Khi Facebook Gaming ra mắt ở Việt Nam năm 2018, nền tảng này thực sự đã tạo ra một sự di dân bùng nổ khi nhà nhà nô nức livestream, người người bỏ sang Facebook làm streamer với những bản hợp đồng béo bở trị giá cả nghìn đô. Cá biệt, những cái tên nổi tiếng như Chim Sẻ Đi Nắng nhận được một bản hợp đồng không dưới 20.000 USD.
Giờ đây, Facebook Gaming trở thành mảnh đất hoang tàn với các streamer tham vọng đổi đời, làm giàu từ nền tảng này. Ngoài một số ít người nổi tiếng trụ được với nghề, những cái tên không tên tuổi, không đủ lượng người xem bị Facebook Gaming cắt hợp đồng hàng loạt.
Facebook Gaming từng được xem là miền đất hứa cho các streamer |
Thậm chí, ngay cả những tên tuổi hàng đầu, từng được Facebook Gaming ‘o bế’ thành gương mặt sáng giá của nền tảng này như Khởi My, Nam Blue, giờ cũng phải chịu cảnh lượng người xem èo uột so với trước kia. Đây là hệ quả rất rõ ràng đến từ chính sách và thuật toán thay đổi liên tục của Facebook, dẫn tới hệ lụy cho Facebook Gaming.
Thực trạng này cũng được phản ánh rất rõ ràng thông qua lượng người xem gần nhất. Facebook lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ giờ xem trên toàn cầu trong Quý III/2020. Nhưng ở cùng thời điểm, con số này của YouTube Gaming Live là 1,6 tỷ và Twitch là 4,7 tỷ giờ xem, theo Streamlabs.
Ở riêng mảng gaming, YouTube cho thấy sự tăng trưởng tốt hơn Facebook (ảnh: Streamlabs) |
Tại Việt Nam, kỷ lục gần nhất mà một streamer trên Facebook thiết lập được là Nam Blue với 137.000 người xem cùng lúc hồi tháng 4. Nhưng con số này vẫn là rất nhỏ nếu so với kỷ lục 238.000 người xem mà Độ Mixi lập ra hồi tháng 8 trên YouTube. Đấy là chưa kể kỷ lục hơn nửa triệu người xem trận chung kết của giải đấu Chung Kết Thế Giới 2020 vừa diễn ra hồi tháng 10.
Lý do nào cho sự thất thế này? Trước hết, phải thấy rằng giao diện Facebook Gaming không được tùy biến cho xem video, do đó người dùng cảm thấy gặp khó khăn, thậm chí là bất tiện trong việc muốn phóng to, thu nhỏ hay chuyển sang kênh khác.
Ngoài ra, về mặt kết nối, chất lượng hình ảnh và đường truyền, YouTube cũng tỏ ra vượt trội hoàn toàn so với Facebook. Về số lượng kênh chất lượng và mạng lưới đa kênh, Facebook Gaming hiện cũng đang trong quá trình xây dựng và vẫn còn ở một khoảng cách rất xa so với YouTube Gaming.
Các streamer ít tên tuổi đang phải vật lộn với lượng người xem chỉ từ vài chục |
Hơn nữa, về mặt trải nghiệm, người xem sẽ cảm thấy tương đối gò bó khi trải nghiệm bị đóng khung trong Facebook Gaming. Trong khi với YouTube Gaming, người xem có thể chuyển qua lại thoải mái giữa nội dung game và nội dung giải trí khác.
Xét cho cùng, Facebook vẫn chỉ là một mạng xã hội và giao diện tìm kiếm, xem video vẫn không thể phù hợp so với một nền tảng chuyên biệt như YouTube. Tuy nhiên, Facebook có lý do để tiếp tục cạnh tranh quyết liệt trong một thị trường đầy hứa hẹn với tiềm năng phát triển lên tới 50,1 tỷ USD trong năm 2020, tăng trưởng 18% mỗi năm đến năm 2030, theo dự báo của Insight Slice.
Mặc dù rất béo bở, tấm gương Mixer của Microsoft vẫn còn đó. Riêng ở Việt Nam, những nền tảng livestream gaming thất bại lại càng không ít, từ TalkTV đến CubeTV và Azubu. Vì vậy, không có gì đảm bảo Facebook có thể lật ngược thế cờ và đánh bại YouTube trong tình cảnh khó khăn bủa vây như hiện giờ.
Phương Nguyễn
ICTNews
Xem thêm: nhc.30382250161110202-man-teiv-o-eht-taht-gnac-yagn-gnimag-koobecaf/nv.zibefac