Tường Vy tin rằng với những nỗ lực trong học tập, bạn sẽ có công việc tốt trong tương lai để phụ giúp gia đình - Ảnh: BÌNH MINH
Người cha dù mắc bệnh suy thận mãn vẫn nỗ lực chạy xe ôm kiếm tiền nuôi gia đình.
Người mẹ tảo tần
Là chị lớn trong gia đình thuộc diện hộ nghèo của phường 14, quận 4 (TP.HCM), dưới Vy còn hai cậu em trai. Năm Vy lên lớp 3, mẹ sinh em chưa đầy một tháng thì ba của bạn ngã bệnh, nhập viện, rồi bác sĩ chẩn đoán ông bị suy thận mãn.
10 năm trôi qua, hàng cơm nằm sâu trong con hẻm nhỏ trở thành nguồn thu nhập chính nuôi sống cả gia đình, tiền học của những đứa con và viện phí chạy thận.
"Những ngày rằm mẹ bán chẳng được nhiều. Khu tôi ở là xóm lao động, nhiều người xin ăn thiếu, danh sách ghi nợ ngày một dài thêm. Rồi một ngày, họ đột ngột bỏ đi, để lại số tiền nợ chẳng bao giờ trả" - Vy kể.
Hàng cơm của mẹ Vy vì vậy chẳng mấy khi thu được tiền lời, dù mỗi ngày bà đều phải tất bật chuẩn bị, chăm chút cho từng món ăn. Vy nói, bạn thấy xót cho mẹ, nhất là mỗi khi bà nhẩm tính và lo lắng trước mớ hóa đơn tiền điện, nước... dồn dập vào cuối tháng.
Trong ba chị em, Vy cảm nhận rõ nhất những áp lực mà mẹ đang gánh chịu, sự hi sinh của gia đình để các con được đến trường.
Mỗi tuần, ba Vy phải chạy thận ba lần. Đôi tay ông giờ không thể mang vác vật nặng quá 5kg do những vết mổ trong quá trình điều trị bệnh.
Nhìn vợ con khổ cực, người đàn ông trụ cột của gia đình vẫn gắng tìm một chiếc xe cũ kỹ để chạy thuê. Bất cứ khi nào có người quen gọi nhờ chở, ông đều tất tả đi, mong kiếm chút tiền phụ giúp vợ.
Cho đi và nhận lại
Nhớ lại khoảng thời gian cấp II, Vy bảo mình rất thụ động, chỉ tập trung vào việc học. Lên cấp III, một lần tình cờ biết đến tổ chức Đoàn trong trường, bạn bị thu hút ngay bởi không khí vui vẻ, gần gũi mà các anh chị mang lại.
Vy xin làm tình nguyện viên cho các hoạt động ngay từ năm lớp 10 và gắn bó với văn phòng Đoàn như "ngôi nhà thứ 2" của mình.
Một năm sau đó, nữ sinh nhút nhát ngày nào được tín nhiệm bầu làm bí thư Đoàn trường nhờ sự nhiệt tình và nỗ lực không ngừng.
"Nhờ tham gia môi trường Đoàn, tôi làm quen với nhiều anh chị tài giỏi, tạo động lực để bản thân cố gắng học tập và noi gương. Họ cũng là những người giúp đỡ, chỉ dẫn tôi nhiều kinh nghiệm trên con đường học vấn" - Vy chia sẻ.
Hiện nay, Vy đang là thành viên Câu lạc bộ Cán bộ Đoàn trường học quận 4 - nơi tạo điều kiện để bạn tham gia nhiều hoạt động tình nguyện, hướng đến cộng đồng. Trong đợt tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, Vy cùng các bạn phát nước rửa tay sát khuẩn, vận động người dân tuân thủ những quy định của chính quyền để phòng dịch, tổ chức một số hoạt động Trung thu cho trẻ em.
Bận rộn là vậy, song cô bạn vẫn xuất sắc là học sinh có điểm thi tốt nghiệp cao nhất Trường THPT Nguyễn Trãi.
"Có một câu thơ tôi rất tâm đắc, 'Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình'. Thật sự bản thân cảm thấy nhận được nhiều điều từ cha mẹ, thầy cô... nên tôi muốn tham gia các hoạt động tình nguyện, dành tấm lòng mình để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn hơn" - bạn bộc bạch.
Lớn lên trong gia đình thiếu trước hụt sau, Vy nhận thức rõ những giá trị mà việc học sẽ mang lại, không chỉ là kiến thức mà phần thưởng như học bổng, tập vở cũng giúp bạn tiết kiệm được chi phí mua sắm. Học càng tốt, Vy càng tin mình có nhiều khả năng giúp đỡ gia đình hơn.
"Vì vậy, học bổng Tiếp sức đến trường rất có ý nghĩa với tôi lúc này, không những chắp cánh ước mơ bay xa hơn mà còn giúp nhẹ đi áp lực học phí của năm học đầu tiên đang đè lên đôi vai của cha mẹ" - cô tân sinh viên đại học rất vui và bày tỏ.
Những năm cấp III, Tường Vy đoạt nhiều giải thưởng cao như huy chương vàng Olympic lần IV TP.HCM môn địa lý lớp 10, huy chương bạc Olympic lần V TP.HCM môn địa lý lớp 11, giải nhì học sinh giỏi cấp TP môn ngữ văn lớp 12, học bổng dành cho học sinh nghèo có thành tích học tập tốt tại Trường THPT Nguyễn Trãi (quận 4)...
TTO - Ngày bé Tú Anh hỏi mẹ: “Mẹ ơi, sao mẹ đẻ ra con mắt như thế này?”. Đôi mắt của con chẳng thể nhìn rõ nhưng người mẹ không chấp nhận đầu hàng số phận, luôn nắm chặt tay đưa đường dẫn lối cho con.
Xem thêm: mth.87123658061110202-em-auc-moc-gnah-ut-nel-nol/nv.ertiout