Hãy nghĩ về một giao dịch mua lớn mà bạn đã thực hiện gần đây. Đó có thể là điện thoại, máy tính xách tay hoặc bất cứ thứ gì khiến bạn phải nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua.
Bạn đã thuyết phục mình mua sản phẩm đó như thế nào?
Đó có phải là do một loạt các đánh giá trực tuyến tích cực? Hay có lẽ một lời giới thiệu tốt đẹp của một người bạn đáng tin cậy hoặc thành viên gia đình?
Tôi từng chi 600 USD cho một chiếc Nintendo Switch vì bạn bè của tôi liên tục nói với tôi rằng "đó là máy chơi game duy nhất mà tôi cần". Cuối cùng, tôi đã nhượng bộ theo mà mang chúng về nhà.
Tôi thậm chí còn chưa từng có ý định mua nó vì tôi vẫn còn một chiếc Playstation 4 đang hoạt động tốt hơn ở nhà, nhưng sức mạnh truyền miệng không thể chối cãi.
Có thể bạn đã biết, tiếp thị truyền miệng là một chiến lược tiếp thị cực kỳ hiệu quả. Nó không chỉ có khả năng khiến mọi người nhắc đến tên thương hiệu, mà còn khiến mọi người trò chuyện và bàn tán về chúng
Trên thực tế, khoảng 60% người tiêu dùng nghiên cứu các đánh giá và thông tin trước khi mua một sản phẩm và 90% tin tưởng vào các đề xuất thương hiệu từ bạn bè.
Đúng vậy, tiếp thị truyền miệng thực sự có quyền lực đối với bất kỳ người tiêu dùng nào. Thực tế là nó là một trong những hình thức tiếp thị lâu đời nhất (rất lâu trước kỷ nguyên kỹ thuật số hay cả quảng cáo trên báo in xuất hiện) và vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.
Trên thực tế, tiếp thị truyền miệng có sức mạnh phi thường, nó đã khiến một công ty được định giá khổng lồ 8,82 tỷ USD và có được hàng trăm triệu người dùng hoạt động hàng ngày với chi phí quảng cáo gần như bằng không.
Hãy cùng xem xét trường hợp kỳ lạ của Dropbox, dịch vụ lưu trữ file phổ biến và sự bành trướng toàn cầu bằng cách sử dụng chủ yếu là tiếp thị truyền miệng.
Nguồn gốc của Dropbox
Đối với những bạn chưa từng sử dụng cũng như chưa biết đến Dropbox trước đây thì đây chỉ đơn giản là một dịch vụ lưu trữ file cung cấp một lượng dữ liệu lưu trữ đám mây, đồng bộ hóa file, lưu trữ cá nhân và một số phần mềm khác.
Một hình ảnh về giao diện:
Nói một cách đơn giản, Dropbox hoạt động bằng cách tập hợp các file vào cùng một nơi bằng cách tạo một thư mục đặc biệt trên máy tính của người dùng, sau đó đồng bộ hóa chúng với máy chủ trực tuyến của chính nó.
Công ty được thành lập vào năm 2007 bởi các sinh viên MIT, Drew Houston và Arash Ferdows. Ý tưởng về dịch vụ này được hình thành sau khi Houston liên tục quên mang theo ổ USB cho các bài học ở trường. Vì vậy anh muốn tạo ra một dịch vụ đám mây để lưu trữ dữ liệu trực tuyến.
Sau nhiều thay đổi mang tính chiến lược, hiện Dropbox đã phát triển trở thành khối dịch vụ đám mây mà chúng ta đều biết ngày nay.
Nhưng không chỉ khía cạnh hoạt động kinh doanh góp phần vào sự phát triển vượt bậc của công ty. Điều khiến sản phẩm hấp dẫn đối với khách hàng là cách Dropbox đã khéo léo sử dụng tiếp thị truyền miệng trong các chức năng chính của dịch vụ.
Sử dụng một chương trình giới thiệu bạn bè chiến lược để thu hút người dùng mới tham gia
Chiến lược tiếp thị truyền miệng tốt nhất là những chiến lược hoàn toàn không tốn chi phí.
Dropbox là một trong những công ty khởi nghiệp may mắn có khoản đầu tư ban đầu cao, nhưng họ đã chọn tạo ra một chương trình giới thiệu bạn bè với chi phí bằng không.
Đầu tiên, khách hàng có thể giới thiệu một người bạn đến Dropbox và nếu người được giới thiệu bắt đầu sử dụng Dropbox thông qua liên kết giới thiệu, cả khách hàng và bạn bè sẽ nhận được thêm 500MB dung lượng lưu trữ.
Vài năm trước, 500MB là dung lượng lưu trữ quý giá đáng để bạn bè giới thiệu với bạn bè. Vì vậy, chắc chắn rằng đây là một ưu đãi cực kỳ tốt cho người dùng.
Hơn nữa, Dropbox đã tinh chỉnh quy trình giới thiệu bằng cách tạo các liên kết đơn giản và dễ theo dõi mà ai cũng có thể hiểu được trong nháy mắt.
Thứ hai, Dropbox đã thuê một chuyên gia về giới thiệu. Người này được thuê để tạo các cuộc khảo sát tiếp thị tập trung và các công cụ theo dõi mà khách hàng có thể sử dụng để xem họ đã thu thập thêm được bao nhiêu dung lượng bộ nhớ thông qua chương trình.
Với sự kết hợp của các yếu tố trên, chương trình đã thành công nhanh chóng. Chỉ trong tháng đầu tiên, dịch vụ của Dropbox đã thu về tổng cộng 2,8 triệu lời mời giới thiệu. Một con số đáng kinh ngang. Theo Houston, các lượt giới thiệu đã giúp tăng số lượt đăng ký Dropbox lên 60%.
