người thân.
"Mặc dù thấy được tính chất nguy hiểm, hậu quả gây ra cho xã hội nhưng quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy chưa được quan tâm một cách đúng mức, dẫn đến hậu quả do những người sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội trong thời gian qua là vô cùng nghiêm trọng, gây bất an trong nhân dân.
Hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hiện chỉ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng chưa đủ sức răn đe" - tờ trình nêu.
Dạy nghề cho người cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm Nhị Xuân (huyện Hóc Môn, TP.HCM) - Ảnh: TIẾN LONG
Ngăn chặn ngay từ lần đầu sử dụng
Theo dự thảo Luật phòng chống ma túy (sửa đổi), việc quản lý được áp dụng ngay lần đầu khi phát hiện người sử dụng trái phép chất ma túy để ngăn chặn người đó tiếp tục sử dụng.
Theo đó, sử dụng trái phép chất ma túy là người có xét nghiệm dương tính với chất ma túy, việc sử dụng chất ma túy của người đó trái luật và chưa xác định được tình trạng nghiện.
Trường hợp này sẽ bị áp dụng hình thức quản lý 1 năm đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên, 6 tháng đối với người dưới 18 tuổi.
Trong thời gian quản lý, nếu người đó thuộc đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì thực hiện theo quy định Luật xử lý vi phạm hành chính. Nếu được xác định tình trạng nghiện thì thực hiện theo các quy định về cai nghiện.
Dự thảo luật quy định chủ tịch UBND cấp xã giao công an cấp xã chủ trì phối hợp cơ quan, tổ chức, đoàn thể cùng cấp và gia đình quản lý, giáo dục, động viên người sử dụng trái phép chất ma túy.
Người sử dụng trái phép chất ma túy có trách nhiệm tự khai báo về hành vi sử dụng ma túy và chấp hành việc quản lý, theo dõi và xét nghiệm theo yêu cầu của công an cấp xã.
Gia đình người đó cũng có trách nhiệm theo dõi, quản lý, giáo dục, động viên người thân chấm dứt việc sử dụng ma túy. Khi phát hiện người thân sử dụng trái phép chất ma túy phải thông báo với công an cấp xã nơi cư trú.
Ngăn chặn người sử dụng trái phép chất ma túy có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội. Hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền đưa người sử dụng trái phép chất ma túy đi xét nghiệm.
Dự thảo luật cũng quy định công an cấp xã thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú trên địa bàn quản lý.
"Cơ quan, tổ chức nơi người sử dụng trái phép chất ma túy làm việc có trách nhiệm động viên, giúp đỡ, giáo dục người sử dụng trái phép chất ma túy chấm dứt việc sử dụng trái phép chất ma túy.
Phối hợp với gia đình, cơ quan có thẩm quyền đưa người sử dụng trái phép chất ma túy đi xét nghiệm. Nhà nước đảm bảo kinh phí cho xét nghiệm và đưa người sử dụng trái phép chất ma túy đi xét nghiệm", dự luật nêu.
Nhiều người sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho họ và gây mất an ninh, trật tự - Ảnh: T.L.
Phải bắt buộc cai nghiện tập trung
Nói về dự luật này, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn khi việc cai nghiện dựa nhiều vào sự tự nguyện của người nghiện. Đại biểu Ngô Minh Châu - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho rằng phải coi người nghiện là bệnh đặc biệt để có cách quản lý, chữa trị...
Trong đó quan trọng là khâu giám sát. Theo ông Châu, thống kê của một số địa phương, trong đó có TP.HCM, cho thấy người nghiện ma túy là một trong các nguyên nhân phát sinh tội phạm.
Có đến 70% tội phạm cướp giật là người nghiện ma túy. Có những trường hợp người nghiện ma túy giết người, thậm chí giết nhiều người.
Trong khi đó, nhiều cán bộ làm công tác cai nghiện ở các phường, xã, thị trấn tại TP.HCM đánh giá tỉ lệ người bệnh cai nghiện thành công tại cộng đồng rất thấp. Trong khi đây là nguồn phát sinh tội phạm cũng như người nghiện mới.
"Do vậy, trừ trường hợp chứng minh được địa điểm, con người đảm bảo cho việc cai nghiện ở cộng đồng, còn đã là người nghiện phải cai nghiện bắt buộc tập trung.
Cai nghiện tập trung đem lại kết quả tốt và tỉ lệ thành công cao hơn bởi có hệ thống điều trị, bác sĩ, quản lý chặt chẽ", ông Châu đề xuất và nói thêm: "Chúng ta có thể khẳng định để nhân đạo cho người nghiện cần đưa vào cai nghiện tập trung. Bởi hình thức cai nghiện này nhanh chóng cắt cơn nghiện, đồng thời tạo điều kiện để các cơ sở cai nghiện đầu tư tốt hơn".