Mặc dù phương pháp này có vẻ đơn giản nhưng chính sự khéo léo đằng sau nó đã khiến nó trở nên vô cùng hiệu quả:
- Quy trình giới thiệu đơn giản và ưu đãi lớn đi kèm khiến nó trở nên vô cùng hấp dẫn đối với người dùng.
- Các công cụ theo dõi cho phép người dùng tận mắt xem họ đã tích lũy được bao nhiêu dung lượng lưu trữ. Điều này thúc đẩy họ muốn thu thập nhiều hơn nữa.
Phương pháp này chắc chắn là cách tuyệt vời để thu hút người dùng mới, nhưng điều khiến nó càng hiệu quả hơn chính là được chia sẻ trên mạng xã hội:
Chia sẻ lên mạng xã hội đã được sử dụng để khuyến khích người dùng truyền bá câu chuyện của Dropbox
Không có chiến dịch tiếp thị nào hoàn thành nếu không có sự góp mặt rộng rãi trên mạng xã hội, Dropbox cũng không ngoại lệ.
Các nút một lần nhấp này chủ yếu được sử dụng để chia sẻ nội dung với bạn bè của bạn một cách nhanh chóng - và Dropbox đã sử dụng điều này để tạo lợi thế của họ với một chút thay đổi nhỏ.
Thay vì các ưu đãi nhàm chán thông thường như các phiếu giảm giá nhỏ, Dropbox đã điều chỉnh ưu đãi cho dịch vụ của họ bằng cách tặng thêm dung lượng lưu trữ một lần nữa.
Với mỗi Kết nối trên Facebook / Twitter hoặc Theo dõi trên Twitter, Dropbox đã tặng cho người dùng một dung lượng bổ sung là 125MB:
Kết quả của việc chia sẻ trên mạng xã hội này là gì? Dropbox hiện có 4,2 triệu người theo dõi trên Twitter và 1,3 triệu người theo dõi trên Facebook. Tất cả những điều này hầu như không tiêu quá nhiều chi phí cho công ty.
Một phương pháp hiệu quả cao khác mà Dropbox hoàn toàn không tốn kém gì ngoài ngân sách, nhưng nó hoạt động hiệu quả đáng kinh ngạc trong việc nâng cao nhận thức về chương trình trên các nền tảng truyền thông xã hội.
Dropbox đã phát động một cuộc thi gọi là Dropquest để kích thích nhóm người dùng của mình.
Chương trình tiếp theo này không còn là một chương trình đang diễn ra như hai chương trình kia, nhưng đây chắc chắn vẫn là một minh chứng mạnh mẽ cho các chiến lược tiếp thị truyền miệng mà Dropbox đã thực hiện.
Ra mắt lần đầu tiên vào năm 2011, Dropquest là một cuộc thi gồm nhiều bước yêu cầu người dùng giải một loạt các câu đố trong một khoảng thời gian giới hạn.
Tất cả những ai đã hoàn thành Dropquest sẽ nhận được thêm ít nhất 1GB bộ nhớ miễn phí. Ngoài ra, ai đó hoàn thành ‘nhiệm vụ’ càng nhanh, thì họ càng giành được nhiều giải thưởng bổ sung, chẳng hạn như một số món đồ Dropbox độc quyền.
Những gì bạn thấy khi hoàn thành Dropquest.
Đây là một sáng kiến cực kỳ thông minh để thực hiện vì:
- Các cuộc thi là cơ chế hiệu quả để thu hút mọi người tham gia vào một chiến dịch vì thường có các ưu đãi hấp dẫn đi kèm với nó.
- Khoảng thời gian có hạn của các cuộc thi khiến mọi người cạnh tranh hơn trong việc giải các câu đố, khiến tỷ lệ tham gia tăng vọt.
- Một cách tuyệt vời để đưa yếu tố thú vị vào một dịch vụ mà hầu hết mọi người liên tưởng đến việc lưu trữ dữ liệu nhàm chán.
Mặc dù Dropquest không còn tồn tại, nó vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa Dropbox lên một tầm cao lớn hơn. Quan trọng hơn, nó cho thấy các cuộc thi như thế này là công cụ tuyệt vời để truyền bá nhận thức với chi phí rất thấp.
Như đã được Dropbox thể hiện một cách xuất sắc, tiếp thị truyền miệng thực sự có thể là một trong những công cụ tốt nhất mà một thương hiệu có thể tận dụng để đạt được sự phát triển trong ngành nhất định của mình. Nó đặc biệt phù hợp với các thương hiệu có ngân sách thấp, đơn giản vì thương hiệu dựa vào khách hàng của mình để thực hiện tiếp thị.
Tuy nhiên, chúng ta cũng luôn cần nhớ, tiếp thị truyền miệng có thể hoàn toàn vô dụng nếu bạn không có một sản phẩm đáng để nói đến. Trước bất kỳ chiến dịch truyền miệng nào của mình, Dropbox đảm bảo rằng sản phẩm của họ đang đáp ứng nhu cầu hiện có trên thị trường và dịch vụ của họ là công nghệ tiên tiến.
Vì vậy, trước khi bạn xem xét tiếp thị truyền miệng trong các chiến dịch của mình, hãy tự hỏi bản thân: Sản phẩm của tôi có đáng để mọi người bàn luận không? Nếu không, bạn có thể phải quay lại bàn vẽ và đánh giá lại tiềm năng sản phẩm của mình trên thị trường.
Mai Lâm
Theo Tổ Quốc/MD