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) chia sẻ bà kỳ vọng luật sửa đổi lần này làm giảm số người nghiện cũng như giảm số lượng ma túy được tiêu thụ, vận chuyển.
Tuy nhiên, sau khi xem dự thảo luật, bà Lan thấy mục tiêu đó khó khả thi bởi một số biện pháp mới đưa ra vẫn nhấn mạnh vào sự tự nguyện của người nghiện.
Theo bà Lan, việc đòi hỏi người nghiện tự nguyện là rất khó. Do vậy, bà Lan đề nghị luật quy định các giải pháp đưa người sử dụng trái phép chất ma túy đi cai nghiện tập trung đơn giản, rút gọn và dễ dàng hơn.
"Nếu như không có cai nghiện tập trung thì không ai có thể tự nguyện làm được đâu", bà Phong Lan nói.
Đề cập chuyện sau cai nghiện, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho rằng tỉ lệ tái nghiện rất cao do cai xong không có việc làm. Do đó, theo bà Hạnh, phải có giải pháp giải quyết vấn đề này, nếu không sẽ vẫn loay hoay như hiện nay.
Đại biểu Hạnh cũng cho rằng xã hội hóa công tác cai nghiện rất khó dù các cơ sở cai nghiện công lập đều quá tải, nếu không có những thủ tục thông thoáng rất khó kêu gọi nhà đầu tư tham gia.
Triệt phá đường dây ma túy giao "hàng" qua xe khách, xe ôm công nghệ
Ngày 15-11, Công an TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho hay vừa triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn bằng cách giao "hàng" qua xe khách và dịch vụ Grab.
Cụ thể, công an đã bắt khẩn cấp Đặng Minh Hoàng (24 tuổi, ngụ P.Trảng Dài, TP Biên Hòa) sau khi khám xét, thu giữ gần 950 viên thuốc lắc, cùng hơn 1,1kg ma túy (dạng hàng khay).
Theo công an, trước đó lực lượng trinh sát nghi vấn kiểm tra một số gói hàng gửi xe khách chuyển lên tỉnh Kon Tum và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát hiện có chứa ma túy.
Qua xác minh, công an xác định chủ các gói hàng trên là Đặng Minh Hoàng nên tiến hành bắt giữ và tiếp tục khám xét nhà đã thu giữ số lượng lớn ma túy trên.
Bước đầu, Hoàng khai từ tháng 4-2020 đã mua ma túy từ một số người tại khu vực tỉnh Bình Dương rồi gói ma túy, giao cho xe khách và xe ôm công nghệ để vận chuyển bán cho dân chơi ma túy ở một số tỉnh, thành.
Công an TP Biên Hòa cũng xác định vợ của Hoàng có tham gia việc mua bán ma túy với chồng nhưng đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên cho tại ngoại để điều tra. (H.M.)
Bổ sung nhiều quy định về cai nghiện
Dự thảo Luật phòng chống ma túy (sửa đổi) bổ sung nhiều quy định về cai nghiện như quy định tạo điều kiện cho người nghiện cai nghiện tự nguyện. Nếu người nghiện vẫn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy thì sẽ áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc.
Nhà nước đảm bảo kinh phí cho công tác cai nghiện bắt buộc, xây dựng các cơ sở công lập. Hỗ trợ một phần kinh phí cho công tác cai nghiện tự nguyện. Chỉ có cơ sở cai nghiện ma túy công lập mới tiếp nhận người nghiện cai nghiện bắt buộc.
Cũng theo dự luật, người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi thuộc trường hợp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì thẩm quyền quyết định do tòa án nhân dâp cấp huyện.
Tuy nhiên khi quyết định phải dựa trên cơ sở tham khảo ý kiến của cơ quan bảo vệ trẻ em cùng cấp và không coi là việc xử lý vi phạm hành chính. Cơ sở cai nghiện đảm bảo quyền được học văn hóa cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Có chế độ cai nghiện riêng, phù hợp và đảm bảo quyền trẻ em cho độ tuổi từ đủ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi và từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Ngoài ra, dự luật cũng quy định cụ thể các trường hợp áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên.
TTO - Qua rà soát, thống kê các năm (từ năm 2017 - 2019), tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý ở TP.HCM tăng bình quân hơn 5,7%/năm. Người nghiện mới có xu hướng trẻ hóa, có tiền án tiền sự tăng, sử dụng nhiều loại ma túy.
Xem thêm: mth.72533157061110202-yut-am-neihgn-iougn-tahc-yl-nauq-iahp/nv.ertiout